Top

Hà Nội mở rộng: Phát triển cơ sở hạ tầng nào?

Cập nhật 08/10/2008 11:00

Ông Nguyễn Văn Bức - Tổng giám đốc Cty Tư vấn quốc tế xây dựng và giao thông Hà Nội - dẫn nguồn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Sự mất cân đối giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô đô thị hóa (ĐTH) đang gây cho Hà Nội nhiều hậu quả nghiêm trọng như nạn ùn tắc giao thông, úng ngập nước mưa kéo dài và trên diện rộng, thiếu nước máy, tồn đọng nhiều rác thải, ô nhiễm không khí quá mức cho phép…

Hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở hạ tầng đầu tư chủ yếu chỉ bằng vốn ngân sách, không tương xứng với vốn đầu tư của toàn xã hội cho kiến trúc đô thị và đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, không dứt điểm.

Vấn đề đặt ra là sau khi Hà Nội mở rộng, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm như thế nào?

Ưu tiên xây dựng các trục đường xuyên tâm

Theo kinh nghiệm của ADB, khi mở rộng TP cần có kế hoạch phát triển vùng ngoại thành trước để khắc phục tình trạng ĐTH tự phát, làm phá vỡ cấu trúc môi trường tự nhiên, mất cân đối về mạng lưới đường giao thông, cấp điện, cấp - thoát nước.

ADB phân tích: Quá trình ĐTH tự phát các làng xóm truyền thống ở nội thành thập kỷ 90 thế kỷ XX và xu hướng ĐTH làng ven đô hiện nay đang gây ra tình trạng mạng lưới giao thông bị chia cắt, ách tắc nghiêm trọng, chi phí giải phóng mặt bằng khi làm các tuyến đường mới gấp 4 - 5 lần chi phí xây dựng công trình.

Do vậy ADB cho rằng cần ưu tiên xây dựng hoàn chỉnh các trục đường xuyên tâm theo tiêu chuẩn là các đường ĐT cấp I, rộng từ 50m trở lên để tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Những trục đường này không chỉ đóng vai trò liên kết các trung tâm ĐT với nhau mà còn là trục xương sống, chi phối hoạt động giao thông vận tải trên mạng lưới đường giao thông nông thôn có sẵn ở các huyện ngoại thành đặc biệt là các huyện thuộc Hà Tây (cũ).

Xã hội hóa vận tải hành khách công cộng

Ưu tiên thứ hai, theo ADB là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm nhiều loại hình phương tiện với phương châm xã hội hóa đầu tư.

ADB cho rằng trong khoảng 10 năm tới, Hà Nội phải phát triển xe buýt chạy nhanh nhiều hơn nữa thì mới đáp ứng được nhu cầu đi lại giữa trung tâm với vùng ngoại thành rộng lớn và mới có thể giảm được sự gia tăng phương tiện cá nhân. Chính quyền cần có cơ chế khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân tham gia vào chương trình phát triển vận tải hành khách công cộng để giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực dịch vụ công cộng.

Đầu tư đồng bộ cho cấp nước ĐT


Hiện nay hơn 4 triệu dân Hà Nội đang sử dụng nước từ 2 nguồn nước ngầm. Một là, các giếng khoan hộ gia đình ở tầng sâu 30 - 40m. Hai là, các giếng khai thác của nhà máy lấy nước ngầm ở tầng sâu 60 - 70m. Điều đáng ngại là kết quả nghiên cứu của cơ quan quản lý tài nguyên nước cho thấy, giới hạn cho phép khai thác nước ngầm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng là 750.000m3/ngày đêm nhưng thực tế khai thác của các giếng đã xấp xỉ 1 triệu m3/ngày đêm. Như vậy, trong tương lai, các đô thị mới ở Tây và Tây Nam Hà Nội sẽ được cung cấp chủ yếu từ nguồn nước mặt sông Đà và sông Hồng.

Cơ quan Hỗ trợ phát triển Nhật Bản (JICA) đề xuất nên sử dụng khoảng 600 nghìn m3/ngđ của sông Đà, cấp vào TP bằng 2 trục đường ống lớn chạy theo đường Láng - Hòa Lạc và theo QL 6. Các nhà máy dùng nước mặt sông Hồng cần được xây dựng ở khu vực Nhật Tân, Thượng Cát (Từ Liêm), Yên Sở (Thanh Trì). Khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm sử dụng kết hợp 2 nguồn nước mặt và ngầm của sông Hồng, sông Đuống.

Cần có chương trình tổng thể về quản lý rác thải


JICA đánh giá khu xử lý rác thải Nam Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại vào bậc nhất ở Đông Nam Á, hiện đang chôn lấp, xử lý rác cho Hà Nội và một số KCN lớn của các tỉnh kế cận. Tuy nhiên, đến năm 2013, khu xử lý rác Nam Sơn sẽ hết khả năng phục vụ. JICA cho rằng cần đầu tư mở rộng khu xử lý này thêm 20 - 30ha vào thời điểm 2010 và đầu tư thêm 1 - 2 khu xử lý rác ở Hòa Bình, Hà Tây để đáp ứng quy mô ĐTH, công nghiệp hóa rộng lớn.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích DN xây dựng nhà máy chế biến phân bón vi sinh, vừa tiết kiệm được diện tích đất phải dành cho chôn lấp rác vừa tạo được nguồn thu từ việc tái chế sử dụng rác cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tiêu dùng.

Hà Nội nên là đô thị mở với nhiều trung tâm


Cuối cùng theo ADB, để bảo vệ bền vững cảnh quan, môi trường sống trong quá trình ĐTH gia tăng, Hà Nội nên được quy hoạch theo nguyên lý là một đô thị mở với nhiều trung tâm. Các trung tâm ĐT sẽ được liên kết với nhau bởi các trục đường giao thông rộng đủ cho 8 làn xe trở lên và có các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Hà Nội sẽ có một hệ thống các tiểu đô thị xen kẽ với những không gian xanh.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng