Báo giới đã trao đổi với một số doanh nghiệp ngành thép phía Nam về diễn biến giá thép trong thời gian tới. Tuy không doanh nghiệp nào dám khẳng định giá thép sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng họ đều cho rằng giá thép rất khó giảm.
Dù Hiệp hội Thép khẳng định sẽ ổn định giá thép đến hết tháng 7/2008, nhưng từ đầu tháng 7, thực tế thép đã tăng giá thêm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Ngày 15/7, giá thép xây dựng của Vina Kyoei, Pomina tiếp tục tăng thêm 980.000 đồng/tấn.
Theo đó, giá thép giao tại nhà máy của hai đơn vị trên từ 19,10 triệu - 19,24 triệu đồng/tấn tùy loại (chưa thuế). Trước đó vài ngày, Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đã tăng giá thép từ 1 triệu - 1,1 triệu đồng/tấn.
Khó giảm và tăng nhẹ
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa - giám đốc công ty CP Đại Thiên Lộc tại Bình Dương, chuyên mua bán và sản xuất các loại thép cho biết: Giá thép tăng là do thép thị trường thế giới tăng và khó có thể giảm, chỉ có thể hi vọng là tăng chậm và tăng ít mà thôi.
Theo bảng giá thép thế giới do Trung tâm thương mại (VINANET) tổng hợp, tất cả các loại thép từ tháng 4/2007 đến tháng 4/2008 chưa có thời điểm nào giảm giá, mỗi tháng đều tăng khoảng 200 USD/tấn... Đã bắt đầu vào thời gian tăng tốc để hoàn thành trước tết, buộc nhu cầu thép xây dựng tăng.
Một nguyên nhân làm cho giá thép khó giảm là phôi và thép thành phẩm đã và đang xuất khẩu nhiều. Từ đầu năm đến nay hơn 100.000 tấn thép đã xuất khẩu. Theo một số doanh nghiệp thì có trên 120.000 tấn thép đã được ký hợp đồng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp vừa ký vừa nghe ngóng vì giá phôi tăng từng ngày. Trong khi đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang giảm do nước này đang hạn chế xuất khẩu thép.
Nên để thị trường quyết định
Nhiều doanh nghiệp ngành thép đều cho rằng kiểu điều hành, áp đặt giá cả thị trường bằng mệnh lệnh, nặng về cơ chế "xin - cho", thiếu thực tế và thiếu tôn trọng quy luật thị trường là rất nguy hiểm và không thể được.
Phải tập suy nghĩ bằng khái niệm "thế giới phẳng", từng bước tiến đến vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường toàn cầu, nắm chắc diễn biến giá cả và dự báo đúng biến động. Còn cách khẳng định của Hiệp hội là "bảo đảm giá thép sẽ ổn định đến hết tháng 7"... rõ ràng các doanh nghiệp đã không nghe, dù là doanh nghiệp trong hay ngoài hiệp hội.
Theo các doanh nghiệp, việc đánh thuế xuất khẩu phôi và các sản phẩm thép 10%, lại có kiến nghị tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên 30% (chưa duyệt), không khác gì việc cấm xuất khẩu thép, sẽ làm thiệt thòi cho doanh nghiệp, nhất là trong tình hình thiếu vốn trầm trọng hiện nay. Khi giá thép thế giới cao hơn giá thép trong nước thì xuất khẩu thép là kinh doanh bình thường, không trái pháp luật.
Phần lớn vốn đều vay ngân hàng, phải trả lãi, bị ngân hàng thúc ép thanh toán, cảng phạt kho bãi... thì xuất khẩu là lối thoát duy nhất và có lợi cho doanh nghiệp. Ngành thép là ngành công nghiệp nặng, phát triển phải có tính chiến lược, không thể điều hành bằng các quyết định "chạy" theo thị trường.
Theo một doanh nghiệp, chủ trương siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, gây khó khăn thiếu vốn cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên riêng ngành thép thì khó khăn do thiếu vốn là rất nghiêm trọng, do ngành này phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu sản xuất.
Vì thế, thật khó "khuyến cáo" cho các doanh nghiệp phải làm thế này thế kia, không được tăng giá bán... hoặc dùng các biện pháp quyền lực như tăng thuế xuất khẩu.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: