Thị phần nhà ở trung bình, nhà cho người thu nhập thấp hiện không đóng băng và cũng là xu hướng căn hộ có diện tích nhỏ (dành cho người độc thân, cho những cặp vợ chồng trẻ…).
Trong buổi tọa đàm về lĩnh vực bất động sản (BĐS) vừa được tổ chức tại TP HCM, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường BĐS hiện đang có dấu hiệu ấm dần lên…
Ông Lâm Văn Chúc - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Đức - cho biết, khoảng 2 tháng nay khách hàng đến mua nhiều hơn so với trước đây. Điều đáng mừng nữa là giá cả cũng đã ấm hơn.
Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, thị trường BĐS có tiềm năng nhưng không phát triển được là do thiếu vốn và thiếu cơ chế thu hút vốn BĐS, tính thanh khoản BĐS còn thấp.
Nghiên cứu về giá đối với sản phẩm BĐS vào ngày 19/7 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy: Có đến 33 dự án tăng giá, chỉ có 27 dự án giảm giá và nhiều dự án giữ nguyên giá.
Trong những dự án tăng giá, có nhiều dự án tăng mạnh như: Khu tái định cư Phú Mỹ (quận 7) tăng 15%, Phú Xuân - Vạn Phát Hưng (quận 7) tăng 12,5%, Thái Sơn 1 (Nhà Bè) tăng 11,1-22,2%... tất cả những dự án tăng giá đều được xây dựng hạ tầng khá tốt.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sự đình đốn của thị trường BĐS trong thời gian qua là do chính sách thắt chặt tiền tệ, đầu cơ đẩy giá lên cao và giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Nhìn tổng quan, tình hình thị trường BĐS hiện nay có những thị phần luôn luôn bền vững, mặc dù lợi nhuận không đạt siêu ngạch như trước đây. Đó là thị phần nhà ở trung bình, nhà cho người thu nhập thấp. Thị phần hiện không đóng băng và cũng là xu hướng căn hộ có diện tích nhỏ (dành cho người độc thân, cho những cặp vợ chồng trẻ…). Nhìn chung, tín hiệu hồi phục đã xuất hiện lẻ tẻ, người mua có nhu cầu thật, giao dịch BĐS thường có giá từ 1 tỷ đồng trở lại.
Doanh nghiệp BĐS hiện nay có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Với nhóm doanh nghiệp này thì họ thật sự khó khăn trong tình hình hiện nay vì vay ngân hàng với lãi suất quá cao, họ có thể phá sản. Nhóm thứ hai là nhóm không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhóm này ổn định và vững mạnh. Khi thị trường đóng băng thì họ không dại gì mà bán sản phẩm ra thị trường. Nhưng khi thị trường đã vượt qua cơn "bão" thì họ sẽ cực kỳ hùng mạnh. Có thể, những doanh nghiệp này sẽ cùng các doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị trường BĐS.
Thực tế cũng cho thấy, đã có nhiều dự án lớn được nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào để đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư đều dựa vào hai yếu tố cơ bản là quy hoạch tốt và tính khả thi cao, có khả năng thu hồi tốt. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng không có giải pháp thích hợp để cứu doanh nghiệp BĐS thì có khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ lấn át tại thị trường trong nước.
Bà Đỗ Thị Loan - Phó ban chỉ đạo phát triển thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Việt Nam hiện nay đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thị trường bán lẻ mà cả thị trường BĐS. Mới đây, các tập đoàn lớn của Singapore đã ngồi lại họp bàn với nhau và có nhận định, thị trường BĐS Việt Nam không hề suy thoái mà đang ổn định. Họ đã có niềm tin mãnh liệt vào thị trường BĐS Việt Nam.
Hiện nay, riêng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm 42% trong tổng vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, đây là điều đáng lo đối với doanh nghiệp BĐS Việt Nam. Vì vậy, giải pháp liên kết với nhau đã được doanh nghiệp BĐS Việt Nam tính đến
Theo Công An Nhân Dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: