Top

Bỏ Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Nên hay không?

Cập nhật 13/01/2009 01:10

Sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thông tin “Nếu có Kiến trúc sư trưởng (KTST), theo đề xuất tại Luật Quy hoạch đô thị, sẽ giải tán Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, nhiều chuyên gia kiến trúc - quy hoạch cho rằng, phải nghiên cứu kỹ đề xuất này để tránh gây ra những rối ren cho công tác quản lý kiến trúc - quy hoạch tại các địa phương.

KTST không thể cao hơn cả lãnh đạo chính quyền đô thị


Theo dự thảo đề án Kiến trúc sư trưởng (KTST) được Bộ Xây dựng gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, vai trò của KTST được đặt rất cao. Theo đó, “vai trò “nhạc trưởng” đô thị không phải là các Hội, Hội đồng hay Sở chuyên môn mà cần có một nhân tố mới, trực tiếp tác động và có ảnh hưởng lớn tới các chiến lược phát triển... Đó chính là KTST đô thị”.

Bình luận về chức danh tái xuất hiện sau nhiều năm bị hủy bỏ, GS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng “còn rất nhiều điều phải bàn vì chưa thấy có gì rõ ràng”. GS Nguyễn Thế Bá nói: “Không nên đặt vai trò của KTST như một “ông thánh”, cao hơn cả lãnh đạo của chính quyền đô thị...”. Quan điểm của GS Nguyễn Thế Bá là nên giữ tổ chức Sở QH-KT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vì đây là hai đô thị rất lớn và KTST chỉ nên giữ vai trò là tư vấn cho Chủ tịch UBND thành phố.

Cũng cho rằng mô hình KTST mà Bộ Xây dựng đưa ra chưa có gì rõ nét hơn mô hình Sở QH-KT hiện tại, TS Lê Duy Hiếu - Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại, đề xuất một phương án như thế có gây thêm rối ren cho quản lý quy hoạch - kiến trúc ở 2 thành phố lớn nhất nước. TS Lê Duy Hiếu ủng hộ quan điểm KTST nên là chức năng cá nhân. “Xóa bỏ Sở QH-KT có 2 điều không được.

Thứ nhất, chưa có bằng chứng thực tiễn phủ nhận tính khả thi của Nghị định 13/NĐ-CP trong đó có nêu cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Sở QH-KT và một số sở chuyên ngành khác. Thứ hai, chưa có chứng cứ thực tiễn chứng minh nếu có KTST hiệu quả hơn Sở QH-KT hiện nay” - ông Lê Duy Hiếu nói. Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Đỗ Viết Chiến đồng tình: “Chừng nào chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ của KTST thì còn là vòng luẩn quẩn”.

Quá nhiều quyền lực, có “ôm” nổi?

Trong Đề án của Bộ Xây dựng, KTST có chức năng, quyền hạn rất lớn như một “siêu sở”, thậm chí “lấn sân” các sở chuyên ngành khác. Tuy nhiên, không kỳ vọng quá nhiều vào chức danh KTST, người từng nhiều năm giữ chức danh này (khi thí điểm tại Hà Nội cách đây hơn 10 năm), ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, đô thị cần KTST, song chỉ nên dừng ở chức danh cá nhân, tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố, không nên ôm đồm những chức năng quản lý Nhà nước.

Ông Đào Ngọc Nghiêm nói: “Các đô thị đặc biệt như Hà Nội thường có khối lượng công việc liên quan tới quy hoạch - kiến trúc nhiều và đặc thù về kiến trúc có yếu tố truyền thống, bảo tồn. Nếu tập trung vào Sở Xây dựng tuy giảm được đầu mối về thủ tục trong đầu tư xây dựng nhưng e không đủ lực lượng.

Còn nếu “dồn” một số chức năng quản lý cho KTST thì lại quay lại lối mòn quá tải của chức danh này khi thí điểm trước đây... và chắc chắn không thể tránh khỏi sự chồng chéo, phức tạp”. Cũng như ông Đào Ngọc Nghiêm, nhiều chuyên gia quy hoạch - kiến trúc cho rằng, không thể thay đổi “xoành xoạch”, từ mô hình cả một bộ máy sang vai trò cá nhân.

Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Huỳnh Đăng Hy cho rằng, KTST là cần thiết song phải là người đủ tài, đức và năng lực. “Trong lúc chưa tìm được người như vậy thì chưa nên vội vàng. Phương án phù hợp vẫn là củng cố, làm tốt hơn mô hình quản lý hiện tại” - ông Huỳnh Đăng Hy nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Ở các tỉnh, thành phố khác, một dự án phải trải qua 37-40 thủ tục, trong khi do có đặc thù, tại Hà Nội, các dự án tương tự phải qua 48-50 bước. Như vậy là bất hợp lý, phải rút gọn lại. Đây là việc cần làm trước hết để tạo sức mạnh quản lý về quy hoạch - kiến trúc cho Hà Nội...”.

Ông Đỗ Hoàng Ân, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, để quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc hiệu quả hơn, phải củng cố cơ quan chuyên môn, chuyên ngành hiện đang có bằng các giải pháp cải cách thủ tục hành chính.

Còn nếu chỉ chuyển Sở QH-KT thành KTST, đồng nghĩa việc quay lại mô hình như trước đây thì khó lòng nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc ở một đô thị lớn như Hà Nội.

>Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Không để đất của ai người nấy lo!


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô