Top

Thị trường bất động sản ngột ngạt vì thuế

Cập nhật 27/11/2007 01:55

Việc áp thuế chuyển nhượng bất động sản 25% và đánh thuế lũy tiến chưa hẳn chặn được tình trạng đầu cơ nhà đất, mà lại dồn gánh nặng thuế, phí lên vai người có thu nhập thấp, cần chỗ ở thật sự

Thông tin về những quy định mới đối với bất động sản (BĐS) trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và chỉ thị chống đầu cơ nhà đất của Bộ Xây dựng (vừa trình Chính phủ xem xét) đã khiến thị trường nhà, đất những ngày qua trở nên ngột ngạt.

Lợi bất cập hại

Theo Luật Thuế TNCN, các khoản thu nhập từ chuyển nhượng BĐS sẽ bị đánh thuế 25%. Cơ sở tính thuế được tính theo chênh lệch giữa giá bán và giá mua, trừ đi các chi phí. Trong trường hợp không xác định được giá mua ban đầu thì thu 2% trên toàn bộ giá trị BĐS giao dịch.

Một quan chức của Bộ Tài chính thừa nhận cách tính này chưa chặt chẽ, vì trong quá trình giao dịch có nhiều loại phí như môi giới, định giá... rất khó xác định. Đây cũng là kẽ hở để giới đầu cơ kê khống giá trị mua bán, nhằm trốn thuế.

Ông Trương Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân, nhận định: Sẽ “đẻ” ra nhiều thủ thuật lách loại thuế này. Thay vì làm hợp đồng mua bán, các cá nhân giao dịch sẽ thông đồng chuyển đổi thành hợp đồng cho tặng để hưởng thuế suất 10% (theo Luật Thuế TNCN).

Ví dụ, một căn nhà được bán 1 tỉ đồng, nhưng bên bán làm hợp đồng cho tặng bên mua, hạ thấp giá bán nhà đến mức thấp nhất, thì số thuế phải đóng còn rất ít. Ngành thuế, dù biết, vẫn bó tay!

Theo ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, khi thuế suất BĐS cao, giới đầu cơ đương nhiên không chịu thiệt mà sẽ cộng thêm các khoản phí vào giá bán. Và khi giá bán được đẩy lên cao hơn, người có nhu cầu nhà, đất thực sự đành chấp nhận nhường “sân chơi”.

Lúc đó sẽ có một một nghịch lý xảy ra là giá vẫn nóng nhưng giao dịch giảm, thị trường tiềm ẩn nguy cơ đóng băng, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Đánh đồng

Mặc dù còn phải chờ Chính phủ xem xét đề xuất đánh thuế lũy tiến BĐS của Bộ Xây dựng, nhưng một bộ phận dư luận đã sớm tỏ ra lo âu. Về đề xuất điều chỉnh thuế sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp có nhiều BĐS, nhà để trống..., ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng không phải bất cứ ai có 2 - 3 căn nhà cũng đều nhằm mục đích găm hàng, kích giá ảo.

Đối với người dân có nhà, đất để dành cho con cái, chưa sử dụng đến mà lại bị đánh thuế cao như người đầu cơ là rất vô lý.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng quy định về thuế TNCN và thuế lũy tiến có nhiều điểm không thống nhất.

Thuế TNCN đánh ở mức 25% là để hạn chế đầu cơ. Còn thuế lũy tiến BĐS (nếu được áp dụng) sẽ áp thuế suất cao đối với những người có 2 - 3 nhà nhưng chưa sử dụng. Như vậy, người dân, nhà đầu tư dài hạn và giới đầu cơ sẽ bị đánh đồng.

Ông Lâm Văn Chúc cho rằng doanh nghiệp (kinh doanh BĐS) đang phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (28%). Nếu lại phải đóng thêm thuế lũy tiến thì sẽ dẫn đến thuế chồng thuế. Gánh nặng này sẽ dồn lên vai người mua nhà. Và chính những người lao động thu nhập thấp, cần nhà ở lại phải nai lưng ra gánh.

Phản tác dụng!

Theo ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, các loại thuế, phí đánh vào BĐS quá cao và chưa hợp lý. Nhiều người dân và doanh nghiệp đã phải “ngã ngửa” vì thuế. Không phải bất kỳ giao dịch nhà, đất nào cũng là để thu lợi nhuận.

“Trên thế giới, việc áp thuế đối cao đối với thu nhập BĐS đều dựa trên cơ sở mức sống, nhu cầu của người dân và nền kinh tế phát triển, thị trường BĐS ổn định. Trong khi đó, thị trường BĐS của chúng ta còn mới. Việc dùng những “liều thuốc” quá mạnh sẽ có tác động xấu đến thị trường” - ông Chúc nhấn mạnh.


Theo Người Lao Động