Top

“Quan” sai, dân thiệt trăm bề!

Cập nhật 08/10/2008 01:00

Cấp “giấy hồng” xong thì quận mới phát hiện đó là nhà trái phép. Người mua nhà hợp pháp có được bồi thường?

Éo le trên đang xảy ra với bảy hộ dân ngụ hẻm 37/8, đường số 16, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Tháng 7-2007, những căn nhà của họ được UBND quận cấp “giấy hồng”, nay quận lại xác định đó là nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, phải tháo dỡ.

Có “giấy hồng” vẫn trái phép

Khu đất có bảy căn nhà trên nguyên là đất do ông Hà Văn Chương (cũng ngụ quận Gò Vấp) mua giấy tay năm 2002. Sau khi mua, ông Chương đã phân ra thành tám lô đất khác nhau. Ông đã xây nhà trên năm lô, bán hai lô cho hai người khác để xây nhà, còn một lô thì để trống.

Tháng 5-2007, ông Chương và hai người kia đã bán nhà cho bảy người kèm theo cam kết bao ra “giấy hồng”. Sau khi mua, bảy hộ dân đã chuyển đến phường 11 sinh sống và khoảng hai tháng sau thì tất cả đều được quận cấp “giấy hồng”.

Giữa năm 2008, căn cứ vào kết quả thanh tra của Thanh tra quận Gò Vấp, UBND quận này đã thu hồi số “giấy hồng” của các hộ trên với lý do “quận có sai phạm trong quá trình cấp giấy”. Đồng thời, quận ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ về việc xây dựng nhà không phép, buộc các hộ phải tháo dỡ nhà để trả lại nguyên trạng ban đầu.

Cuối tháng 9, do các hộ chưa tự nguyện thi hành nên UBND quận đã ra quyết định cưỡng chế các hộ tháo dỡ nhà. Nếu các hộ không thực hiện thì đến ngày 14-10, các đơn vị chức năng của quận sẽ ra quân cưỡng chế.

Bà Lê Thị Linh Hà (số nhà 37/8/13) cho biết: “Khác với các hộ, tôi thuộc đời chủ thứ ba và khi tôi đến mua thì căn nhà đã có sẵn “giấy hồng”. Hợp đồng mua bán nhà giữa tôi và người bán đã được công chứng và tôi đang chờ làm thủ tục đăng bộ. Nếu cho rằng đã cấp sai nên giờ phải thu hồi “giấy hồng”, quận sẽ tính sao về quyền lợi của những người mua nhà hợp pháp như tôi?”.

Cấp sai nên phải thu hồi

Chiều 6-10, trao đổi với PV, ông Trương Văn Non - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết: Khu đất trên là đất nông nghiệp, cụ thể là đất hoa màu. Ông Chương đã tự ý chuyển mục đích sử dụng sang đất ở bằng cách san nền và phân lô.

Tuy theo hồ sơ các nhà trên được xây dựng khoảng năm 2002, 2003 nhưng thực tế chúng được xây vào khoảng tháng 10-2006. Theo Luật Nhà ở, những trường hợp xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 (thời điểm luật này có hiệu lực) đều không được pháp luật công nhận. Thế mà UBND phường 11 lại tham mưu cấp “giấy hồng” cho những căn nhà trên (thông qua việc lập hồ sơ giả, xác định lùi thời gian xây dựng) và vì sơ suất nên UBND quận đã cấp giấy.

Liên quan đến các vi phạm trên, quận đã cách chức nhiều cán bộ của UBND phường 11. Người trực tiếp xác nhận hồ sơ không đúng sự thật đã bị khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ; người đưa hối lộ cũng đã bị bắt giam.

Đối với các hành vi vi phạm những quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng tại khu vực trên, ngoài việc thu hồi “giấy hồng” cấp sai quy định, quận sẽ cưỡng chế để khôi phục lại hiện trạng. Đây là cách xử lý đúng pháp luật và quận không thể làm khác hơn.

Quận phải bồi thường thiệt hại?

Quận sẽ tính thế nào về những trường hợp mua nhà hợp pháp như bà Hà? Đơn giản là người dân không thể biết “giấy hồng” nào đó cấp không đúng quy định và nếu có quyền cấp lẫn thu hồi giấy này thì UBND quận cũng phải có trách nhiệm giải quyết các thiệt hại phát sinh... Với câu hỏi này, ông Non chỉ cho biết: “Công an quận đang điều tra vụ việc”.

Theo luật sư Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), do việc thu hồi “giấy hồng” của UBND quận Gò Vấp không sai quy định nên người mua chỉ có thể “bắt đền” người bán. Bởi lẽ người bán có trách nhiệm đảm bảo tính pháp lý của nhà, đất giao dịch.

Nếu “giấy hồng” được cấp sai quy định dẫn đến hợp đồng mua bán nhà bị hủy thì người bán phải trả lại cho người mua số tiền đã nhận. Quận không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua trong trường hợp này.

Riêng ông Diệp Văn Sơn - nguyên vụ phó phụ trách văn phòng phía nam của Bộ Nội vụ có ý kiến khác: “Khi sai sót xảy ra, chưa đề cập đến việc cấp dưới tham mưu sai đúng thế nào thì người có thẩm quyền cấp giấy vẫn phải đứng ra chịu trách nhiệm. Như vậy, UBND quận phải có trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại cho người mua nhà hợp pháp theo quy định của Điều 623 Bộ luật Dân sự và Nghị định 47 ngày 3-5-1997 của Chính phủ. Sau đó, hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ họp lại để đánh giá mức độ thiệt hại, xem xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân để đưa ra phương thức và mức bồi thường. Các cá nhân công chức sai phạm sẽ phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP