Nguyên cục trưởng Hàng không Nguyễn Hồng Nhị - người trực tiếp tham gia góp ý cho công trình nhà ga T1, Cảng hàng không Nội Bài - cho hay: "Ngay thời điểm chưa khánh thành, trần và mái nhà ga đã xuất hiện những vết nứt".
* Là một trong những người trực tiếp góp ý cho công trình nhà ga T1, ông nghĩ gì trước cảnh nhà ga bị dột, nứt trong suốt thời gian qua?
- Tôi thấy buồn khi chứng kiến cảnh như vậy, bởi sân bay Quốc tế Nội Bài là bộ mặt quốc gia, nơi đặt chân đầu tiên của du khách quốc tế. Việc nhà ga bị dột và nứt theo tôi, là hệ quả tất yết của một công trình kém cả về khâu thiết kế lẫn thi công. Bản thân tôi cũng đã không đồng tình với việc thi công công trình này, nhưng thời bấy giờ có rất nhiều vấn đề không tiện nói.
* Vì sao ông không đồng tình với việc thi công công trình này?
- Khi xây dựng đề án nhà ga T1, chúng tôi đưa ra rất nhiều phương án và gặp rất nhiều ý kiến trái ngược vì đây là công trình trọng điểm của đất nước. Tranh cãi nhiều nhất vẫn là khâu chọn nhà thầu. Hai phương án đưa ra là thuê 100% nước ngoài (lúc đó là Airport de Paris của Pháp và John Lang của Anh) hoặc VN tự thiết kế và xây dựng.
Một số ý kiến đồng ý với phương án thứ nhất khoán gọn cho nhà thầu nước ngoài, với lý do nhà ga T1 có quy mô lớn đòi hỏi trình độ cao và VN chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình như vậy. Tuy nhiên, cách này chi phí bị đội lên gấp đôi so với việc để VN tự làm, tức là số tiền có thể đội lên gần 200 triệu đôla.
Chính vì vấn đề tài chính nên đa phần ý kiến cho rằng nên để VN tự làm vừa nâng cao trình độ vừa tiết kiệm chi phí, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thời những năm 90. Đa số đã thắng, phương án cuối cùng được duyệt là VN tự thiết kế và thi công trên cơ sở phần thiết kế dở dang của nhà tư vấn Airport de Paris (ADP).
Phải nói thêm rằng, trong lúc chúng tôi còn bàn cãi thì chuyên gia tư vấn Airport de Paris đã đảm nhận khâu thiết kế và thi công. 250 cọc đã được đóng xuống phần móng. Tuy nhiên, do không có tiền giải ngân, đối tác nước ngoài đành rút về và không đòi một đồng tiền phí.
* Theo ông nguyên nhân sự cố dột, nứt trần ở nhà ga T1 là do đâu?
- Tôi cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở khâu thiết kế và thi công. VN chưa có kinh nghiệm trong cả hai lĩnh vực này. Vật liệu xây dựng, kính hay độ co giãn ở điểm gắn giữa các tấm kính với nhau chỉ là một phần.
Ngay từ khi triển khai công trình đã phát sinh một số vấn đề, đầu tiên là vốn. Vốn giải ngân chậm, kéo dài và không dứt điểm. Thiết bị nhập về chậm nhiều so với tiến độ, và khâu cuối cùng là tu bổ, bảo dưỡng cũng không đạt yêu cầu. Kết quả là nhà ga vừa khánh thành đã bị dột, hệ thống tự động cũng gặp vấn đề ngay từ khi chưa đi vào sử dụng.
Tôi cho rằng cũng phải thông cảm với đất nước mình hồi ấy, kinh tế chưa phát triển nên tiết kiệm chi phí là cách mà lúc đó ai cũng nghĩ tới. Cho nên, công trình đã xây dựng thì đâm lao phải theo lao, hỏng hóc đến đâu, sửa chữa đến đó.
* Để xảy ra sự cố này theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
- Đề án xây dựng nhà ga T1 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm nhận và tính toán các khoản vốn. Do gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, tiến độ công trình, bảo dưỡng... nên tôi được biết đến thời điểm này vẫn chưa quyết toán xong.
Chính vì thế, nếu truy cứu trách nhiệm thuộc về cá nhân đơn vị nào thì rất khó và phức tạp. Thời bấy giờ kinh tế của chúng ta khó khăn, ai cũng lo tiết kiệm nên việc để doanh nghiệp trong nước làm để giảm một nửa chi phí được rất nhiều ý kiến ủng hộ. Tôi cho rằng vấn đề bây giờ là cần phải tìm phương án sửa chữa, khắc phục ngay.
* Sự cố kéo dài 3-4 năm mà không được khắc phục sửa chữa liệu có thể coi là bình thường?
- Đây là vấn đề nhức nhối chứ không phải là chuyện bình thường. Tôi đã làm trong ngành hàng không lâu năm, đi nhiều nơi trên thế giới, chuyện công trình hỏng hóc, nhà ga bị nứt là có nhưng để trầm trọng và kéo dài như nhà ga T1 là chuyện hiếm.
Tôi cho rằng, với công trình thiết kế khá phức tạp và không được hợp lý như nhà ga T1, cách tốt nhất là đập ra xây mới chứ tiếp tục giữ lại cải tạo thì chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Chưa kể, chi phí cho việc sửa chữa này cũng rất tốn kém.
Nguyên cục trưởng Cục Hàng không VN - Nguyễn Hồng Nhị là người có thâm niên trong lĩnh vực hàng không nhiều năm.
Năm 1989 ông đảm nhận chức Cục trưởng Cục hàng không dân dụng VN, kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines).
Năm 1991, khi Vietnam Airlines tách ra, ông tiếp tục đảm đương chức Cục trưởng Cục hàng không cho đến khi nhận quyết định nghỉ hưu năm 1998.
Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: