Top

Xi măng sẵn sàng “xuất ngoại”

Cập nhật 12/07/2008 09:00

Đến nay, cơn sốt xi măng (XM) khu vực phía Nam cơ bản được dập tắt, giá bán lẻ trên thị trường dần ổn định.

Nguyên nhân xảy ra cơn sốt XM giữa quý 1 và đầu quý 2 được các ngành chức năng nhìn nhận là do chủ quan, trong đó có việc phân bổ các dự án, quy hoạch hạ tầng và vận chuyển, dự báo XM… không kịp thời. Bởi thực tế, với quy hoạch cũng như tiềm năng của hàng loạt dự án đã và đang triển khai, trong thời gian ngắn nữa Việt Nam sẽ dư hàng chục triệu tấn XM.

Hàng loạt dự án mới “trình làng”

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2008, lượng XM sản xuất trong nước ước đạt gần 16 triệu tấn, bằng gần 40% kế hoạch năm. Trong khi đó, tiêu thụ đầu năm 2008 đạt con số tương ứng với sản xuất, ở mức 16,06 triệu tấn, bằng hơn 40% kế hoạch cả năm.

Dự trữ cuối kỳ hơn 800.000 tấn clinker và trên 200.000 tấn XM các loại. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, riêng trong năm 2008, với việc đưa vào vận hành 11 nhà máy XM thì tổng sản lượng XM toàn ngành sẽ đạt khoảng 40 triệu tấn/năm.

Qua năm 2009, cả nước sẽ có thêm hơn chục nhà máy XM với tổng công suất vài chục triệu tấn/năm, khi đó, không chỉ bình ổn thị trường mà có khả năng cung sẽ vượt cầu.

Mới đây, đã có Nhà máy XM Công Thanh chính thức đưa vào vận hành với công suất 0,91 triệu tấn/năm và dây chuyền 4 XM Luksvaxi 1,2 triệu tấn/năm đi vào hoạt động. Riêng trong tháng 6 và 7, có thêm các nhà máy XM Thăng Long, Hoàng Long và XM Tuyên Quang chuyển đổi công suất đi vào hoạt động.

Tại khu vực phía Nam, ông Ngô Minh Lãng, Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1, cho biết, công ty đang trong giai đoạn hoàn tất và chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy nghiền có công suất 1 triệu tấn/năm ở KCN Phú Hữu (quận 9). Sang giữa quý 3-2009, công ty vận hành tiếp 1 nhà máy vừa nghiền vừa sản xuất XM có công suất khoảng 2 triệu tấn/năm tại tỉnh Bình Phước.

Tổng Công ty XM cũng cho hay, Nhà máy XM Tây Ninh và dây chuyền 2 XM Chinfon - Hải Phòng cùng ra mắt trong tháng 10-2008. Trong năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động 17 dự án với công suất gần 20 triệu tấn/năm, gồm Nhà máy XM Chinfon 2, Hoàng Thạch 3, Bỉm Sơn mở rộng, dây chuyền 2 Nghi Sơn, Bút Sơn, Holcim…

Năm 2010, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất 18 dự án với tổng công suất gần 14 triệu tấn/năm… Bộ Xây dựng cũng đề nghị đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ vì hầu hết nhà máy XM đều nằm ở phía Bắc, trong khi nhu cầu ở miền Nam cần khoảng 10 triệu tấn (cả XM lẫn clinker)/năm vào năm 2010.

Tìm hướng xuất khẩu

Theo tính toán của Hiệp hội XM Việt Nam, tốc độ gia tăng nhu cầu XM giai đoạn 2006 - 2010 là 11% và dự báo đến 2010 nhu cầu sẽ vào khoảng 50 triệu tấn.

Trong khi đó, tổng công suất thiết kế các dự án sản xuất XM đến 2010 là 60 triệu tấn. Bộ Xây dựng cũng dự báo, với đà tăng trưởng và công suất sản xuất, đến năm 2010, Việt Nam sẽ trở thành nước có công suất và sản lượng XM lớn nhất trong khối ASEAN.

Trước tình hình này, Hiệp hội XM cho biết, một số liên doanh nước ngoài như XM Nghi Sơn, đã lên kế hoạch dành một phần trong đầu tư sản xuất cho xuất khẩu, nhưng chưa thực hiện vì còn tham gia bình ổn “cơn sốt” cục bộ thị trường XM phía Nam gần đây.

Mặt khác, Hiệp hội XM cũng đề nghị, các cơ sở sản xuất lớn như Tổng Công ty Công nghiệp XM Việt Nam cần nghiên cứu sớm thị trường xuất khẩu để khi cần có thể xuất khẩu một phần XM dư thừa.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng lưu ý về tính khả thi của công tác xuất khẩu XM. Vì đến năm 2010, khu vực ASEAN kể cả Trung Quốc cung vẫn lớn hơn cầu. Cần lưu ý, những năm gần đây các nước này cũng tập trung đầu tư khá nhiều công sức, tài chính cho công tác xuất khẩu nhưng chưa đạt được kế hoạch.

“Tuy nhiên, ngay từ hôm nay, XM Việt Nam cần khẩn trương nhập cuộc để tìm hiểu, học tập và làm quen với công tác xuất khẩu XM nhằm giải quyết phần nào cho tình trạng dư thừa sắp tới” - một lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Nhu cầu sử dụng XM trong nước: năm 2006: 32,4 triệu tấn; 2007: 35,8 triệu tấn; 2008: 39,8 triệu tấn. Dự báo năm 2009: 44,6 triệu tấn và 2010: 49,8 triệu tấn.

Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ cho ngừng hoặc giãn tiến độ đầu tư một số dự án gặp khó khăn về tài chính, giải phóng mặt bằng... Mặt khác, đề nghị UBND các tỉnh không đăng ký đầu tư thêm các dự án XM trong giai đoạn từ nay đến 2015, nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy hết công suất thiết kế các dự án XM đang triển khai đầu tư.

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng, nhu cầu XM tại các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM chiếm 20% – 21% nhu cầu trên cả nước. Năm 2006 tiêu thụ 6,5 triệu tấn; năm 2007, khoảng 7,4 triệu tấn và dự kiến năm 2008 khoảng 8,6 triệu tấn.

Sản phẩm XM tiêu thụ nhiều nhất tại khu vực này là Holcim (khoảng 32%), Hà Tiên 1 (khoảng 30%), Nghi Sơn (khoảng 15%), Cotec (khoảng 6,7%). 5 tháng đầu năm nay, toàn khu vực phía Nam tiêu thụ khoảng 3,1 triệu tấn XM các loại, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.



Theo Sài Gòn Giải Phóng