Top

TP.HCM: Lấy đâu 30.000 tỷ đồng di dời nhà ven kênh?

Cập nhật 28/01/2018 09:43

Chủ trương di dời nhà ven kênh được UBND TP.HCM đặt ra từ năm 2016, song do nhiều khó khăn, thách thức, đến nay tiến độ thực hiện dự án di dời vẫn chưa có chuyển biến.

Chủ trương di dời khoảng 20.000 hộ dân trên 67 tuyến kênh, rạch đã được UBND TP.HCM đặt ra từ năm 2016. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về nguồn vốn (ước tính cần hơn 30.000 tỷ đồng), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án và sự hợp tác từ phía người dân... đến nay, tiến độ thực hiện 62 dự án di dời vẫn chưa có chuyển biến.

“Giẫm chân tại chỗ”

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, đến nay, vẫn chưa hề có động tĩnh nào về việc di dời nhà ven các tuyến kênh trong Thành phố.

Dọc hai bên bờ kênh Đôi, kênh Tẻ, vẫn chật kín nhà; rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân xả trực tiếp xuống, khiến các con kênh ngày càng ô nhiễm nặng.

“Từ những năm 1990, người dân lao động kéo về đây dựng nhà sinh sống, từ một vài gia đình, đến nay, cả tuyến kênh này đều bị chiếm. Lượng dân đổ về càng đông, thì mức độ ô nhiễm càng tăng, dòng kênh đang biến thành bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng”, bà Nguyễn Thị Hửng, sống trên đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 bức xúc.

Tại tuyến kênh Xuyên Tâm của quận Bình Thạnh, cũng có hơn 1.000 căn nhà bám vào dòng kênh.

Ông Trần Văn Cường, 67 tuổi, một người dân sống tại đây thừa nhận, mặc dù biết việc xả thải ra kênh sẽ gây ô nhiễm, nhưng gia đình ông và các hộ gia đình sinh sống ở đây cũng không có cách nào khác.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp đô thị (thuộc UBND TP.HCM), cho biết, thời gian qua, TP. HCM đã rất nỗ lực di dời, thực hiện tái định cư cho những hộ dân sống trên và ven các kênh rạch.

Tuy nhiên, vẫn còn không dưới 20.000 hộ dân cần phải di dời, trong đó có cả những hộ đã đến nơi ở mới nhưng lại quay về.

Loay hoay tìm giải pháp

Di dời nhà ven kênh là một trong bảy chương trình đột phá của TP.HCM trong giai đoạn 2015-2020. Được biết, ngày 31/1 tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo để kêu gọi doanh nghiệp “hiến kế” thực hiện, vì thời hạn để hoàn thành mục tiêu đề ra đã sắp cận kề, trong khi vẫn còn “ngổn ngang” thách thức.

Phía doanh nghiệp từng có ý định tham gia cùng Thành phố thực hiện chương trình này cho biết, việc di dời, giải tỏa các hộ dân là vô cùng khó khăn, bên cạnh đó, việc ứng vốn và chọn vị trí nhà tái định cư cho người dân cũng là cả vấn đề lớn.

Còn khó khăn mà phía Sở Xây dựng TP. HCM nêu ra, là nguồn vốn ngân sách bố trí cho dự án chỉ có 2.100 tỷ đồng, trong khi đó, theo tính toán của cơ quan này, cần hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện di dời, giải toả nhà ven và trên kênh rạch.

Ngay cả lãnh đạo các quận cũng cho rằng, không dễ để thực hiện chương trình này. Ông Lê Quỳnh Đài, Phó chủ tịch UBND quận 8 cho biết, hiện nay, tiến độ di dời nhà trên và ven kênh Đôi còn chậm, Quận chưa thể ra thông báo thu hồi đất do chưa có chủ đầu tư và dự kiến đến tháng 6/2018 mới có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Còn theo ông Đào Gia Vượng, Phó chủ tịch UBND quận 7, việc di dời nhà ven kênh bị chậm là do công tác giải phóng mặt bằng đang gặp vướng mắc vì người dân có khiếu nại về diện tích và loại đất thu hồi.

Đặc biệt, việc chưa có cơ chế để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia di dời nhà ven kênh cũng là lý do quan trọng khiến dự án khó triển khai. Đơn cử, dự án di dời các hộ dân ở rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) đã được UBND TP.HCM giao Công ty Hà Nội Ngàn Năm làm chủ đầu tư từ năm 2010, nhưng 8 năm đã trôi qua mà dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Ông Phạm Huy Tưởng, Chủ tịch HĐQT công ty này cho biết, việc chậm triển khai là do thủ tục hành chính còn “nhiêu khê” và doanh nghiệp không được hỗ trợ gì đáng kể từ phía Thành phố.

Để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia di dời nhà ven kênh, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đề xuất, Thành phố phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn và hỗ trợ việc thu hồi vốn cho doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, năm 2018, Thành phố sẽ tập trung xác định ranh giới, phạm vi ảnh hưởng và chủ trương thu hồi đất, tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện, cơ chế huy động vốn xã hội hóa bằng nhiều giải pháp... để sớm di dời các hộ dân sống bên kênh, rạch.

“TP.HCM sẽ sử dụng vốn ngân sách nhà nước để di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 1.482 hộ dân, tổng kinh phí được ghi vốn bồi thường là 4.494,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, sẽ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 3 dự án trọng điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, gồm: Dự án di dời, giải phóng mặt bằng tuyến bờ Nam kênh Đôi, Dự án rạch xuyên Tâm, Dự án rạch Văn Thánh, với khoảng 6.664 hộ dân bị ảnh hưởng”, ông Hoan thông tin.

Bên cạnh đó, TP.HCM  cũng sẽ hỗ trợ UBND quận 8 đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 3 dự án, trong đó, Dự án tái định cư các hộ sống trên và ven bờ Nam Kênh Đôi sẽ được triển khai theo hình thức PPP, với tổng số vốn gần 9.300 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư