Top

"Phạt tiền cũng là bất đắc dĩ"

Cập nhật 10/09/2008 10:00

Nghị định về xử phạt hành chính trong trật tự xây dựng và kinh doanh bất động sản đang được Bộ Xây dựng gấp rút hoàn chỉnh để trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Tuy nhiên, ngay cả trong lần lấy ý kiến cuối cùng thì vẫn còn có nhiều băn khoăn về các mức xử phạt cũng như các tiêu chí và cách thức xử phạt.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

* Tại sao dự thảo lại để một mức xử phạt chung ngang bằng nhau, trong khi các dự án xây dựng, bất động sản lại có giá trị khác xa nhau, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta vẫn thường áp dụng kiểu xử phạt truyền thống, tức là phân thành nhiều mức độ, đối tượng vi phạm khác nhau mà có mức xử phạt khác nhau. Do đó, nhiều người cho rằng, khi xử phạt, một công trình hàng nghìn m2 thì không thể so sánh với một căn nhà cấp 4.

Cũng chính vì thế nên trong dự thảo lần đầu, chúng tôi có tính tới phương án nhóm A, nhóm B, nhóm C và công trình cấp 1, 2,3… Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ về mặt pháp luật thì mỗi hành vi đối với mỗi công trình, dù lớn hay nhỏ thì cũng là một hành vi.

Vì vậy, cuối cùng chúng tôi thống nhất là bỏ việc chia mức độ và thay bằng một mức xử phạt chung.

Nghị định mới mà chúng tôi đang soạn thảo là nhằm vào xử phạt ngay khi hành vi mới xảy ra và đình chỉ ngay, thậm chí là không cần phạt tiền, nếu như chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ các hạng mục sai phạm.

Nói một cách khác là mục tiêu của các quy định xử phạt là để ngăn chặn ngay mọi hoạt động sai trái trong trât tự xây dựng đô thị, kinh doanh bất động sản…chứ không phải là để thu tiền phạt.

Không chỉ trong quản lý trật tự xây dựng mà trong tất cả các lĩnh vực khác thì phạt tiền là một việc bất đắc dĩ. Nhưng chúng ta bắt buộc phải phạt tiền và phạt nặng là nhằm răn đe nhưng hành vi cố tình vi phạm.

Tôi có thể lấy ví dụ, từ trước đến nay, chúng ta chỉ xử phạt các nhà xây dựng trái phép chỉ khoảng 200 -300 nghìn đồng. Với mức phạt quá nhẹ như vậy, ai cũng có thể nộp phạt được và cũng không ai sợ, và kết quả là xây nhà trái phép vẫn cứ diễn ra hàng ngày.

Chính vì vậy, trong dự thảo mới này, chúng tôi dự kiến sẽ có mức phạt được tăng lên gấp 100 lần thì chắc chắn tính răn đe sẽ cao hơn.

* Kể cả khi tăng mức phạt lên cao thì liệu tính răn đe có cao hơn không, bởi số tiền phạt so với giá trị của nhiều dự án vẫn là quá nhỏ, thưa ông?

Quan trọng nhất của việc xử phạt trật tự xây dựng trong tương lai là đình chỉ ngay các công trình, hành vi vi phạm. Hiện nay, chúng ta vẫn áp dụng theo Nghị định 80 của Chính phủ về xử phạt trong xây dựng là căn cứ vào các công trình và hành vi cụ thể và "cảm giác" là cần có phải phạt tiền hay không.

Còn biện pháp quyết liệt đầu tiên là phải yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ, đình chỉ ngay công trình khi vừa sai phạm, thậm chí là có thể yêu cầu cắt điện, cắt nước, cấm công nhân đi vào công trình…

Ngay trong Nghị định 80 cũng đã quy định rất chặt chẽ, nếu để xảy ra sai phạm thì người chịu trách nhiệm đầu tiên sẽ là thanh tra xây dựng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm như trước đây.

* Nhưng việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế như trên là rất khó đối với các địa phương vì quyền của thanh tra xây dựng cũng chỉ có hạn?

Bất kể cá nhân nào, đơn vị nào, cấp nào cũng cần tuân thủ luật pháp. Có thể đâu đó còn có sự thao túng này nọ, nhưng nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực thì có thể khẳng định rằng là do thanh tra xây dựng tại đấy quá yếu về năng lực và kém hiểu biết về pháp luật.

Nếu bản thân tôi mà trực tiếp xử lý bất kỳ các vụ việc vi phạm nào thì không thể có chuyện lãnh đạo can thiệp. Còn cá nhân, đơn vị nào gặp trường hợp này thì có thể gọi điện cho tôi và tôi sẽ trực tiếp xử lý theo đúng pháp luật.

* Vậy với lực lượng như hiện nay, ngay cả khi thanh tra xây dựng có làm đúng luật, liệu việc thực hiện cưỡng chế các công trình sai phạm có được bảo đảm?

Cũng chính vì lực lượng thanh tra xây dựng quá mỏng nên trong dự thảo sắp tới, chúng tôi sẽ sửa đổi theo hướng tăng cường giám sát các hành vi sai phạm ngay từ đầu, nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm của thanh tra xây dựng càng phải nâng cao hơn, tức là nếu để ra sai phạm đến mức phải cưỡng chế thì người bị xử lý đầu tiên là... thanh tra xây dựng.

Điều này cũng lý giải vì sao chúng tôi quyết định chọn một mức phạt chung cho tất cả các công trình sai phạm, bất kể đó là công trình 100 tầng hay một ngôi nhà cấp 4. Bởi thực tế là chúng ta sẽ hướng đến xử phạt hành vi vi phạm ngay từ đầu. Do đó, giá trị công trình sai phạm sẽ không liên quan đến mức xử phạt.

Bên cạnh đó, cũng do là sẽ tăng cường giám sát ngay từ đầu nên sắp tới sẽ không còn khái niệm "cắt ngọn" các công trình sai phạm. Chúng ta cũng sẽ không phải gặp khó khăn trong việc xử lý các công trình ngầm sai phạm.

* Trong dự thảo cũng có đề cập đến việc xử lý các giao dịch bất động sản qua sàn. Vậy, làm thế nào để có thể phân biệt được dự án nào phải qua sàn, dự án nào không phải qua sàn, thưa ông?

Đối với các dự án lớn thì ngay trong quá trình phê duyệt dự án, cơ quan chức năng đã buộc các chủ đầu tư phải công khai là kinh doanh hay không.

Nếu là dự án kinh doanh thì bắt buộc phải giao dịch qua sàn. Vì vậy, việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm như trên cũng không có gì quá khó khăn.

Tuy nhiên, việc khó cho xử phạt hiện nay là nằm ở các công trình xây dựng nhỏ lẻ, việc mua đi bán lại các căn hộ, nhà ở của các cá nhân đầu cơ thì hiện nay, pháp luật cũng chưa thể tính đến được.

Cần phải hiểu rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu chúng ta muốn với tới tất cả thì rất dễ dẫn đến kết cục là không với tới cái gì cả. Tuy nhiên, cái mà chúng ta nhắm tới là phải làm sao để cho mọi người đều thấy việc mua bán qua sàn sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi và đảm bảo hơn. Khi đó chắc chắn sẽ chẳng ai cần đến "cò mồi" trong các giao dịch bất động sản.

Theo VnEconomy