Top

Cơ bản xóa bỏ những nhà nguy hiểm vào năm 2010

Cập nhật 28/03/2008 10:00

Trước thực trạng quỹ nhà chung cư cũ được xây dựng từ những năm 70 - 80 đã xuống cấp nghiêm trọng cả về kết cấu, chất lượng ở và môi trường sống.

Khắc phục vấn đề này, thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở và quản lý phát triển đô thị. Những khu đô thị mới hình thành cùng với việc cải tạo, sửa chữa bảo trì chống xuống cấp những khu nhà ở chung cư cũ nguy hiểm, lún nứt đã phần nào cải thiện những bất cập trên.

12 khu chung cư cũ được quy hoạch lại

Thành phố xác định: "Cải tạo xây dựng mới các nhà chung cư cũ là một công việc lớn, khó và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư Thành phố". Vì thế, hàng loạt chính sách khung đã được ban hành kèm theo. Với lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn (2005 - 2007): Được xác định là giai đoạn chuẩn bị, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các cơ chế chính sách, chuẩn bị môi trường pháp lý triển khai các dự án thí điểm khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư các dự án cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ.

Giai đoạn (2007 - 2010): Xóa bỏ cơ bản các nhà chung cư thuộc diện nguy hiểm không đảm bảo an toàn về người và tài sản; Tập trung triển khai các dự án thí điểm nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách. Giai đoạn (2010 - 2015): Cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng một số dự án thí điểm; đưa việc triển khai đầu tư xây dựng lại các chung cư cũ tiến hành đồng loạt theo hướng xã hội hóa, đẩy mạnh huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ.

Từ năm 2015 trở đi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ trên cơ sở mô hình và môi trường pháp lý được hoàn thiện và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, nhiều khu chung cư đã được cải thiện về môi trường sống và chất lượng.

Có 12 công trình đã được gia cố nền móng chống lún như nhà A8 Nghĩa Đô (1 đơn nguyên); nhà B7 Thành Công (1 đơn nguyên); nhà E3, E4 và E7 Thành Công; nhà B6 Giảng Võ; nhà B2 Văn Chương; nhà E6, E7 Quỳnh Mai… Cải tạo, sửa chữa 5 nhà nguy hiểm 5 tầng gồm: A1, A2, A3, A4 Nguyên Khê, A1 Kính Nỗ. Và 5 nhà nguy hiểm đã được phá dỡ xây dựng lại gồm: nhà A3 Giảng Võ, nhà B7 Thành Công, nhà B7, B10 Kim Liên, nhà A6 Giảng Võ…

Thành phố đã giao các chủ đầu tư nghiên cứu quy hoạch lại 12 khu: Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Xuân, Thượng Đình, Phương Mai, Vĩnh Hồ, Nghĩa Tân, Khương Mai, Nam Đồng.

Vẫn chậm tiến độ, vì sao?

 Một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ là do chưa có chế tài và chính sách đặc thù, đồng bộ trong việc xử lý nhà ở nguy hiểm nên nhiều công trình nguy hiểm do chưa được thảo thuận được với các hộ dân đang sử dụng nên không thể tiến hành sửa chữa cải tạo được như: nhà 5 tầng C1 Thành Công (do Tổng công ty Công trình Giao thông 1 quản lý); nhà 5 tầng P3 Phương Liệt (do Tổng công ty Dệt may quản lý) hiện đang lún nghiêng rất nguy hiểm.

Cục Giám định Chất lượng - Bộ Xây dựng, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu di chuyển, phá dỡ nhà cũ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và an toàn khu vực nhưng vẫn chưa triển khai được do vướng mắc phải thực hiện theo trình tự về đầu tư xây dựng cơ bản và quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng (điều tra lập phương án đền bù trình cấp thẩm quyền phê duyệt), một số sàn mái, vỉa gạch nguy hiểm không sửa chữa được do tranh chấp về sử dụng mái bằng, sân thượng giữa các hộ dân…

Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và chủ trương chỉ đạo của HĐND và UBND TP, các dự án cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ (trừ các công trình nguy hiểm) chủ đầu tư dự án chỉ được phép tiến hành thực hiện dự án sau khi có 2/3 số hộ dân đồng thuận và phải hoàn tất các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành, thủ tục về đất đai liên quan; chủ đầu tư phải hoàntất các thủ tục này trước khi tiền hành phá dỡ xây dựng nhà mới, dẫn đến một số dự án đang triển khai thực hiện đều bị vướng mắc như dự án phá dỡ xây dựng lại nhà nguy hiểm nhà C7 Giảng Võ, nhà E6 - E7 Quỳnh Mai...

Cùng với nguyên nhân khác là do kinh phí hạn hẹp, thì sự thiếu linh hoạt của các chỉ tiêu về quy hoạch khiến các chủ đầu tư khó đảm bảo yêu cầu về tái định cư có cải thiện về diện tích của các hộ dân cũng như khả năng cân đối về tài chính của dự án cũng góp phần làm chậm tiến độ các dự án trên.

Giải pháp thực hiện thời gian tới

Trên cơ sở Nghị quyết số 07/2005/NĐ-HĐND của HĐND TP và Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ, sắp tới UBND TP sẽ chính thức ban hành cơ chế chính sách thí điểm để cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ bị hỏng, xuống cấp để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn.

UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tổ chức rà soát, xác định các nhà chung cư lún, nứt, hư hỏng, nguy hiểm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2010 cơ bản xóa bỏ những nhà nguy hiểm trên địa bàn, không để tình trạng nhà xuống cấp nguy hiểm trở thành vấn đề xã hội.

Lãnh đạo UBND TP cũng cho biết, Thành phố đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu để sớm ban hành Quy định về xử lý nhà nguy hiểm, chuẩn bị điều kiện tái định cư, các chính sách, thủ tục đầu tư và quản lý xây dựng.

Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Quy trình kỹ thuật, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định mức đơn giá, chính sách về vốn cho công tác duy tu, sửa chữa nhà ở xuống cấp và nguy hiểm, đặc biệt công tác sửa chữa hư hỏng liên kết mối nối, nhà lún, nứt. Đồng thời, TP sẽ nghiên cứu và trình phương án thành lập Quỹ dự phòng (vốn, cơ sở vật chất…) cho việc cải tạo khắc phục nhà nguy hiểm trên địa bàn. Dành một phần quỹ đất để xây dựng quỹ nhà trung chuyển phục vụ việc di chuyển các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm trong năm 2007. Trước mắt, bố trí kế hoạch năm 2007 - 2008 cho công tác này là 150 tỷ đồng.

Theo Kinh Tế Đô Thị