Dự án tái định cư Hóc Xà - Đồng Lớn được đầu tư xây dựng có diện tích hơn 20ha, đầu tư hơn 11 tỷ đồng, nằm tại xã Tịnh Hòa.
Khu tái định cư (KTĐC) Hóc Xà - Đồng Lớn (ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng xong từ hơn 20 năm nay với các công trình điện - đường - trường - trạm đầy đủ, khang trang, thế nhưng vẫn không thể đưa dân về vùng định cư. Đến nay, nơi này chỉ còn lại những mái nhà bỏ hoang, tốc mái, xuống cấp trầm trọng.
KTĐC hơn 11 tỷ hoang tàn, cỏ mọc um tùm.
|
“Mọc” giữa rừng núi
Năm 1997, dự án KTĐC Hóc Xà - Đồng Lớn được Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đầu tư xây dựng có diện tích hơn 20ha, đầu tư hơn 11 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Tịnh Hòa.
Dự án được khởi công nhằm mục đích tái định cư cho 150 hộ dân các xã Bình Thuận, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhường chỗ cho các dự án tại Khu kinh tế Dung Quất.
KTĐC này được đầu tư khá bắt mắt, quy mô, với hệ thống đèn chiếu sáng, đường, nhà sinh hoạt văn hóa, cộng đồng, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, rộng rãi. Người dân xã Tịnh Hòa khi ấy ví nó là KTĐC “sang chảnh”, rồi thành phố trong mơ.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ thôn Vĩnh Sơn), vùng này xưa là núi đá, đất đai khô cằn, nằm biệt lập sâu trong núi. “Hồi đó, người dân ở xã Tịnh Hòa nào biết đến điện chiếu sáng, nhà vệ sinh khép kín là gì?
Công trình khởi công trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mang đến luồng gió mới cho vùng đất nghèo. Đêm đến, điện sáng rực “phố núi” mơ màng trong giấc ngủ với bao ước vọng đổi đời của người dân”, ông Toàn nhớ lại.
Bồi hồi nhớ lại thời điểm cách đây hơn 20 năm, ông Phạm Đông (ngụ thôn Vĩnh Sơn) hồi tưởng: “Thời ấy, cả xã chưa có điện, ngày điện về núi, người dân ở xóm kế bên cũng vui lây. Chúng tôi như vỡ òa cảm xúc vì lần đầu tiên tận mắt thấy ánh sáng điện về xóm núi. Ước mong bấy lâu của đã thành hiện thực, những tưởng cuộc sống sẽ tươi sáng, văn minh hơn, nào ngờ…”.
… Nhưng rồi lãng phí
Thế nhưng, trái với sự kỳ vọng đổi đời của người dân xã Tịnh Hòa, nghịch lý là không một người dân nào thuộc diện chuyển đến KTĐC này đến ở. Bởi các hộ dân đều làm nông nghiệp, nhưng đất ở đây là đất đồi núi, cằn sỏi đá.
Thế là KTĐC này bỏ hoang, lãng phí trong sự tiếc nuối của người dân. Quá tiếc nuối, người dân xung quanh không có đất sản xuất đã dọn cỏ, xới đất để tận dụng trồng rau, cỏ cho bò, tỉa bắp, trồng khoai lang.
Bà Phạm Thị Bảy (ngụ thôn Vĩnh Sơn) cho biết: “So với mức sống trước đây thì KTĐC được xây dựng quá tiện nghi nhưng khổ nỗi ở đây đất xấu, khó cải tạo để làm lụng nên người dân phải tìm nơi khác thuận lợi canh tác.
KTĐC khang trang là thế cũng đành bỏ hoang, phí phạm hàng tỷ đồng. Bỏ hoang nhiều năm nên bây giờ nhà ở trong KTĐC đã bong tróc, mái nhà bị đổ sập, tốc mái rất nguy hiểm ”.
Trong khi đó, ông Toàn lý giải: “Đất này là đất do dân tự phá dỡ để sản xuất. Thời ấy, được chính quyền vận động giao để làm công trình, bà con ai nấy đều vui.
Ai ngờ bỏ hoang đến giờ, khảo sát kiểu gì mà không một ai đến ở, thật quá lãng phí? Chúng tôi rất mong địa phương thu hút các nhà máy, xí nghiệp về sản xuất”.
Cùng tâm trạng tiếc nuối, ông Đông bày tỏ: “Ở đây nhiều nghèo khổ, làm lụng tích cóp cả đời vẫn không có nổi chỗ chui ra chui vào, còn đằng này, nhà khang trang xây khang trang xong rồi bỏ không, gây lãng phí quá lớn.
Theo tôi, nếu được sửa chữa lại rồi cấp cho các hộ dân chưa có nhà ở vẫn rất tốt vì công trình này xây dựng rất kiên cố”. Bà Nguyễn Thị Bưng (hộ dân nằm trong KTĐC) cho biết: “Khi thấy công trình xây xong lãng phí nên xã cho các hộ dân nằm trong vùng thấp trũng, ngập lụt, diện thương binh liệt sĩ như thôn Trung Sơn di dời đến ở. Ban đầu chỉ có đất nhà ở, gia đình tôi mới khai hoang trồng trọt, đến nay đã có hơn 7 sào rau màu, ruộng lúa”.
Theo ông Phạm Bách - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa, dù được đầu tư khá đồng bộ, khang trang, nhưng do vị trí xây dựng không phù hợp nên người dân thuộc diện quy hoạch đã không đến ở.
Địa phương được chủ đầu tư bàn giao quản lý từ năm 2000 đến nay, nhưng cũng không biết làm gì nên để người dân tự phát canh tác trên đất.
“Nhận thấy đất hoang và điều kiện sinh hoạt đủ điều kiện để hỗ trợ cho người dân vùng thấp trũng, ngập lụt nên xã đã phân thửa cho 39 hộ được cấp đất vào định cư nhưng cũng chỉ 15 hộ tới ở.
Các hạng mục bỏ hoang lâu ngày nên đã hư hỏng, xuống cấp nên người dân cũng ngại”, ông Bách cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: