Bộ Xây dựng yêu cầu TP Hà Nội xem xét lại cách làm này. TP.HCM sẽ học theo Hà Nội.
Trên số báo trước chúng tôi đã giới thiệu việc Hà Nội “đi trước một bước” khi ban hành Quyết định 23 quy định về cấp “giấy đỏ” cho cả nhà và đất. Cách làm này không đúng theo quy định của Luật Nhà ở là phải cấp “giấy hồng” cho nhà của Hà Nội và tuy được người dân đồng tình nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Ngân hàng, công chứng: không vấn đề!
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam Chi nhánh Hà Nội cho biết việc gộp hai loại giấy làm một không ảnh hưởng gì đến việc ngân hàng cho vay. “Chỉ cần có “giấy đỏ” thì người dân vẫn được thế chấp vay vốn bình thường, miễn là công chứng xác nhận tài sản đó là tài sản của người sở hữu” - ông Thành nói.
“Điều quan trọng trong cho vay hiện nay là khách hàng sử dụng vốn đó như thế nào và có khả năng trả nợ hay không” - ông Lê Công, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại quân đội bổ sung thêm.
Luật sư Nguyễn Văn Linh - Phòng Công chứng số 3 (TP Hà Đông, Hà Nội) cho biết hiện tại chưa công chứng cho trường hợp nào có “giấy đỏ” mới. Tuy nhiên, để công chứng các giao dịch liên quan đến loại giấy mới này cũng không có gì khó khăn vì trong giấy đó đã thể hiện luôn tài sản trên đất là nhà cấp mấy, diện tích bao nhiêu...
Tiến sĩ Trần Công Trực - Trưởng Văn phòng Công chứng Thăng Long (54 Trần Nhân Tông, Hà Nội) cho rằng việc tách làm hai loại giấy riêng cho nhà, đất đã gây nhiều phiền toái cho người dân trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng quản không xuể.
“Văn phòng Công chứng Thăng Long vẫn công chứng bình thường đối với trường hợp gộp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cùng quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất như phương án của TP Hà Nội” - tiến sĩ Trực khẳng định.
Một giấy: tiện lợi...
Nhiều cán bộ quản lý tại TP.HCM rất quan tâm đến cách làm đột phá của TP Hà Nội. Ông Lê Minh Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng cấp “giấy đỏ” cho cả nhà và đất như cách làm của Hà Nội đã hạn chế được những phiền hà không chỉ cho người dân mà cho cả công tác quản lý nhà, đất của cơ quan chức năng.
“Theo quy định hiện nay, người có đất nhưng chưa xây nhà thì được cấp “giấy đỏ”, sau khi xây nhà thì hủy “giấy đỏ”, cấp “giấy hồng”. Có trường hợp một người có miếng đất nhưng chỉ xây nhà trên nửa diện tích đất thì phải chịu giữ một lần hai loại giấy, phải làm thủ tục hai lần cho tất cả các giao dịch...” - ông Huệ phân tích những bất cập của việc “loạn” giấy tờ nhà, đất.
Ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà, đất (Sở TN&MT TP.HCM) cũng “ưng bụng”. “Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ bàn bạc và đề xuất TP làm theo cách này.
Hiện tại, các địa phương đang “treo” giấy, chờ sửa đổi thống nhất giữa các luật. Nay đã có Nghị quyết 07 rồi (Nghị quyết 07/2007 của Quốc hội yêu cầu đến năm 2010 phải cơ bản hoàn thành cấp GCN theo hướng thống nhất một GCN quyền sử dụng đất và tài sản trên đất - PV) thì không lý gì bắt các địa phương chờ thêm nữa!” - ông Liên nói.
“Trong mấy tháng thực hiện cấp “giấy đỏ” mới, người dân rất đồng tình bởi thủ tục hành chính đơn giản đi rất nhiều. Hiện chúng tôi đang cấp giấy rất trôi chảy, không gặp bất kỳ trở ngại gì!” - ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Đăng ký thống kê và đo đạc bản đồ Sở TN-MT và Nhà đất TP Hà Nội cho hay.
Nhưng trái luật?
Tuy vậy, cách làm “xé rào” của Hà Nội cũng làm cho nhiều người băn khoăn. Chẳng hạn, “giấy đỏ” mới ghi nhận phần sở hữu nhà quá đơn giản có thể làm giảm giá trị nhà của người dân khi có việc phải dùng nhà thế chấp vay vốn.
Thêm vào đó, việc ghi chú biến động tại trang IV của “giấy đỏ” mà không cấp lại giấy mới là trái với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 90. Quy định nhà xây mới trên đất đã có “giấy đỏ” cũng chỉ ghi nhận thêm trên giấy cũ mà không cần cấp giấy mới là quá mới mẻ. Thậm chí ngay tên gọi “GCN quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” cũng “hổng giống ai”.
“TP Hà Nội chỉ là cấp thừa hành. Muốn áp dụng những quy định mới thì phải kiến nghị để Chính phủ ban hành quy định cụ thể chứ không thể làm trái luật như vậy được. Hơn nữa, cần phải thống nhất cách làm trên cả nước chứ không nên tự đặt ra một loại giấy khác với 62 tỉnh, thành còn lại!” - một chuyên gia pháp luật bình luận.
Ông Huỳnh Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Đăng ký, thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Bước đột phá tiến bộ
Hiện tại, quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà trong các luật đang vênh nhau thì cách làm của Hà Nội là một bước đột phá tiến bộ. Trước khi ra Quyết định 23, UBND TP Hà Nội cũng có hỏi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi thấy cách làm này đi đúng đường lối của nghị quyết nên ủng hộ. Nếu chờ sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì phải đợi lâu. Hơn nữa, đã có nghị quyết của Quốc hội thì các địa phương cứ theo đó mà làm!
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng):
Làm trước là không đúng luật!
“Giấy hồng” theo Nghị định 90 thì đâu có gì bất tiện. Hiện tại, Chính phủ đang trình Quốc hội Luật Đăng ký bất động sản để điều chỉnh những “chông chênh” liên quan đến việc cấp giấy quy định trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Hà Nội làm trước như vậy là không đúng luật! Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội xem lại Quyết định 23 vì trái với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 90, Nghị định 95.
Bản sao sử dụng như bản chính
Theo Nghị định 95/2005, nhà, công trình xây dựng trên đất thuê, mượn của người khác thì chủ sở hữu công trình sẽ được cấp một GCN quyền sở hữu nhà riêng (gọi là “giấy hồng” một quyền). Như vậy, trường hợp này sẽ tồn tại hai giấy: “giấy đỏ” cho đất và “giấy hồng” cho nhà. Tuy nhiên, theo cách làm của TP Hà Nội thì những trường hợp trên chỉ cấp một “giấy đỏ” cho cả nhà và đất. Phần quyền sử dụng đất sẽ ghi tên của chủ đất, phần sở hữu nhà sẽ ghi tên của chủ nhà. Nếu chủ nhà yêu cầu được cấp giấy riêng để giao dịch thì cơ quan cấp giấy sẽ cấp cho người này một bản sao “giấy đỏ”. “Bản sao này có giá trị như bản chính” - ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: