Top

"Đến cuối năm, may ra ga Nội Bài mới hết dột"

Cập nhật 09/09/2008 11:00

Đó là nhận định của ông Lê Khắc Hồng - Giám đốc Trung tâm khai thác ga Nội Bài. Thừa nhận nhà ga T1 sân bay Quốc tế bị dột 3-4 năm là nhức nhối, nhưng ông cũng cho rằng, sự cố dột, nứt là bình thường.

"Hình ảnh xô chậu mà VnExpress ghi lại ở khu vực nhà ga C là có thật, chúng tôi huy động dụng cụ này ra để hứng nước khi trời mưa nhằm đảm bảo an toàn cho khách", ông Hồng nói.

Ông cũng thừa nhận chuyện đem xô chậu ra hứng nước khi trời mưa là cảnh tượng không đẹp, nhất là đối với nhà ga T1 được đánh giá là một trong những công trình có thiết kế khá bắt mắt. Năm 2005, nhà ga T1 được giải nhất về thiết kế công trình do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

Nhà ga T1 tại Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 10/2001, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích 90.000 m2. Trong đó phần mái có tổng diện tích 23.000 m2. Mái được thiết kế làm 3 phần, gồm phần lợp mái tôn, lợp kính và đổ bê tông nằm tại 4 khu vực A, B, C và D.

Chỉ sau chưa đầy 5 năm đưa vào sử dụng, trần bê tông bắt đầu bị nứt, phần mái lợp bắt đầu ngấm nước, và dột. Những ngày mưa lớn, nước ào ào chảy xuống ngập lênh láng ở bộ phận làm thủ tục cho khách. Năm 2005, cơ quan quản lý nhà ga đã tiến hành tu sửa.

Từ đó đến nay, phần mái tôn và bê tông được coi là tạm ổn, nhưng phần kính lại bị nứt và bộ phận hàn giữa các tấm kính cũng thi nhau giãn ra. Hiện có khoảng 16 tấm kính bị nứt, cứ khi trời mưa, nước lại men theo những chỗ nứt để nhỏ xuống sàn.

Theo ông Hồng, cơ quan quản lý rất muốn muốn chấm dứt hiện tượng trên, với nhiều phương án được đưa ra. Nhưng việc sửa chữa vẫn phải theo quy trình thủ tục, chào thầu, xét duyệt hồ sơ, chấm thầu... "Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì may ra hết năm nay, tình trạng dột ở nhà ga mới khắc phục triệt để", ông Hồng nói.

Hiện có ba phương án được Trung tâm khai thác cảng lựa chọn:

Thứ nhất, giữ nguyên bản thiết kế cũ và thay mới toàn bộ diện tích kính mới, chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Cách này có thể làm nhanh nhưng độ bền không cao, chỉ khoảng 5-7 năm là có thể bị dột trở lại.

Thứ hai là vẫn giữ lại phần kính cũ và dùng cao su gắn để dùng tạm, chi phí vào khoảng 800 triệu đồng. Cách thức này vừa rẻ và có thể triển khai ngay, tuy nhiên trong khoảng thời gian khoảng 3-4 năm thì phải thay mới.

Phương án thứ ba được ông Hồng cho là khá khả thi đó là sử dụng tấm lợp thông minh để che toàn bộ phần kính. Cách này chi phí hơi tốn kém, khoảng 2,5 tỷ đồng nhưng đổi lại độ bền cao có thể đảm bảo trong nhiều năm.

"Chúng tôi đang lựa chọn phương án để xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải. Sau khi Bộ quyết, chúng tôi sẽ bắt tay vào thực hiện ngay. Thú thực nhìn cảnh dột nát ở sân bay suốt thời gian qua, chúng tôi cũng thấy rất nhức nhối", ông Hồng nói.

Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Kiến trúc sư Lương Anh Dũng, người đã thiết kế nhà ga T1, sân bay Nội Bài, cho rằng, sự cố dột có thể do phần tiếp giáp giữa mái và kính không tốt, hoặc các gioăng của kính bị lão hóa. "Những công trình này cần được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, nếu không rất khó tránh được sự cố", ông nói.

Ông cho hay, trước đó các sự cố nhỏ với công trình cũng đã xảy ra, như có lần khi lắp đặt cửa trời bằng kính (skylight), nhà thầu sử dụng loại keo không tốt lắm, khiến khi trời nóng, keo chảy xuống phía dưới. Nhà thầu sau đó đã phải làm lại.

Riêng về phần mái tôn của công trình, ông Dũng cho rằng, khả năng hư hại là rất thấp, do phần này được làm bằng tôn vĩnh cửu và không gỉ. "Phần tôn dùng sản phẩm của Bluescope Steel (khi đó có tên là BHP) của Australia, ngay cả khi có bão siêu cấp cũng không thể bị ảnh hưởng", ông Dũng nhấn mạnh.

Nhà ga T1 được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và được Cơ quan quản lý sân bay Paris giám sát. Tổng thầu của nhà ga T1 là Tổng công ty Licogi. Với các công trình cỡ lớn như nhà ga T1, thời gian bảo hành là 5 năm.

Theo VnExpress