Top

Đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam thi công tốc độ "rùa"

Cập nhật 28/08/2008 13:00

Tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đang triển khai ì ạch do nhiều hộ dân Hà Tây cũ ngăn cản thi công, chờ đợi đơn giá đền bù thay đổi sau khi sáp nhập thủ đô. Giá nguyên vật liệu tăng "chóng mặt" cũng khiến các nhà thầu đình trệ thi công.

Tại cuộc họp giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc chiều 26/8, lãnh đạo các địa phương nơi tuyến đường đi qua cho biết, nhiều hộ dân thuộc khu vực Hà Tây cũ trông chờ thay đổi mức giá đền bù khi sáp nhập thủ đô Hà Nội nên không nhận tiền đền bù. Một số hộ ở huyện Hoài Đức, Thạch Thất còn ngăn cản việc thi công trên công trường, phá hỏng thiết bị xây lắp của các nhà thầu.

Hiện tuyến Láng - Hòa Lạc đi qua huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất còn gần 600 hộ dân và hàng chục doanh nghiệp chưa được giải phóng mặt bằng, các đường điện, cây xanh, chiếu sáng cũng chưa được di chuyển.

Theo ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) - đơn vị tổng thầu, ngoài lý do người dân chây ỳ nhận tiền, các doanh nghiệp có tài sản lớn cũng chậm di dời. Họ lập dự toán chi phí việc di chuyển còn cao hơn giá bồi thường tài sản.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất Hà Nội, cho rằng, chính sách đền bù đất cần giữ nguyên với các dự án đã được phê duyệt, để các hộ đã di chuyển không hồi tố. Ông kiến nghị giao quyền cho các huyện tự quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng.

Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình yêu cầu Ban giải phóng mặt bằng thành phố soạn thảo cơ chế bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân và giao quyền cho các huyện thực hiện giải tỏa dự án đường Láng - Hòa Lạc, trình thành phố xem xét. Ông Bình cũng yêu cầu Vinaconex nhanh chóng hoàn thiện khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho dân.

Nhà thầu không đủ năng lực sẽ phải loại bỏ

Theo đơn vị tổng thầu Vinaconex, giá nguyên vật liệu thay đổi hàng tháng khiến thông báo giá tới các nhà thầu luôn lạc hậu, các đơn vị thi công luôn phải ứng tiền phát sinh để thi công vượt quá số tiền được thanh toán, khiến nhiều đơn vị trễ nải, ngừng thi công để chờ đơn giá thay đổi.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, dự án này có đủ tiền để giải ngân, chủ đầu tư sẵn sàng ứng tiền trước. Việc thi công chậm là do năng lực của nhà thầu, đề nghị đơn vị tổng thầu thay đổi những đơn vị thi công yếu kém.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, đơn vị tổng thầu phải kiểm soát được nhà thầu, bởi nhiều đơn vị đã được ứng tiền trước mà vẫn không làm đạt yêu cầu. Ông Trường đề nghị đơn vị tổng thầu nhanh chóng đề nghị Bộ Xây dựng duyệt dự toán công trình trong tháng 8.

Trước tình hình triển khai ì ạch của dự án, Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình đã đề nghị lãnh đạo các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất phải quyết tâm giải phóng mặt bằng dứt điểm trong tháng 9. Hai tuần một lần, lãnh đạo thành phố sẽ kiểm điểm tiến độ dự án này, quyết tâm hoàn thiện tuyến đường cuối năm sau.

Dự án mở rộng và hoàn thiện tuyến đường Láng - Hòa Lạc, chiều dài 30km. Điểm đầu là nút giao thông Trung Hoà, điểm cuối là Km31+064, giao cắt với QL21.

Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm 2 dải đường cao tốc qui mô 3 làn xe rộng 16m; 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị, ngoài ra, còn dải trồng cây xanh và vỉa hè.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây, tuyến đường này phải được thông xe vào quý 1/2009 và hoàn tất dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Theo VnExpress