Tại TP.HCM có rất nhiều khu nhà tái định cư đã xây dựng nhiều năm như Bình Khánh (quận 2), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Nhất Lan (quận Bình Tân)… xây cho người tái định cư nhưng trớ trêu thay không ai muốn đến định cư.
Xuống cấp nghiêm trọng
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh) dù xây gần chục năm nay với gần 2.000 căn hộ, thế nhưng đến nay công trình chỉ thu hút được vài trăm hộ sinh sống. Dù căn hộ có người ở hay không, tất cả đều đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều khu đã xảy ra tình trạng sụt, lún chân, nứt tường, cửa đã gỉ sắt, sơn tường gần như bong tróc.
Anh Mai Quốc Tuấn tại lốc B2.5 cho biết: “Đã hơn hai năm nay tôi phải chịu cảnh bị giải tỏa ở khu tái định cư này. Từ khi dự án Tham Lương - Bến Cát (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) quyết định giải tỏa thì diện tích nhà tôi là 28m2 nhưng chỉ được quận Bình Tân đền bù có 250 triệu đồng trong khi giá bán nhà trên thị trường gần 2 tỉ".
Tương tự, chị Ngô Thị Bé cùng lốc B2.5 bức xúc: Ở chỗ cũ làm ăn buôn bán ổn định, lên đây người không có, làm cũng không có ai thuê. Nhà ở dưới đó của tôi rộng hơn 40 m2 với giá bán thị trường gần 1,5 tỉ thế nhưng chỉ được đền bù có 190 triệu đồng, bị đưa lên đây bán cho một căn hộ, tuy trả góp thế nhưng tất cả đã xuống cấp trầm trọng. T
rong nhà tường bong tróc đủ chỗ, trần thì bị ngấm nước từ lầu trên xuống nhà, nhiều khi đêm ngủ mà nước nhỏ xuống ướt hết nệm, nhà vệ sinh thì cả dãy đều tắc, nước thải thì tràn ra khu vực giếng nước ăn, bốc mùi hôi thối. Còn bên ngoài thì chân có hiện tượng sụt lún, các vết nứt tường bắt đầu xuất hiện khiến cho gia đình tôi sống trong thấp thỏm.
Giá bán trên trời
Những hộ tái định cư được UBND quận Bình Tân bàn giao tại chung cư Nhất Lan cũng không khá hơn, còn nhiều hộ chưa nhận bàn giao nhà tái định cư.
Anh Trịnh Minh Hiền (Bình Tân) thuộc những hộ phải giải tỏa nằm trong dự án Tham Lương - Bến Cát không đồng ý với mức giá bồi thường vì quá rẻ. Nhà anh Hiền rộng hơn 42m2 với giá bán trên thị trường hơn 4 tỉ đồng, thế nhưng đến lúc UBND Bình Tân bồi thường không cho người dân quyền lựa chọn nhận tiền hay nhận nhà mà bắt người dân nhận một căn hộ với giá 1,2 tỉ đồng với mức hỗ trợ mua căn hộ Nhất Lan là hơn 750 triệu đồng, còn lại cho trả góp nhiều năm, và hỗ trợ tiền mặt chỉ có 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi đến tham quan các căn hộ ở khu chung cư mà UBND Bình Tân mua ở Nhất Lan đã bị xuống cấp, từ cánh cửa bị hư, tường bị ngấm nước, có chỗ sơn đi sơn lại chi chít, đường hành lang thì tối tăm… điều đó làm anh Hiền cùng nhiều hộ rất lo sợ nếu bị ép vào đây sống.
Anh Hiền cùng nhiều hộ ở khu giải tỏa đã nhiều năm gửi đơn cầu cứu, kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa có cơ quan nào hồi âm.
Mới đây, UBND quận Bình Tân còn ra văn bản "ép" người dân vào ở, nếu không vào ở thì coi như mất căn hộ, và không còn chế độ hỗ trợ mua nhà mà chỉ nhận được số tiền bù đắp thêm là 50 triệu và tự lo chỗ ở. Điều đó đã khiến nhiều hộ bức xúc và gửi đơn khiếu nại.
Cũng như khu tái định cư Nhất Lan thì khu tái định cư cao cấp như Bình Khánh (quận 2) của nhiều nhà đầu tư như Đức Khải, Thuận Việt… cũng rơi vào tình trạng “ế ẩm” dù giao thông thuận tiện, tiện ích đầy đủ từ trường học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, siêu thị, công viên, an ninh… thế nhưng hàng nghìn căn hộ tái định cư ở đây đều bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, sơn bong tróc.
An ninh bất ổn
Ông Nguyễn Văn Mục tại lốc A11 bức xúc: Đất và nhà tôi có tổng diện tích là 260 m2 nhưng chỉ được đền bù có 65m2… Tôi về đây đã hơn hai năm và thấy tình trạng an ninh không tốt, tuy có bảo vệ nhưng của người dân thuê. Ở đây từng bị mất trộm.
Tiện ích thì chẳng có gì, nước thì nhiễm phèn, công trình xuống cấp, sụt lún, nhiều khu cửa đã gỉ sét, mạng internet, cáp xem truyền hình tất cả đều không có, buộc người dân phải bỏ tiền ra làm. Nhiều căn bị nước thải từ các lầu trên chảy xuống khiến nhiều gia đình tái định cư chuyển đến đây được một thời gian xong đành phải bán đi trả nợ, tìm nơi khác để ở.
Bức xúc trước tình trạng xuống cấp của căn hộ tái định cư, các cư dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, phản ánh tình trạng lên ban quản lí khu tái định cư, lên phường và quận. Thế nhưng, chưa thấy có tín hiệu nào từ phía chính quyền về công tác khắc phục và xử lý khiến cuộc sống của người dân khu tái định cư Vĩnh Lộc B ngày đêm bất ổn.
DiaOcOnline.vn - Theo Nông nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: