Top

Quy hoạch đô thị: Chờ luật hoá

Cập nhật 08/10/2008 01:00

Bộ mặt của một đô thị đẹp hay xấu là do quy hoạch kiến trúc của đô thị đó quyết định. Hay nói cách khác, kiến trúc chính là bức tranh phản ánh nền văn hóa của một thời đại.

Tuy nhiên, hơn hai mươi năm đổi mới với tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh kéo theo sự bùng nổ đô thị đã phát sinh nhiều vấn đề về quy hoạch kiến trúc đô thị, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường... khiến bức tranh chung về kiến trúc đô thị còn quá nhiều bất cập, thậm chí được đánh giá là chắp vá, xộc xệch.

Không ít điều luật, văn bản pháp lý đã được ban hành; Cũng đã trải qua 9 năm thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, mấy năm gần đây lại tiếp tục chuyển sang mô hình quản lý mới với việc ra đời của Sở Quy hoạch Kiến trúc... nhưng, vấn đề quy hoạch - kiến trúc tại các đô thị vẫn là một vấn đề nóng, rất nóng.

Vì thế, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị là một trong những dự án luật được dư luận quan tâm nhất trong số các dự án luật sẽ được bàn thảo trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII.

Bung khỏi chiếc áo quá chật


Với thành tựu đổi mới kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh, từ trên 100 USD/người năm 1986 đã tăng lên 350 USD/người năm 2000 và đến nay đạt khoảng 750 USD/người. Thu nhập tăng đồng nghĩa với việc đẩy lùi cái đói, cái nghèo và tăng nhanh các nhu cầu khác, đặc biệt là nhà ở, chỗ ở.

Nhu cầu lao động tại các thành phố, khu công nghiệp cũng tăng rất nhanh để đáp ứng với đòi hỏi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là các nhu cầu khác: học tập, mua sắm, tham quan, chữa bệnh... Tất cả những yếu tố trên khiến cho lượng người đổ về thành phố tăng lên rất nhanh. Cụm từ "bùng nổ đô thị" luôn được nhắc đến trong những năm gần đây. Bùng nổ nhu cầu, lại cộng thêm công tác quản lý yếu kém, bị buông lỏng trong một thời gian dài, quy hoạch - kiến trúc đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM đã bị phá vỡ nghiêm trọng.

Quản lý, quy hoạch không theo kịp nhu cầu của cuộc sống; luật pháp chưa được coi trọng... nhu cầu của người dân (có tiền) về nơi ăn chốn ở mới đã bung ra khỏi chiếc áo quản lý đô thị chật hẹp, cũ kỹ hiện nay.

Chắp vá

Ai là người chịu trách nhiệm về bức tranh kiến trúc đô thị hiện nay? Kiến trúc sư Lê Quang Ngọc - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty cổ phần kiến trúc xây dựng số 1 Hà Nội buồn bã nói: "Chính các kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã rất hèn, không dám bảo vệ quan điểm của mình". Ông cũng cho rằng, mặt bằng kiến thức của các kiến trúc sư Việt Nam không thua kém gì các nước nhưng họ lại không được quyền quyết định hoặc ghi dấu ấn, trách nhiệm cá nhân tại các công trình kiến trúc.

Ngay tại cuộc tọa đàm về giới thiệu nội dung một số dự án luật trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII do Văn phòng Quốc hội tổ chức mới đây, kiến trúc sư Tô Thị Toàn - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng thẳng thắn: "Có nhiều công trình, khi xây dựng xong, chúng tôi không dám nhận đó là con đẻ của mình. Vì sao? Vì nó đã bị "sửa chữa, bổ sung" rất nhiều, khác xa so với bản thiết kế ban đầu".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò cá nhân trong mỗi công trình kiến trúc, bà Toàn thừa nhận: "Quần chúng là những người làm nên lịch sử. Chúng tôi làm theo sự phân công của Nhà nước, vai trò cá nhân gần như không được đề cập. Kiến trúc sư có kinh nghiệm làm chủ đồ án, thực hiện nhiệm vụ cùng một nhóm kiến trúc sư trẻ tuổi. Công trình này sau đó được trình lên lãnh đạo duyệt nhưng được phê duyệt hay không là phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo".

Bà Toàn kể một câu chuyện vui... cười ra nước mắt: Có một công trình xây dựng đã được phê duyệt kiến trúc. Vị lãnh đạo của địa phương nọ sau khi nhìn thấy bên tỉnh bạn có một công trình khác mà theo vị lãnh đạo này, rất đẹp liền gọi bà Toàn lên, yêu cầu sửa chữa bản thiết kế sao cho giống công trình của tỉnh bên. Điều đó lý giải vì sao có nhiều công trình của các tỉnh lại giống nhau đến thế, cứ như anh chị em sinh đôi hoặc thậm chí sinh ba, tư.

Như vậy, một công trình kiến trúc không mang dấu ấn, trách nhiệm cá nhân. Nó chỉ mang dấu ấn của một tập thể các nhà làm kiến trúc. Hơn thế, nó còn mang dấu ấn của nhà lãnh đạo (hầu như không mấy người học về kiến trúc). Mà tư duy của các nhà lãnh đạo, nói theo quan điểm của Nhà sử học Dương Trung Quốc là tư duy nhiệm kỳ. Tính kế thừa, phát huy không mấy được coi trọng, và thế là, trách nhiệm về bộ mặt kiến trúc đô thị là... rất khó để xác định.

Cần “nhạc trưởng” mới...

Nhạc trưởng ở đây được chỉ đích danh là Kiến trúc sư trưởng. "Kiến trúc sư trưởng là người phải thể hiện được kiến trúc vật thể và phi vật thể. Ông này phải sờ được, nghe được tiếng động, nét văn hóa... để tạo ra những công trình kiến trúc đặc thù". Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra quan điểm tại cuộc tọa đàm giới thiệu nội dung một số dự án luật trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII nói trên. Theo ông, Luật Quy hoạch đô thị phải xác định được trách nhiệm cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền đô thị trong hoạt động quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.

"Để đảm bảo sự đồng bộ của quy hoạch, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong công tác quy hoạch cần phải có hội đồng kiến trúc, quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND về định hướng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc, quy hoạch; phản biện các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị tại địa phương" - Ông Kiên nói.

Về vai trò của Kiến trúc sư trưởng, quan điểm của ông Kiên khá rõ ràng: "Cần phải tái lập chức danh Kiến trúc sư trưởng. Kiến trúc sư trưởng phải đóng vai trò "nhạc trưởng" trong việc định hướng kiến trúc đô thị ở nước ta theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc".

Nhìn lại mô hình Kiến trúc sư trưởng áp dụng tại Hà Nội và TP HCM những năm 90, có thể thấy, dù được bổ nhiệm bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vai trò được đề cao nhưng thực tế mô hình này đã bị "hành chính hóa", hoạt động như một cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, với rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên một bình diện rộng.

Cá nhân Kiến trúc sư trưởng phải làm việc như một công chức, tham gia từ cấp phép xây dựng, phá dỡ, thỏa thuận địa điểm xây dựng đến thỏa thuận kiến trúc - quy hoạch... khiến không còn thời gian làm tốt chức năng chính là tham mưu. Với những bất cập đó, mô hình này đã bị dẹp bỏ, thay vào đó là việc thành lập cơ quan Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại các tỉnh thành phố. Nhưng, tình hình vẫn không khá hơn vì các sở này lại có nhiệm vụ nặng nề về quản lý nhà nước, còn chức năng tư vấn, tham mưu thường rất hạn chế, kém kịp thời.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, mô hình Kiến trúc sư trưởng mới xác định rõ vai trò hoạt động độc lập, vừa đảm nhiệm vai trò tham mưu cho lãnh đạo thành phố, vừa đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố, chủ trì các cuộc họp thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, các dự án đầu tư xây dựng công trình; là ủy viên hội đồng tuyển chọn trong các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc tại địa phương và đánh giá chất lượng nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình quan trọng tại đô thị; là người phát ngôn của Chủ tịch UBND TP về những vấn đề liên quan đến kiến trúc - quy hoạch trước công luận... Đó chính là vị "nhạc trưởng" mới, có tác động quan trọng quyết định tới bộ mặt đô thị.

Tôn trọng tính khách quan

Dự kiến, từ sau năm 2010, Quốc hội sẽ thông qua quy chế mới, trong đó trách nhiệm và vai trò của Thị trưởng (chứ không phải là chủ tịch thành phố) chịu trách nhiệm về bộ mặt thành phố. Thị trưởng được phép lựa chọn và quyết định Kiến trúc sư trưởng thành phố "Vua sáng thì mới có tôi hiền", Thị trưởng phải là người không độc đoán, biết tôn trọng tính khách quan, tính khoa học. Nếu không thì Kiến trúc sư trưởng có quyền "chia tay" Thị trưởng. Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh - Bộ Xây dựng đã đưa ra yêu cầu về Thị trưởng và mối quan hệ giữa Thị trưởng và Kiến trúc sư trưởng, hay nói một cách khác, giữa nhà chuyên môn và lãnh đạo chính trị phải có quan điểm thống nhất, vì sự phát triển của địa phương mình.

Như Le Corbusier đã nói: "Không có kiến trúc sư giỏi, chỉ có ông chủ thông minh". Muốn có được sự thống nhất trong quy hoạch kiến trúc đô thị, vấn đề lựa chọn người lãnh đạo, nâng cao "quan trí" phải được coi là vấn đề bức thiết. Nếu không, vết xe đổ của mấy chục năm loay hoay tìm giải pháp sẽ tiếp tục lặp lại.

Người Pháp để lại cho Hà Nội, TP HCM và một số đô thị khác những di sản kiến trúc vô cùng to lớn. Những công trình này đều mang dấu ấn, trách nhiệm cá nhân rất rõ ràng. Broger và Harloy với công trình Nhà hát Lớn Hà Nội; Henry - Auguste Vildieu với Phủ Toàn quyền (Phủ Chủ tịch), Dinh Thống sứ (Nhà khách Chính phủ)...

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp