Trước tình trạng hàng loạt vụ sụt lún do xây tầng hầm cao ốc xảy ra tại TP HCM, Bộ Xây dựng đang gấp rút soạn thảo chỉ thị buộc chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm quy định khảo sát địa chất thủy văn.
Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Trần Chủng cho biết: "Nội dung chính của chỉ thị sẽ được áp dụng sắp tới là ngay khi lập dự án, chủ đầu tư phải khảo sát địa chất, thay vì chờ duyệt xong".
Theo ông Chủng, song song với khảo sát này, chủ đầu tư phải trình kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình lân cận để có hướng giải quyết những sự cố ngoài ý muốn và tranh chấp sau này.
Một nội dung mới của chỉ thị này là bên cạnh các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, khâu thiết kế, tính toán phải có sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành. Nếu không đủ điều kiện về con người, thiết bị, chuyên môn và kinh nghiệm, tuyệt đối phải đình chỉ dự án.
Ông Chủng còn cho biết thêm, trong chỉ thị mới về vấn đề xây cao ốc chen giữa đô thị, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương phải liên tục giám sát chặt chẽ và chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Những chủ đầu tư làm ẩu, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ bị phạt hành chính và bồi thường toàn bộ thiệt hại theo đúng luật dân sự mà còn bị khởi tố ra tòa.
"Cao ốc có tầng hầm xây trong lòng phố phải được giám sát chặt và xử lý nghiêm để bảo vệ tài sản và tính mạng của những người xung quanh", ông Chủng nói.
Trưởng phòng kỹ thuật Liên đoàn địa chất thủy văn - Địa chất công trình miền Nam, ông Bùi Trần Vượng lý giải, các lớp đất bên dưới bị hút đi quá nhiều cát và nước khiến công trình lân cận bị hổng chân mới gây ra sụt lún.
Ông Vượng giải thích, mặt cắt các lớp đất gồm 5 tầng với độ nông sâu tùy vị trí địa lý khác nhau. Tại khu trung tâm TP HCM, tầng 1 có độ sâu từ 3 đến 10 m. Tầng thứ 2 có chiều sâu lớn hơn, khoảng 10-40 m, đây là tầng có nhiều cát và nước ngầm nhất. Khi các công trình có tầng hầm đào sâu xuống lòng đất, thường chạm đến tầng 2 là tối đa.
Vì đặc tính của tầng 2 có nhiều cát và nước nên khi đào đến đây, cần xây tường vây chống thấm chạm đến chiều sâu hiệu quả, tức lớp đáy của tầng thứ 2 mới ngăn không cho nước tràn vào. Biện pháp thứ 2 là thiết kế tháo khô. Nếu không làm 2 cách này, mặc nhiên hút nước và cát trào ra, đến lúc các tầng đất bị rỗng, nguy cơ sụt lún chỉ là sớm hay muộn.
Ông Vượng cho rằng khảo sát thực địa không chỉ là yếu tố bắt buộc phải làm, mà cần làm thật kỹ. Chuyên gia này đề xuất, đối với những tòa nhà xây lọt thỏm giữa đô thị, quy mô nhỏ, tuyệt đối không nên cấp phép xây tầng hầm vì tỷ lệ rủi ro rất lớn.
Các tòa nhà tiếp giáp hố móng của công trình gây sụt
nền lô B chung cư 207 Bùi Viện cũng đang bị đe dọa.
Các sự cố xây dựng tại TP HCM từ tháng 10/2007 đến nay :
- Sáng 29/3, công trình xây dựng cao ốc số N1 đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM hai lần gây sạt lở đất.
- Chiều 27/3 sụt chung cư 207 lô B Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM.
- Chiều 10/12/2007, sụt đường Vườn Lài phường 10, quận Tân Bình, TP HCM.
- Sáng 1/11/2007: Sập nền trường Lương Định Của, phường An Phú, quận 2 làm 800 học sinh nháo nhác.
- Chiều 31/10/2007: Nghiêng chung cư Cosaco tại số 5, Thi Sách, quận 1 làm hơn 100 người hoảng loạn cạnh công trình Residence.
- Tối 9/10/2007: Sập Viện Khoa học xã hội và lún nứt Sở Ngoại Vụ, phường Bến Nghé, quận 1.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: