Top

Thuế và đầu cơ địa ốc

Cập nhật 12/11/2009 08:30

Có một nghịch lý đã và đang tồn tại. Trong khi mức thu nhập bình quân đầu người chưa đến 1.000 USD, thuộc hàng trung bình thấp so với các nước trên thế giới thì giá nhà lại cao chót vót, ngang bằng, thậm chí cao hơn những thành phố có thu nhập đầu người trên 10.000 USD.

Nguyên nhân của tình trạng này được các cơ quan chức năng xác định là nạn đầu cơ đất đai, mua bán lòng vòng qua nhiều chủ quá mạnh, khiến giá nhà, đất bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Và việc thiếu các công cụ thuế để điều tiết, được cho là nguyên nhân sâu xa, trực tiếp.

Tuy nhiên dự thảo Luật Thuế nhà, đất trình Quốc Hội (QH) hôm 6.11 và bắt đầu được thảo luận tại tổ đại biểu QH chiều nay (12.11) chưa khiến nhiều người hài lòng.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH thì dường như cả 2 mục tiêu về quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và mục tiêu hạn chế đầu cơ nhà, đất của dự luật đều chưa đạt.

Cố vấn cao cấp của Bộ TN-MT, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, mức thuế suất trong dự thảo luật (khởi điểm là 0,03%; phần vượt hạn mức không quá 3 lần thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt hạn mức trên 3 lần thuế suất 0,09%) quá thấp, không góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, do số tiền thuế phải nộp không đáng kể so với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất. Theo ông Võ, mức thuế suất đối với đất thấp nhất ở các nước cũng là mức 1%.

Tất nhiên khi đề xuất một mức thuế "khiêm tốn" như vậy, Chính phủ cũng có lý lẽ rằng, không muốn gây sốc khi thực hiện một sắc thuế mới và quan trọng là nó phù hợp với khả năng của đa số người nghèo, người thu nhập thấp thuộc đối tượng chịu thuế. Nhưng điều quan trọng nhất của một sắc thuế là xác định mục tiêu, đặc biệt đối với thuế nhà, đất (trong bối cảnh thị trường bất động sản đang thiếu kiểm soát, bị thao túng bởi đầu cơ) càng phải xác định rõ mục tiêu là nguồn thu cho ngân sách hay hạn chế đầu cơ?

Ông Đặng Hùng Võ đề nghị nên đặt hạn chế đầu cơ thành mục tiêu thứ nhất và do vậy, thậm chí Nhà nước có thể khẳng định rõ quan điểm không thu thuế đối với người có một căn nhà duy nhất hoặc không đặt vấn đề thu thuế ở khu vực nông thôn.

Tại sao khi kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản ở các nước, đặc biệt là Mỹ lập tức "lao dốc", trong khi ở VN nó chỉ chựng lại một thời gian rất ngắn, "chờ thời" rồi lại leo thang?

Lý do về cấu trúc nền kinh tế là một chuyện nhưng chính là bởi chúng ta chưa có công cụ điều chỉnh hành vi găm giữ đất. Và nếu với mức thuế quá thấp, cũng như với cách tính thuế trong dự thảo Luật Thuế nhà, đất thì tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn và sẽ còn trầm trọng hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên