Top

Tâm lý chờ đợi đè nặng thị trường địa ốc

Cập nhật 08/10/2008 01:00

Thống kê của các sàn địa ốc trên địa bàn TP HCM, trong tháng 9, giá nhà đất mảng dự án đi ngang theo hình thang chứ không biến động như các đợt giảm giá đồn dập hồi quý 1 và 2. Giao dịch cũng trì trệ.

Theo bảng tham khảo bất động sản 4 tuần liên tiếp của sàn bất động sản Sacomreal, giá nhà đất của các dự án đều đứng im suốt tháng 9. Cụ thể, cùng ở huyện Bình Chánh, dự án Him Lam 6 A treo ở giá 18 triệu đồng mỗi m2, căn hộ The Mainson giữ nguyên 14-15 triệu đồng mỗi m2. Tại quận 2, dự án The Vista có giá 1.700-2.100 USD mỗi m2, Estella kìm lại mức 1.900-2.100 trong suốt 30 ngày qua.

Tương tự, dự án Saigon Pearl tại quận Bình Thạnh dừng lại ở ngưỡng 2.300-3.200 USD mỗi m2, New Saigon Nhà Bè giậm chân tại chỗ ở mức 17-22 triệu đồng, dự án Everich (1.900-2.500 USD mỗi m2), căn hộ BMC tương lai tại quận 7 cũng không nhúc nhích khỏi cột mốc 14-23,3 triệu đồng trong cả tháng 9 vừa qua.

Các dự án khác như Fortuna, Hoàng Anh Gia Lai 2, Phú Lợi, 586... đều ổn định tại khung trên thị trường bất động sản Sài Gòn.

Không nằm ngoài quỹ đạo đó, hơn 80% các chỉ số bất động sản do Vinaland thu thập được trong tháng 9 đều có tỷ lệ tăng giá 0%. Gần 20% dự án còn lại có tốc độ tăng giá trung bình từ 0,3-2%.

Thống kê của sàn địa ốc ACBR TP HCM, trong tháng 9, giao dịch thành công qua sàn đạt 18 sản phẩm, tăng 13 đơn vị so với tháng 8. Trong đó, các giao dịch thành công tập trung vào mảng nhà phố nội thành chiếm 70%, đất dự án chỉ chiếm 2%, còn lại 28% rơi vào các căn nhộ có giá trị sử dụng thấp.



Giá đất nền tại TP HCM trong tháng 9 đang
đi theo chu kỳ hình thang. Ảnh: Vinaland.


Trong hội nghị về tình hình bất động sản Việt Nam 2008 diễn ra cuối tháng 9, tại TP HCM, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) Marc Townsend nhận định: "Thị trường bất động sản Việt Nam đang đi theo chu kỳ hình thang chứ không diễn biến theo chu kỳ hình sin như các nước khác".

Theo ông Marc, trong khi thị trường nhà đất các nước tăng giảm từng đợt liên tục theo chu kỳ lên xuống như hình sin thì chu kỳ của Việt Nam lại có nhiều giai đoạn đi ngang kéo dài từ 1-2 năm rồi mới chậm chạp leo dốc để lấy đà tăng tốc trở lại.

Bằng chứng là năm 2004-2005 địa ốc đã ngủ đông, năm 2006 thị trường mới bắt đầu khởi động và phải chờ cuối năm 2007 mới đạt đỉnh điểm. Song thời gian này lại nhanh chóng trôi nhanh, nhường chỗ cho năm 2008 giảm giá và hiện nay chỉ số bất động sản lại chậm chạp đi ngang.

Lãnh đạo CBRE phân tích thêm, khi thị trường đã giảm nhiều đợt và đứng giá như hiện nay, tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư và khách hàng càng làm cho chiều dài của hình thang phình ra thêm, gây rất nhiều khó khăn cho việc hồi phục thị trường này.



Giá căn hộ đang đi ngang trong suốt tháng 9. Ảnh: Vinaland.


Nhận định tình hình thị trường địa ốc trong tháng 9, Tổng giám đốc sàn địa ốc ACBR Phạm Văn Hải đánh giá: "Dự án hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc, người mua chỉ tìm hiểu thông tin sâu chứ chưa mạnh tay đầu tư trong khi đó nhà cá thể đã bắt đầu tăng rõ rệt".

Ông Hải cũng cho rằng thị trường hiện đang có chiều hướng phát triển theo biểu đồ hình thang vì cứ sau một đợt tăng là những đợt giảm bậc thang rồi đứng giá trong một khoảng thời gian dài.

Lãnh đạo ACBR nhận xét thêm, người có nhu cầu ở thực sự thích nhà cá thể nhưng bài toán lãi suất chưa thể hỗ trợ khách hàng và nhà đầu tư mua nhà dự án. Theo đó, có thể phải đợi đến hết năm 2009 mới có sự bình ổn mức lãi suất. Để chứng minh cho điều này, ông Hải dẫn chứng, trong cuối tháng 9 ACBR đã mở dịch vụ cho vay mua bất động sản nhưng số lượng người tham gia còn hạn chế, thấp hơn so với dự kiến rất nhiều.

Trong khi đó, chuyên viên tư vấn kinh tế Công ty TNHH Mekong Economics, ông Adam McCarty dự báo bất động sản Việt Nam trong năm 2008-2009 sẽ khó khăn vì chịu ảnh hưởng trong chuỗi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu cao nên sẽ bị rúng động từ chính sách siết chặt nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ. Các ngân hàng nắm giữ nhiều bất động sản nhưng không giao dịch được kéo theo tính thanh khoản thấp cũng làm thị trường bất động sản thêm trầm lắng dài hạn.

Theo ông Adam McCarty, bất động sản chỉ có thể trông chờ vào những diễn biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và hệ thống luật để cải thiện phần nào những khó khăn hiện tại.

Nhiều chuyên gia bất động sản, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nhận định, phát triển và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay đòi hỏi chữ "nhẫn" rất lớn và độ rủi ro cao. Theo đó, thị trường chỉ dung nạp những nhà đầu tư có tầm nhìn xa và đón đúng điểm rơi của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress