Top

Giá thép sẽ tăng tối thiểu 1 triệu đồng/tấn

Cập nhật 07/07/2008 09:00

Doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước đang trên đà xuất khẩu phôi ồ ạt, trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép lại nhập phôi với giá cao, để rồi cuối cùng, người tiêu dùng có thể lại phải hứng chịu thêm một đợt tăng giá thép nữa.

Giá thép lại tăng

Nhiều đại lý vật liệu xây dựng tại TPHCM hôm 2/7 đều cho hay theo thông báo mới nhất của các nhà máy thép phía Nam, khả năng giá thép sẽ tăng tối thiểu khoảng 1 triệu đồng/tấn kể từ ngày 3/7. Chị Khuê - nhân viên của cửa hàng sắt Sông Đào trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11, TPHCM cho biết, dựa trên thông báo của các nhà sản xuất thép, cửa hàng sẽ điều chỉnh giá thép tăng thêm từ 1-1,3 triệu đồng/tấn đối với tất cả các loại thép của các hãng như Vina Kyoei, Pomina và Thép Miền Nam từ ngày 3/7.

Tuần trước, giá thép của các hãng trên đã tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/tấn, đẩy giá thép cuộn trên thị trường TPHCM dao động ở mức 18,9 triệu đồng/tấn (tính đến cuối ngày 2/7). Ông Dương Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp xây dựng TPHCM tỏ ra lo âu: “Tuần trước thép tăng thêm 1 triệu đồng/tấn thì các doanh nghiệp hội viên đã than thở không xiết. Nay nghe thông tin thép lại tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/tấn nữa thì không biết phải làm sao".

Theo ông Khánh, các doanh nghiệp xây dựng thành phố trong những ngày này gặp không ít khó khăn vì tốc độ xây dựng các công trình đang chậm lại, phần vì vào mùa mưa, phần vì giá cả vật liệu xây dựng không ổn định, đặc biệt là giá thép.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) cho biết, nếu giá thép tăng thêm 1 triệu đồng/tấn nữa, tức gần 20 triệu đồng/tấn thì cũng chưa theo kịp với giá phôi thế giới tăng cao như hiện nay.

Sẽ thiếu phôi nghiêm trọng

Ông Cường cho biết, Tổng công ty Thép Việt Nam vừa mới nhận được bảng chào giá bán phôi thép từ Thổ Nhĩ Kỳ với giá trên 1.300 USD/tấn, tăng thêm khoảng 40 USD/tấn so với giá phôi chào bán hôm 23/6. Ngoài ra, giá phôi chào bán từ các nước khác cũng tăng thêm khá cao kể từ hôm 1/7.

Hiện với giá phôi thép chào bán khá cao như vậy, đa số các nhà sản xuất thép trong nước đều phải chững lại, không dám mua, ông Cường nói và cho biết thêm rằng trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép phía Bắc đều không dám nhập phôi với giá trên 1.100 USD/tấn mà đang sản xuất chỉ bằng lượng phôi dự trữ là chủ yếu.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam vẫn đang sản xuất bằng lượng phôi nhập về hồi tháng 6/2008 với giá khoảng 1.180 USD/tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong tình hình giá phôi thế giới tăng cao như vậy buộc các doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá thép như là phương pháp cân bằng chi phí sản xuất.

Ông Cường dự báo với lượng phôi được xuất khẩu ngược quá lớn trong thời gian ngắn, cộng với các doanh nghiệp sản xuất thép đang dè chừng không dám nhập thêm phôi, khả năng ngành thép sẽ thiếu phôi nghiêm trọng trong những tháng cuối năm. Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng lượng phôi dự trữ của các doanh nghiệp trong hiệp hội thép tính đến cuối tháng 6/2008; chỉ còn 400.000 tấn, chỉ đủ để sản xuất hơn một tháng.

Lý giải điều nghịch lý tại sao phôi trong nước cứ ào ào xuất khẩu ngược, còn doanh nghiệp trong nước lại nhập phôi với giá cao để sản xuất, ông Cường cho rằng, nhà sản xuất phôi tìm cách xuất phôi với hai lý do: một là xuất ngược sẽ được giá hơn bán trong nước, chí ít cũng được 1.100 USD/tấn, hai là xuất khẩu phôi sẽ thu về ngoại tệ, sẽ lợi hơn trong tình hình tỷ giá USD so với đồng Việt Nam đang cao như hiện nay.

Trong khi đó, giá bán phôi trong nước cao lắm cũng chỉ được 1.000 USD/tấn. “Nghiệt ngã là nếu không ngăn chặn ngay thì khả năng thiếu phôi rất cao, còn nếu Nhà nước có biện pháp mạnh tay hơn trước tình trạng xuất khẩu phôi như hiện nay thì khả năng các nhà máy phôi sẽ phải đóng cửa vì thiếu vốn duy trì sản xuất”, ông Cường nói.

Ông Cường thừa nhận rằng sở dĩ có hiện tượng xuất khẩu ngược phôi như thời gian qua là do Chính phủ không cho tăng giá thép trong nước.

Kiềm chế xuất phôi để ổn định giá thép

Trước ý kiến nhiều người cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước xuất khẩu phôi chủ yếu vì lợi nhuận do bán được giá hơn trong nước, ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt nói:

"Ngành thép thường xuyên cần một lượng vốn rất lớn cho việc duy trì sản xuất. Xuất khẩu phôi là doanh nghiệp sẽ có tiền ngay nên doanh nghiệp cũng dễ xoay xở các chi phí sản xuất cần thiết hiện tại. Công ty Thép Việt cũng nằm trong bối cảnh chung này”.

Công ty Thép Việt hiện có hai công ty con chuyên sản xuất phôi và thép thành phẩm gồm Công ty Thép Pomina và Nhà máy luyện phôi Phú Mỹ với tổng công suất khoảng 500.000 tấn phôi và 600.000 tấn thép thành phẩm mỗi năm. Mặc dù không thể nói trước được tình hình những tháng cuối năm, nhưng do giá nguyên vật liệu tăng gấp đôi, doanh nghiệp giảm tín dụng, do đó dự báo kế hoạch sản xuất của các nhà máy thuộc Thép Việt sẽ giảm khoảng 50% trong những tháng cuối năm.

Ông Thái cho hay, vấn đề sống còn của doanh nghiệp thép hiện nay là hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tín dụng từ ngân hàng. Bài toán của ngành thép hiện nay không còn là chuyện lời hay lỗ, mà là có vượt được qua những khó khăn trong giai đoạn này hay không. Với những diễn biến giá phôi trên thế giới tăng như hiện tại thì khả năng giá thép trong nước rồi sẽ tăng thêm, vì đơn giản là trong ngành thép, giá phôi sẽ quyết định giá thép trên thị trường, ông Thái nói.

Về vấn đề các doanh nghiệp cứ được đà thì xuất khẩu phôi và có thể đẩy ngành thép vào chỗ thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ Công Thương đang bàn với Bộ Tài chính để đưa ra những giải pháp khác nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi.

Theo ông Biên, khả năng có thể sẽ xem xét điều chỉnh lại mức thuế xuất khẩu nhưng sẽ theo hướng không nâng lên quá cao vì như thế doanh nghiệp cũng sẽ bị thiệt, hoặc có thể cấp giấy phép tự động cho doanh nghiệp được phép xuất khẩu phôi.

Theo TBKTSG