Thái Nguyên đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội) qua địa bàn với mục tiêu giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/4/2009.
Đến nay, cả 3 địa phương trong tỉnh gồm: thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và huyện Phổ Yên đã cơ bản hoàn thành việc lập, trình duyệt phương án bồi thường đất và tài sản của các hộ dân, tổ chức, đơn vị với tổng kinh phí bồi thường được phê duyệt là 323,6 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB được tăng cường xuống cơ sở, làm việc ngoài giờ và cả các ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Riêng trong những ngày đầu năm, thành phố Thái Nguyên đã tiến hành chi trả cho các hộ dân 78,9 tỷ đồng, huyện Phổ Yên chi trả 113 tỷ đồng và thị xã Sông Công chi trả gần 20 tỷ đồng.
Mặc dù từ khi công bố dự án, phương án bồi thường GPMB đến tiến hành GPMB thời gian khá ngắn nhưng hiện tại chính quyền các địa phương có đường cao tốc đi qua đã hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật 19 khu tái định cư, chỉ thầu thi công xây lắp 12/19 khu; phê duyệt xong quy hoạch, tiến hành thu hồi đất xây dựng 10 khu tái nghĩa địa.
Dự kiến hoàn thành toàn bộ việc di chuyển mồ mả ngay trước Tết nguyên đán. Sở giao thông - Vận tải tỉnh - chủ đầu tư tiểu dự án GPMB đoạn qua Thái Nguyên cũng khẩn trương hoàn thành phương án thiết kế, di chuyển hệ thống cáp thông tin, đường cấp nước sinh hoạt, đường điện hạ thế, ký kết văn bản thỏa thuận di chuyển đường điện 110 KV và 220 KV với các đơn vị quản lý; đồng thời tiếp tục giải ngân thêm 40 tỷ đồng vốn GPMB cho dự án...
Đặc biệt, do thực hiện tốt công tác vận động, bảo đảm dân chủ, công khai trong GPMB nên kể từ khi tiến hành GPMB đến nay, chưa có bất kỳ đơn khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến dự án này. Đây cũng là dự án có tiến độ GPMB nhanh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Thái Nguyên.
Được biết, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên là dự án có quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h, đi qua địa phận Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, điểm đầu tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và điểm cuối là phường Thịnh Đán (thành phố Thái Nguyên) với tổng chiều dài 62 km; riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Sóc Sơn - Thái Nguyên) dài 36 km.
Tổng vốn đầu tư cho dự án gần 5.200 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Nhật Bản là 3.800 tỷ đồng và vốn đối ứng của Việt Nam hơn 1.300 tỷ đồng do ban quản lý dự án 2 - Cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN-MT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: