Top

Thị trường địa ốc 2009: Doanh nghiệp làm chủ sân nhà

Cập nhật 17/01/2009 10:15

Năm 2008 được xem là năm thất bát của nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc Việt Nam, không ít ý kiến lo ngại các dự án lớn, sẽ dần lọt vào tay các tập đoàn nước ngoài. Vậy nhưng, các đại gia Việt đang có nhiều cơ hội để chiếm ưu thế trong năm 2009.

Ngoại e dè

Lý do lớn nhất khiến các dự án địa ốc có vốn ngoại trì hoãn hoặc không đúng tiến độ là nguồn vốn giải ngân sẽ khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông Marc Townsend, GĐ điều hành Cty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam nhận định, thị trường địa ốc ảm đạm quá lâu và nguồn vốn không còn dồi dào sẽ khiến nhiều nhà đầu tư tạm ngưng hoặc tính toán lại các dự án địa ốc tại Việt Nam.

Trên thực tế, 20 khu đất vàng tại TPHCM mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tranh giành nhau từ năm 2006 mới chỉ có hai khu đang xây dựng và đều của các chủ đầu tư trong nước.

Nhiều dự án lớn tại trung tâm TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ đều của các DN Việt Nam như Khu cao ốc trên nền đất Sở Giáo dục - Đào tạo cũ của Vincom, Tháp tài chính 64 tầng của Công ty Bitexco, Time Square của Kinh Đô, khu Intershop cũ sẽ mang tên SJC của Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn…

Hiện hàng loạt dự án của Hoàng Anh - Gia Lai hay các Cty con của Ngân hàng Vietcombank, BIDV, Sacombank… cũng đã thu xếp được vốn để thi công.

Ông Đặng Hồng Anh, Tổng GĐ Công ty địa ốc Sacomreal cho rằng, trong điều kiện nhiều DN vẫn nhìn ra triển vọng của thị trường bất động sản như hiện nhân công, vật liệu, giá đất… đều đang ở mức thấp, dễ tìm. Ngoài lý do trên, nhiều DN lớn của Việt Nam muốn chớp cơ hội này trước khi các tập đoàn đa quốc gia nhảy vào.

Điều đó thể hiện rõ nhất là các hệ thống siêu thị khi Co-op Mart đã nhanh chóng hình thành được 30 siêu thị ở nhiều vị trí đẹp. Citimart mở tổng cộng 13 siêu thị…Hàng loạt khu đất vàng hay vị trí tốt tại TPHCM, Hà Nội phần lớn cũng nằm trong tay DN Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho hay, năm 2008 nhiều DN địa ốc đứng trước nguy cơ phá sản nhưng cũng nhiều DN tận dụng lợi thế chủ nhà để chuẩn bị cho các dự án mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chậm chân do việc tìm địa điểm và xin giấy phép.

Nội chớp thời cơ

Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dự đoán nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ, giá thành phù hợp, gần các tiện ích công cộng… trong năm 2009 sẽ tăng mạnh. Cùng với chính sách kích cầu nhà giá rẻ đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Hầu hết các DN nước ngoài đều nhắm đến phân khúc căn hộ cao cấp đang và nhiều khả năng ế ẩm.

Không chỉ hàng loạt DN tư nhân, cổ phần đang chuyển dần sang nhà giá rẻ, ngay cả Bộ Xây dựng cũng kêu gọi các DN lớn thuộc Bộ tham gia xây nhà xã hội. Bà Văn Dương Thanh, Phó GĐ Công ty Tư vấn Môi giới Địa ốc Thanh Bình (Q.3, TP HCM) nói: “Hiện nhu cầu mua, thuê căn hộ cao cấp đã chững lại. Các dự án lớn của nước ngoài cho loại căn hộ này sẽ khó chuyển đổi hay cung thêm sản phẩm khi cầu vẫn yếu. Vì vậy, đây là thời cơ của các DN Việt Nam vốn khá linh hoạt trong kinh doanh để chuyển sang nhà, căn hộ giá rẻ, phù hợp với nguồn vốn ít của mình và được nhà nước khuyến khích”.

Ông Marc Townsend cũng thừa nhận, thị trường căn hộ cho thuê đang và sẽ ảm đạm do các công ty nước ngoài bắt đầu sa thải lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ngoại trừ Phú Mỹ Hưng, các dự án có vốn nước ngoài tại TPHCM như khu đô thị của LG tại Nhà Bè hay nhiều dự án tại Củ Chi, quận bảy, quận hai của một số tập đoàn đa quốc gia vẫn chưa chính thức khởi công.

Trong khi đó dự án lớn khởi công gần đây nhất (tháng 12/2008) là khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại Sunrice City trị giá 500 triệu USD của Novaland - một DN Việt Nam. Đó là dấu hiệu cho thấy DN địa ốc Việt Nam có thể trụ trên sân nhà trước sức ép dòng vốn ngoại.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong