Top

90 tỉ USD quy hoạch Hà Nội: Nguồn chính là từ đất đai

Cập nhật 13/06/2010 08:40


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân.
Về khái toán 90 tỉ USD thực hiện quy hoạch Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: "Nguồn chính là từ đất đai".

Nhiều ý kiến băn khoăn về đồ án quy hoạch, cho rằng quy hoạch đưa ra khái toán tổng mức đầu tư lên tới 90 tỉ USD, số tiền lớn này sẽ lấy ở đâu ra? Liệu có là một siêu dự án treo hay không?

Theo tôi, vấn đề về vốn của một đồ án quy hoạch khác với một dự án đầu tư ở chỗ vốn không phải được hiện thực hoá ngay lập tức mà xác định theo phân kỳ đầu tư, có thứ tự ưu tiên đầu tư.

Việc đưa ra mức khái toán là để tiên lượng tính khả thi và xác định quyết tâm thực hiện quy hoạch cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tạo dựng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Tổng mức đầu tư nhiều hay ít chưa phải là vấn đề đặt ra ở đây mà quan trọng là chúng ta có khẳng định và quyết tâm thực hiện các định hướng mà quy hoạch đã tính toán và đề xuất hay không. Chúng ta có nhiều cơ chế và giải pháp để tạo ra nguồn lực như đấu thầu quyền sử dụng đất, đổi đất lấy hạ tầng, mô hình BOT…

Thời gian qua, thực tiễn phát triển đô thị đã có những bài học kinh nghiệm thành công trong việc tạo ra nguồn lực phát triển từ chính đất đai, hay nói một cách nôm na nguyên lý của đầu tư hạ tầng đô thị là “lấy mỡ nó rán nó”.

Nguồn lực đất đai này sẽ gia tăng giá trị rất lớn một khi có quy hoạch tốt và Nhà nước có cơ chế, chính sách đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân - nhà đầu tư - Nhà nước, từ đó thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, xã hội hoá lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Ngoài ra, vốn ngân sách của Nhà nước cũng được sử dụng như “vốn mồi” để khuyến khích các nguồn vốn ODA, FDI vào xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung. Vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước là làm thế nào để kiểm soát và thu được nguồn lợi từ đất đai này để đầu tư trở lại cho đô thị, chứ không phải để nó rơi vào khâu trung gian hoặc giới đầu cơ.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, do biến động của điều kiện kinh tế xã hội, quy hoạch cũng có thể cần phải rà soát, điều chỉnh, theo đó nguồn vốn để thực hiện quy hoạch cũng có thể sẽ thay đổi.

Trong quá trình lập và từng bước hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thường trực Chính phủ 3 lần và báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 3 năm nay; tổ chức báo cáo BCH Đảng bộ, HĐND và tập thể UBND TP Hà Nội; tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các hội nghề nghiệp; triển lãm 15 ngày ở Hà Nội lấy ý kiến nhân dân.

Tại kỳ họp này, sau khi báo cáo Quốc hội, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội yêu cầu Liên danh tư vấn hoàn thiện quy hoạch, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến vào tháng 8 năm nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động