Top

Tái xuất hiện nhà "siêu mỏng, siêu méo" ở Hà Nội

Cập nhật 12/11/2009 07:55

Ở Hà Nội, dường như phố mới và nhà siêu mỏng, siêu méo là "đôi bạn thân thiết". Ở đâu có phố mới thì ở đó có nhà mỏng, nhà méo. Mặc dù Hà Nội đã có bài học xương máu từ “tuyến phố đắt nhất hành tinh” (phố Kim Liên – Ô Chợ Dừa), nhưng gần đây nhiều ngôi nhà với hình thù kỳ dị vẫn cứ xuất hiện…

Nhà lều, nhà méo… trên phố mới

Với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, sau nhiều năm chậm trễ vì phải đánh vật với công tác giải phóng mặt bằng, tuyến đường vành đai III đoạn nút giao thông Trung Hòa - Linh Đàm cũng thành hình. Mặc dù đường chưa làm xong nhưng phố đã xuất hiện rải rác những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”, hình dáng kỳ quái…

Những ngôi nhà này đang làm biến dạng bộ mặt con đường được làm theo tiêu chuẩn xây dựng vào loại hiện đại bậc nhất nước với hai làn đường, chiều rộng lên tới 78-86m.
 

Căn nhà hình chuồng chim câu tại "phố nghìn tỷ" Khuất Duy Tiến.


Theo ghi nhận của VietNamNet ngay đoạn đường Khuất Duy Tiến - phần đang hoàn thiện thuộc dự án đường vành đai III - chỉ dài vài trăm mét nhưng đã xuất hiện tới hơn chục ngôi nhà kiến trúc dị thường. Nhiều ngôi nhà nông toen hoẻn, chiều sâu chưa đầy 2m. Điển hình là ngôi nhà 2 tầng hình dạng kiểu "chuồng chim câu" của Công ty CPTVTK Hà Nội án ngữ góc giao cắt phố Khuất Duy Tiến với đường Thanh Xuân.

Ngôi nhà này mọc lên trên thửa đất hình thước thợ với bề rộng hơn 10m nhưng độ sâu chỉ xấp xỉ hơn 2m, có đầu chỉ nhỉnh hơn 1m. Cách ngôi nhà chuồng chim câu trên chưa đầy 200m, dãy nhà “siêu mỏng” một tầng, gần chục căn (mỗi căn nhà rộng khoảng 3m, chiều sâu chỉ nhỉnh hơn 1m) cũng thản nhiên mọc lên bất chấp những quy định của Luật Xây dựng.
 

Dãy quán “siêu mỏng” tại phố Khuất Duy Tiến biến thành dãy lều nhếch nhác và chắp vá.


Dãy nhà này kéo dài hơn 30m, án ngữ trước khu tập thể Thanh Xuân Bắc và kéo dài tới cổng Học viện Hành chính Quốc gia.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường, nơi đây đã xuất hiện hàng chục mảnh đất diện tích chỉ xấp xỉ bằng chiếc giường một. Chủ của các ô đất này đã xây quây lại, rồi kéo bạt, dựng quán góp phần hình thành nên một “dãy lều” có một không hai trên tuyến phố đẹp này…

Tiếp nối phố Khuất Duy Tiến, ngõ 443, Nguyễn Trãi (cũng thuộc tuyến đường vành đai III) đoạn đường đang thi công bị đào xới ngổn ngang nhưng cũng đã mọc lên 1-2 căn nhà siêu mỏng. Theo quan sát của chúng tôi, công nghệ làm nhà siêu mỏng ở đầu đoạn ngõ này khá đơn giản. Người ta chỉ cần gia cố lại phần ngôi nhà chưa bị đập bỏ sau giải phóng mặt bằng bằng cọc bê tông, phần trên xây đua ra là được một căn nhà “siêu mỏng” đúng nghĩa…
 

Những ngôi nhà “siêu mỏng” mọc ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy.


Giống như tuyến đường vành đai III, dãy phố Minh Khai đoạn chân cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi thứ kiến trúc “siêu mỏng, siêu méo”.

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, đoạn phố ngắn chưa đầy 300m hai bên chân cầu này có tới gần 20 căn nhà hình thù kỳ dị, không đủ tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng. Điển hình là dãy nhà số 25, tổ 23 phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), với diện tích mỗi căn nhà chỉ kê vừa chiếc giường (chiều sâu mỗi căn chỉ nhỉnh hơn 1m, chiều rộng 3-4m) vẫn cứ mọc lên.

Như các nơi khác, do diện tích quá nhỏ, không ở được nên chủ những ô đất này chỉ xây để làm quán bán hàng.

Cần một liều thuốc đặc trị?

Trong Luật Xây dựng cũng có riêng một điều khoản quy định rõ: diện tích thửa đất dưới 15m2 hoặc từ 15-40m2 có chiều sâu dưới 3m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng. Và trên thực tế, các cơ quan quản lý cấp quận, cấp thành phố của HN cũng đã tổ chức không dưới hàng trăm cuộc họp để xử lý hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở phố Đào Tấn, tuyến đường bạc tỷ Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
 

Dãy quán, nhà cực mỏng, chiều sâu chỉ nhỉnh hơn 1m tại số 25, tổ 23, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.


Bởi thế, câu chuyện nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở Hà Nội không phải chuyện lạ, nhưng lại bất thường ở chỗ, sau bao nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn “vô tư” mọc trên phố mới như một lời thách thức.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Quang Phú, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phân tích nguyên nhân dân đến tình trạng trên là do khi mở đường, Nhà nước đã không thu hồi hết các thửa đất nhỏ, lẻ không đủ tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng hai bên đường. Trong khi đó, phần lớn những hộ dân có phần đất nhỏ lẻ này chỉ nhận được tiền đền bù cho phần đất đã bị giải phóng mặt bằng mà không được tái định cư.
 

Ngôi nhà “siêu mỏng” dưới chân cầu Vĩnh Tuy.


Không có chỗ ở, bắt buộc họ phải tìm cách “lách”, tìm cách xây dựng chắp vá trên phần đất còn lại để có nơi ăn, chốn ở, hoặc kinh doanh.

Thực tế này không phải các cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội không biết. UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để tìm giải pháp xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Phú, hầu hết những giải pháp đưa ra như cưỡng chế, vận động dân hợp thửa hợp khối, thu hồi đất nhỏ lẻ ngay khi thực hiện dự án… đều không phải là cách giải quyết triệt để đối với hiện trạng nhà siêu mỏng siêu méo.

“Hầu hết những ngôi nhà xây dựng trên những thửa đất không đủ tiêu chuẩn cấp phép xây dựng ở Hà Nội đều là xây dựng không phép. Không phép, sai phép theo luật thì cưỡng chế, nhưng cưỡng chế phá bỏ thì người dân sống ở đâu? Đó là bài toán không dễ giải”, ông Phú nói.

Được biết, về việc thực hiện hợp khối, hợp thửa đối với những thửa đất nhỏ lẻ lại phụ thuộc vào ý muốn, nguyện vọng và khả năng tài chính của người dân nên cách làm này cũng không triệt để.
 

Một căn nhà “siêu mỏng” nữa tại ngõ 443, Nguyễn Trãi, đang mọc lên bên đại công trường đường vành đai III.


“Tại khu vực đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có mảnh đất mặt đường diện tích chỉ vài m2, bề rộng khoảng 10m nhưng chiều sâu chỉ từ 40-60cm, chủ hộ bên trong muốn mua để ra mặt tiền, nhưng chủ miếng đất hét giá gần chục tỷ thì ai mua nổi?” - vị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng dẫn chứng.

Vấn đề thu hồi các thửa đất nhỏ lẻ ngay khi thực hiện dự án mở đường cũng được đặt ra để xóa “siêu mỏng, siêu méo”, nhưng lại không dễ thực hiện vì để thu hồi một miếng đất nhỏ dù diện tích của nó chỉ đủ xây dựng một bức tường cũng phải lập một dự án riêng, rồi mới ra quyết định thu hồi được.

Ông Phú cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND thành phố cách trị từ gốc căn bệnh nhà “siêu mỏng, siêu méo” bằng cách tăng diện tích giải phóng mặt bằng thêm từ 50-70m để xây dựng tuyến phố mới 2 bên đường.

Theo ông Phú, cách làm này tuy khá tốn kém do nhà nước phải chi số tiền khổng lồ để giải phóng mặt bằng, nhưng cái được là thành phố sẽ có những con phố đẹp, khang trang, kiến trúc thống nhất. Mặt khác, việc thực hiện dự án hai bên đường cũng giúp nhà nước thu hồi vốn giải phóng mặt bằng, đồng thời có nơi để tái định cư cho những hộ dân bị di dời để mở đường.
 

Theo báo cáo của Sở xây dựng Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2009, toàn thành phố cấp được 6.213 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn khoảng 1.598.000 m2.

Cũng trong thời gian này, lực lượng thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh, kiểm tra 5.387 công trình xây dựng, phát hiện và lập biên bản vi phạm 1.965 công trình; đình chỉ xây dựng 1.050 công trình và cưỡng chế 638 trường hợp xây dựng không phép, sai phép.

(Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2009 của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 3/7/2009)

 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet