Cầu Bến Vân Đồn ở TPHCM được xây xong từ khá lâu nhưng hệ thống giao thông kết nối vẫn còn thi công ngổn ngang nên chưa thể thông xe. Đây cũng là thực trạng ở nhiều công trình đầu tư bằng ngân sách nhà nước trên cả nước. Ảnh: Lê Toàn. |
Cầu Thanh Trì, với số tiền đầu tư lên tới 5.700 tỉ đồng, sau khi thông xe đã hơn hai năm vẫn chưa thể phát huy hết công suất vì cầu dẫn không chịu xong trong khi các phương tiện giao thông vẫn phải oằn mình qua các đường dẫn tạm thời nếu muốn qua cầu.
Chuyện cầu Thanh Trì chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về tình trạng thiếu đồng bộ trong đầu tư nhà nước dẫn đến việc các công trình, mặc dù đã hoàn thành song vẫn không thể đưa vào sử dụng vì các công trình phụ trợ hay các hệ thống kèm theo không hoàn chỉnh.
Điều này đã làm tăng thêm khá nhiều chi phí đầu tư so với dự toán và gây ra nhiều sự lãng phí, tổn thất trong đầu tư nhà nước. Chính vì vậy, đã tạo ra thực trạng kém hiệu quả của nguồn vốn này trong nhiều năm qua.
Là người xây dựng đề án tái cấu trúc kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nói với TBKTSG rằng, nếu như thực hiện tái cấu trúc kinh tế trong những năm tới đây, việc cải cách đầu tư nhà nước sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đang là một trong những bất cập chưa thể cải thiện. Đặc biệt hơn, trong vòng hơn 20 năm qua, mặc dù vốn đầu tư liên tục gia tăng thế nhưng hiệu quả của đầu tư toàn xã hội lại có xu hướng giảm xuống, và nguyên nhân, một phần quan trọng là do sự thiếu hiệu quả của đầu tư nhà nước.
Mới đây, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã tính toán và công bố hệ số ICOR của Việt Nam hiện tại đã lên tới 8. Nhưng khi đi sâu vào từng thành phần kinh tế, mới thấy sự chênh lệch về hiệu quả đầu tư giữa các thành phần kinh tế rất lớn.
Trong khi hệ số ICOR của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 3,1, của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5, thì ở khu vực nhà nước con số này lên đến 12 (!) - một mức báo động và cho thấy sự cần thiết phải cải thiện về chất lượng đầu tư.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa X tại kỳ họp thứ 3 đã thừa nhận: “Chi đầu tư từ khu vực nhà nước hiện vẫn lớn và hiệu quả thấp. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến trong đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và trong sử dụng tín dụng ưu đãi của Nhà nước”.
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, tại buổi thảo luận đóng góp ý kiến đối với đề án tái cấu trúc kinh tế mà CIEM đang triển khai, (diễn ra cuối tuần trước tại Quảng Ninh), ông Cung nói: “Hiệu quả đầu tư chưa cao là hệ quả của việc đầu tư phân tán, vốn đầu tư được bổ vào quá nhiều dự án, chính vì vậy rất nhiều dự án đã bị thiếu vốn và kéo dài tiến độ so với dự kiến. Điều này càng làm cho chi phí đầu tư tăng lên”.
Ông Cung cũng chỉ ra rằng, chính sự phân tán, dàn trải trong đầu tư nhà nước là nguyên nhân dẫn đến thừa công suất, tỷ suất sử dụng công trình không được như mong đợi.
Bên cạnh đó, việc quản lý và giám sát đầu tư hiện tại rất yếu kém, trong khi phân cấp quyết định và sử dụng vốn đầu tư lại chưa đi liền với giám sát, kiểm soát, vì thế đã tạo ra thất thoát vốn và không đảm bảo chất lượng, hiệu quả như dự toán ban đầu.
Kết quả phân tích từ Tổ nghiên cứu đề án tái cấu trúc kinh tế của CIEM cũng cho thấy, trong gần 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động và đặc biệt là sự gia tăng vốn.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, trong khi không thể phụ thuộc mãi vào tài nguyên để tăng trưởng vì sự hạn chế trữ lượng, còn lao động cũng đang mất dần lợi thế về chi phí thấp so với các nước tương đồng thì đầu tư được kỳ vọng là động lực thúc đẩy chính.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, năm 2010, Chính phủ vẫn sẽ duy trì mức đầu tư phát triển ít nhất là ở mức tương đương năm 2009 để đảm bảo đạt được tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Nhưng liệu Việt Nam có thể cứ mãi gia tăng đầu tư?
“Hiện tại, chúng ta đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội lên tới hơn 42% GDP. Để tiếp tục huy động thêm vốn đầu tư là rất khó, cùng lắm chỉ có thể lên đến 44%. Thế nên không thể trông chờ vào quy mô vốn để đẩy mạnh tăng trưởng. Muốn tạo ra tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo, không có cách nào khác là phải cấu trúc lại đầu tư”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói với TBKTSG.
Và cũng theo ông Cung, trước hết cần cơ cấu lại đầu tư nhà nước bởi đây là nguồn vốn có hiệu quả thấp nhất trong khi quy mô lại lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: