Trong khoảng vài tháng nay, giá vật liệu xây dựng dù vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng hơi ổn định đã làm cho nhiều gia chủ quyết định xây ngôi nhà mơ ước.
Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép đột ngột có xu hướng tăng nhanh trong khoảng đầu tháng 7 đến nay đã làm nguội lạnh quyết tâm của rất nhiều người. Nhiều công trình đang thi công tiếp tục bị kéo dài, nhà thầu và chủ đầu tư đều vô cùng lo lắng.
Ông Lâm Tấn Sự - đội trưởng một đội thi công thuộc công ty TNHH Tín Phát cho biết: Dù giá vật liệu xây dựng vẫn ở mức cao, nhưng thời điểm tháng 6 có vẻ ổn định nên công ty ông vẫn nhận được nhiều công trình.
Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 3 công trình đang bàn bạc giá thì chủ đầu tư không xây nữa với hi vọng chờ... giá vật liệu xây dựng giảm. Theo ông Sự, giá vật liệu xây dựng trong khoảng 2 năm nay chỉ có tăng nhanh hay chậm mà thôi chứ không giảm.
Tất cả đều tăng
Ông Tiến - kỹ sư xây dựng do chủ đầu tư thuê đang giám sát một công trình tại quận Bình Thạnh trao đổi: Ngôi nhà này ký Hợp đồng xây dựng vào giữa tháng 6 vừa qua với giá trọn gói gần 700 triệu đồng, nếu Hợp đồng đó bây giờ mới ký thì giá sẽ tăng thêm 15 - 20% do giá vật liệu xây dựng khoảng cuối tháng 6 đến nay tăng rất nhanh, nhất là thép, sơn nước, dây điện.
Ông Tiến cho chúng tôi xem chi tiết bảng giá vật liệu xây dựng của công trình mua tại rất nhiều đại lý ở quận 9, Bình Thạnh, Gò Vấp. Theo dõi sự biến động tăng giá vật liệu xây dựng tính từ thời điểm đầu năm 2008 đến ngày 12/7 thì thấy: giá nhà thầu mua, không tính tiền vận chuyển cụ thể như sau:
Cát giá đầu năm là 550.000 - 580.000 đồng/xe 5m3 (thực tế chỉ khoảng 4,2 m3), nay khoảng 980.000 đồng/xe 5m3. Đá 1x2 giá 600.000 - 620.000 đồng/xe 5m3, nay là 1,2 đến 1,5 triệu đồng/xe 5m3. Xi măng giá đầu năm 52.000 đồng/bao 50 kg, giữa tháng 6 lên 85.000 đồng/bao, đầu tháng 7 xuống khoảng 70.000 đồng/kg, nay khoảng 74.000 đồng/kg. Sắt Vinakyoe giá vừa qua Tết là 15.800 đồng/kg, nay 19.800 đồng/kg và đang tăng trong vài ngày gần đây...
Khó nhận công trình
Hiện không chỉ chủ đầu tư khó quyết định thi công, mà cả nhà thầu cũng rất khó nhận công trình. Anh Nguyễn Văn Nhân - kỹ sư xây dựng phân tích: Nhà thầu nào cũng biết cần phải mua sẵn vật liệu xây dựng ngay khi ký Hợp đồng, giảm rủi ro tăng giá nhưng điều đó thực hiện không đáng kể tại hầu hết các công trình do: Kho bãi để chứa vật liệu xây dựng trong điều kiện nhà thành phố nhỏ hẹp là rất khó.
Nhiều loại vật tư dễ hư hỏng mất mát như sắt, xi măng, gạch men, đá tấm, bồn toilet... không thể bảo quản an toàn, thậm chí nhiều công trình có nhà kho kiên cố, bảo vệ nhưng vật liệu xây dựng vẫn hư hỏng và mất mát.
Một ví dụ gần đây nhất là công trình Đại lộ Đông Tây TP HCM bị mất trộm một đêm 5 - 6 tấn sắt. Nếu đã đặt mua thì phải chở đi ngay bởi không có đại lý nào chứa vật liệu xây dựng đã bán.
Giám đốc một công ty xây dựng cho biết: Dù theo quy định, công trình có thời gian thi công dưới một năm không được tính trượt giá vào giá trị Hợp đồng, nhưng thực tế hiện nay nhà thầu nào cũng phải tính trượt giá khoảng 10% mới dám làm, nhưng rất khó: tính cao quá dễ "bị rớt", tính thấp quá sợ bị lỗ.
Đã có nhiều nhà thầu vì cần việc làm giữ chân công nhân nên phải nhận công trình với mức trượt giá quá thấp, bị lỗ nặng đến nỗi thà chịu phạt với mức cao nhất là 12% giá trị công trình, còn hơn thi công tiếp. Nhiều công trình rất lớn cũng không nằm ngoài các trường hợp này.
Để dự phòng tình huống xấu nhất, ở cuối bản Hợp đồng xây dựng nào cũng có câu đại ý: Nếu 2 bên vướng mắc, không tự thỏa thuận được thì nhờ pháp luật phân xử... Bởi thế, các Hợp đồng phải tính kỹ, nhất là phần vật liệu xây dựng, có dự phòng tình huống nếu giá tăng đến mức nào thì ứng phó ra sao...
Kinh nghiệm từ một công trình trên 3.000 tỷ đồng
Công trình nhà máy Dược phẩm Châu Âu là một ví dụ. Đây là công trình sản xuất dược phẩm có tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng, rộng 6 ha và có thời gian thi công khoảng 3 năm tại tỉnh Long An vẫn thi công ổn định, nhờ có một cách dự phòng và thanh toán mà cả nhà thầu và chủ đầu tư đều hài lòng.
Một kỹ sư giám sát thi công tại công trình cho biết: Công trình có nhà kho rộng 6.000 m2 để dự trữ vật liệu xây dựng, mỗi lần mua số lượng rất lớn nên ít bị động với giá vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2007 công trình cũng bị đình trệ vài tháng do cách thanh toán theo quy định: Vốn do ngân hàng giữ, ngân hàng chỉ giải ngân theo từng gói thầu, từng giai đoạn của công trình sau khi được giám sát của ngân hàng, giám sát độc lập, giám sát của chủ đầu tư nghiệm thu.
Do thực tế thi công nhiều hạng mục, nhiều nhà thầu thường phải chờ đợi nhau (nhà thầu ống nước thì chờ nhà thầu làm đường, nhà thầu hệ thống lạnh thì chờ nhà thầu hệ thống điện...) nên không thể hoàn thành 100%. Vì thế nhà thầu không được giải ngân và không có tiền trả lương, công nhân đình công...
Sau đó, chủ đầu tư và nhà thầu, ngân hàng đã làm thêm "phụ lục Hợp đồng", đồng ý với cách thanh toán trả theo từng hạng mục và trả làm 3 đợt: Khi nhà thầu mua vật liệu xây dựng của hạng mục nào thì được thanh toán ngay 70% giá trị vật liệu xây dựng hạng mục đó.
Khi làm xong từng hạng mục (được giám sát độc lập và giám sát chủ đầu tư nghiệm thu) thì được nhận thêm 20% giá trị hạng mục. nhà thầu làm xong toàn bộ công trình, được giám sát độc lập, giám sát của chủ đầu tư, giám sát của ngân hàng xác nhận thì được nhận đủ 90% tổng giá trị công trình, để lại 10% phí bảo hành.
Khó có tiền để mua vật liệu xây dựng một lần vì mọi công trình chủ đầu tư đều trả tiền làm nhiều đợt theo tiến độ, trong khi vốn của nhà thầu là vốn quay vòng nhiều công trình...
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: