Tháng 7-08, giá xi măng sẽ tiếp tục giảm. Thị trường trong nước vừa qua khan hiếm xi măng nhưng Bộ Xây dựng lại đang phải lo giải bài toán... dư thừa xi măng trong những năm tới.
Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Cung, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Cung cho biết trong tháng 7 này, giá xi măng trên thị trường sẽ tiếp tục giảm nhưng cũng chỉ giảm có mức độ. Tại miền Bắc, giá xi măng đã khá thấp, hiện dưới một triệu đồng/tấn, giá đến người tiêu dùng chưa đến 50.000 đồng/bao. Có chuyện này bởi hiện sản xuất xi măng đã tăng lên đáng kể trong khi lượng cầu chỉ ở mức vừa phải vì đã bắt đầu vào mùa mưa.
Theo ông Cung, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm năm nhà máy xi măng đi vào sản xuất. Cạnh đó, những nhà máy mới đi vào sản xuất sẽ ổn định hơn. Như vậy lượng cung sẽ tăng lên so với đầu năm và thị trường xi măng Việt Nam sáu tháng cuối năm sẽ bình ổn hơn.
Mệnh lệnh hành chính có tác dụng ngược?
* Thưa ông, nhiều người nói khi xi măng tăng giá đến chóng mặt thì Bộ Xây dựng và một số cơ quan khác mới vào cuộc chạy theo sự đã rồi. Điều này cho thấy vai trò quản lý nhà nước ở đây quá mờ nhạt?
Trong nhiều năm nay, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo về vấn đề thị trường xi măng nhưng chưa được quyết liệt. Vừa qua, Bộ đã có chỉ đạo mạnh hơn. Qua sáu tháng đầu năm nay, chúng ta cũng rút được nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành.
* Nhiều tháng qua, vì không được tăng giá bán xi măng nên nhiều nhà máy chỉ sản xuất cần chừng để giảm lỗ. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá mặt hàng này tăng vọt. Đến tháng 6, nhà nước cho tăng giá bán, lượng cung tăng lên thì giá lại giảm xuống. Như vậy thì việc dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường đã có tác dụng ngược?
Vào giữa và cuối tháng 3, khi việc tăng giá xăng dầu có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm cho người dân lo sợ đồng tiền mất giá, giá sẽ vùn vụt tăng lên. Tại thời điểm đó, chúng tôi cân nhắc rất kỹ: Nếu cho nhà sản xuất tăng giá xi măng thì có nghĩa là trong khi ngọn lửa tăng giá đang bùng lên mình lại đổ thêm dầu vào lửa, làm người dân lo sợ. Hôm nay tăng giá xi măng, ngày mai tăng giá thép, ngày kia tăng giá gạo, như vậy là rất nguy! Lúc đó thì phải kìm giá lại. Vào thời điểm đó chúng ta kêu gọi doanh nghiệp kiềm chế không tăng giá là một quyết định đúng.
Tuy nhiên, nếu cứ giữ mãi sự can thiệp như vậy thì sai. Doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, cung sẽ nhỏ hơn cầu, làm giá cả khi đến người tiêu dùng chắc chắn phải dội lên. Sau một thời gian, khi tình hình đã tương đối ổn định thì phải đưa về đúng với quy luật của thị trường.
Theo tôi, nói các nhà sản xuất lỗ thì chưa hẳn đúng. Phải tính lỗ trong một năm hay sáu tháng hoặc một quý, còn ở đây một số doanh nghiệp chỉ lỗ trong một thời gian rất ngắn. Nếu tính sản xuất từ đầu năm đến giờ thì không có nhà sản xuất nào lỗ cả. Hiện Bộ Xây dựng đang cho thanh tra xem có phải các nhà máy đã kêu lỗ trong thời gian vừa qua có lỗ thật hay không.
Giải bài toán thừa xi măng
*
Theo tính toán đến năm 2010, Việt Nam sẽ thừa xi măng nhưng gần đây Bộ Xây dựng mới có động thái “phanh” đăng ký đầu tư thêm dự án xi măng. Phải chăng là đã quá chậm, thưa ông?
Nếu nói quy hoạch xi măng chưa hợp lý thì cũng có thể hiểu ở một phần nào đó. Quy hoạch về cơ bản là tốt nhưng triển khai quy hoạch thì chưa được tốt. Cụ thể là các dự án chúng ta phân bổ theo thời gian đầu tư. Chẳng hạn năm 2007 sẽ có bao nhiêu dự án đi vào sản xuất, cung cấp bao nhiêu xi măng cho thị trường nhưng khi triển khai, nhiều dự án đã bị chậm lại. Vì vậy trong giai đoạn đáng ra là đủ xi măng thì lại thiếu nhưng đến giai đoạn sau các nhà máy xi măng ồ ạt đi vào hoạt động thì lại tạo ra thừa. Các chủ đầu tư không làm chủ được tiến độ, do nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu vốn.
*
Bộ đã tính đến việc giải bài toán dư thừa xi măng này như thế nào, thưa ông?
Bộ Xây dựng đã có văn bản (gửi UBND một số tỉnh miền Bắc và miền Trung - PV) đề nghị dừng đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng từ nay đến năm 2015 vì số lượng dự án đến nay đã quá lớn, đủ cung cấp cho thị trường đến lúc đó. Tuy nhiên, số dự án này có vận hành và đưa vào sản xuất được hay không lại là một vấn đề khác.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu báo cáo về tình hình đầu tư dự án. Từ đó Bộ sẽ rà soát, phân bổ lại, tính toán trong từng năm cần bao nhiêu xi măng thì cần số dự án tương ứng bấy nhiêu. Như vậy là đầu tư có kiểm soát.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2009 chúng ta đủ xi măng, đến năm 2010 chúng ta có thể dư thừa thì ngân hàng phải cấp đủ vốn, nếu không tình hình sẽ khác. Nếu thừa xi măng thì phải xuất khẩu. Hiện đang có nhiều công ty nước ngoài đến đề nghị chúng ta xuất khẩu xi măng, nhiều nhất là ở Trung Đông nhưng vì xi măng của ta đang thiếu nên chưa thể xuất khẩu được.
*
Xin cảm ơn ông!
Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: