Nổi bật trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế cuối năm 2008 vẫn là FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) với con số kỷ lục 64 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cục Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng dự báo, luồng vốn này trong năm 2009 sẽ suy giảm, chỉ đạt khoảng 1/3 của năm trước, tức khoảng 20 tỷ USD.
Vốn FDI được coi như một thước đo chân thực về sức hấp dẫn và chất lượng môi trường kinh doanh của một quốc gia đối với cộng đồng DN quốc tế. Trao đổi với PV, ông Phan Hữu Thắng khẳng định, việc suy giảm luồng vốn này sẽ không có nghĩa là cơ quan Nhà nước Việt Nam làm việc kém hay do môi trường đầu tư kinh doanh của ta xấu đi. Cộng đồng quốc tế hẳn sẽ có đánh giá khách quan và công bằng về vấn đề này.
Bàn về kịch bản của FDI dưới tác động của hội nhập WTO và khủng hoảng tài chính toàn cầu tại hội nghị do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế chung một nhận định, việc thu xếp nguồn vốn cho các dự án đã đăng ký tại Việt Nam của các NĐT nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi lẽ, ước khoảng 70% vốn của các NĐT nước ngoài đều là dòng vốn đi vay ngân hàng. Các tập đoàn kinh tế toàn cầu đã và đang phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đối phó với khủng hoảng.
Ông Phan Hữu Thắng cho biết, các DN sẽ tạm thu hẹp phạm vi, đình hoãn một số dự án đầu tư không có khả năng thu xếp các khoản tín dụng. Do vậy, nhiều dự án FDI đã được cấp phép có khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện.
Trong bối cảnh đó, làm sao duy trì mức vốn giải ngân 11-12 tỷ USD bằng năm 2008 là một thách thức rất lớn. Giải pháp hữu hiệu là chính chúng ta phải tăng cường hỗ trợ NĐT tối đa để khắc phục khó khăn, đồng thời, phải đổi hướng hút dòng vốn FDI đến các khu vực.
Trong báo cáo mới đây trình Thủ tướng về tình hình FDI trong 3 năm 2006-2008, một hiện tượng nguy hại là nhiều địa phương khai tăng vốn đăng ký để có thành tích, cạnh tranh nhau, cấp phép dự án quá nhiều cho cùng một loại sản phẩm mà không tính đến khả năng thị trường, gây dư thừa lãng phí. Điển hình là các trường hợp dự án sản xuất thép, dự án sân golf và cảng biển. Do đó, năm 2009, “không vì dòng vốn sụt giảm mà chúng ta thu hút bất kỳ dự án FDI nào. Dù khó khăn, Việt Nam vẫn phải tỉnh táo lựa chọn dự án có lợi nhất” - ông Thắng nói.
Việt Nam sẽ khó thành công trong thu hút nguồn vốn này nếu như, chỉ trông chờ vào các chuyến đi xúc tiến đầu tư, quảng bá môi trường kinh doanh Việt Nam ở nước ngoài. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, chính các NĐT đang đổ vốn vào Việt Nam hiện nay là người tuyên tuyền tốt nhất cho môi trường đầu tư, kinh doanh của chúng ta.
Chỉ bằng cách hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, chúng ta mới có thể vừa giữ chân họ, vừa tạo dựng niềm tin để tiếp tục thu hút mạnh mẽ luồng vốn mới. Trách nhiệm này thuộc về các địa phương phải biết ứng phó tới tình hình cụ thể. Mặt khác, các địa phương cũng phải kiên quyết thu hồi giấy phép những dự án không có khả năng thực hiện, đặc biệt với những dự án giữ đất nhiều năm nhưng không sử dụng.
Theo kết quả rà soát về việc giải ngân vốn FDI trên toàn quốc, Cục Đầu tư nước ngoài đã phát hiện, tới 60% đất đai tại các địa phương đã được cấp phép cho NĐT nhưng chưa được triển khai thực hiện. Trong khi, nhiều NĐT khác lại đang thiếu mặt bằng.
Về việc đổi hướng thu hút vốn FDI, các chuyên gia kinh tế cho biết, Trung Đông được coi là một đối tác hấp dẫn. Thời gian gần đây, nhiều NĐT khu vực này đã đến thăm dò khảo sát thị trường Việt Nam và bày tỏ thiện ý sẽ “rót” vốn cho các dự án quy mô lớn. Đối với họ, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn về trung và dài hạn.
Tuy nhiên, các quyết định đầu tư sẽ mất nhiều thời gian để cân nhắc, các ngân hàng sẽ không dễ quyết định cho vay các dự án lớn. Quan trọng là Việt Nam sẽ tận dụng những nguồn đầu tư mới này ra sao để bù đắp cho những dự án FDI không có khả năng thực hiện. Các địa phương cần chủ động có những hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp hơn, thẩm định cấp phép đầu tư thích ứng với đặc điểm và truyền thống của đối tác mới.
Ngoài ra, Việt Nam còn cần giảm sự can thiệp của khu vực công vào nền kinh tế. Tăng cường cải cách, sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách sẽ là cách thức hữu hiệu để kéo chân NĐT. Theo ông Claudio Dordio - Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 (Mutrap 3), “công thức” thu hút FDI thành công phụ thuộc nhiều vào việc có giành được lòng tin NĐT hay không.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: