Vẫn thống nhất giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, song một số góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã được tiếp thu ở chừng mực nhất định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, quan trọng là quản lý thế nào để việc thu hồi đất vì dự án phát triển kinh tế xã hội không phục vụ cho lợi ích nhóm.
|
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi họp sáng 17/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết đã nhận được 6.958.848 lượt ý kiến góp ý.
Trong đó có 132.836 lượt ý kiến đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án, và 132.016 lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Giải trình đề nghị thứ nhất, cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Với đề nghị thứ hai, Bộ trưởng Quang cho biết cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Mặt khác, để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thu hồi đất để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như: các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện.
Bên cạnh nhiều vấn đề đã thống nhất, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra vẫn còn ý kiến khác nhau về một số vấn đề.
Cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định tại điều 51 về trường hợp giao đất cho các dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định nội dung này.
Hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định ngoài những dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, việc chuyển đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ. Còn theo cơ quan soạn thảo thì nên giao Chính phủ quy định vấn đề này...
Cả Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác đều cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ quyền của nhân dân trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
"Quyền sử dụng đất có phải bổ sung gì nữa không? Cần rà soát lại để tăng cường quyền đại diện chủ sở hữu rõ hơn, hiện nay làm rất yếu", ông Lý phát biểu.
Theo ông Lý, nếu quy định là toàn dân là chủ sở hữu thì quyền của nhân dân thế nào lại chưa thấy. Quyền của dân và quyền của đại diện chủ sở hữu là khác nhau nhưng trong luật lại chưa đặt ra, trong khi đây là vấn đề cần giải quyết.
"Tính khả thi đã tốt hơn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét. Ông cũng yêu cầu làm rõ việc gì thì nhà nước thu hồi đất, loại đất nào để làm gì thì nhà nước thu hồi, loại nào trưng thu trưng mua, loại không thu cũng không mua thì cách giải quyết thế nào?
"Nếu không làm rõ thì thu hồi đất của dân vẫn phức tạp", Chủ tịch Quốc hội lo ngại.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nói rõ, là vẫn thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, nhưng vì lợi ích quốc gia hoặc vì lợi ích công cộng, chứ không vì nhóm lợi ích, cá nhân doanh nghiệp nào!
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, quan trọng là quản lý thế nào để việc thu hồi đất vì dự án phát triển kinh tế xã hội không phục vụ cho lợi ích nhóm. "Còn không thể hạn chế thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp làm kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và đóng thuế thì cũng đem lại lợi ích cho xã hội chứ", ông Hiển phân tích.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị không nên đặt vấn đề là không thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì “rất phản cảm”, mà nên liệt kê hết các trường hợp thu hồi liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn đất phục vụ lợi ích khác thì trưng mua.
"Đây là vấn đề rất quan trong, cần gia công thêm", Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân gói lại.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: