Top

Bất động sản: “Tôi không phản đối đầu cơ” (phần 1)

Cập nhật 26/11/2007 15:00

Làm thế nào để hiểu đúng khái niệm "đầu cơ" bất động sản vẫn đang là một việc khó cho cả nhà nước lẫn người dân.

Xung quanh vấn đề này, các phóng viên vừa có cuộc trao đổi với ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

*Ông nhìn nhận thế nào về thị trường bất động sản của Việt Nam hiện nay ?

Sẽ không quá khi nói rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn ở vào thế "khập khiễng". Nguyên nhân là bởi thị trường bất động sản nước ta mới được công nhận từ nửa cuối những năm 90. Nhưng quan trọng hơn là việc hình thành cơ chế vẫn chậm chạp một cách khó hiểu.

Chẳng hạn như việc chúng ta phải mất tới 10 năm mới xác định được bộ nào gánh vác trách nhiệm chính. Đã vậy, thị trường lại thiếu sự phối hợp giữa các ngành kinh tế. Các nước trên thế giới, lĩnh vực bất động sản bao giờ cũng đi liền với thị trường ngân hàng, bảo hiểm, trong khi điều này vẫn chưa có ở Việt Nam.

Còn thị trường nhà ở không chỉ bất cập về nhà ở xã hội, mà cả nhà cho thuê. Ở các nước phát triển, nhà cho thuê là đối trọng với nhà ở xã hội, là “phương thuốc điều trị giá” nhà quá cao, bởi nhà ở giá đắt thì người dân đi thuê và ngược lại. Trong khi ấy, người dân Việt Nam không có nhiều lựa chọn, dù giá nhà ở cao bao nhiêu cũng phải tặc lưỡi mua.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê đã đẩy giá của phân khúc nhà này lên cao chót vót, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư. Đã vậy, trong khi chúng ta đang nỗ lực kêu gọi đầu tư thì lại “chột dạ” với những khái niệm kinh doanh, đầu cơ bất động sản. Từ đó dẫn đến việc cả nhà nước và người dân đều coi việc mua bán bất động sản là những hành vi đầu cơ.

Nên hiểu đúng về "đầu cơ"

*Vậy theo ông, chúng ta nên hiểu như thế nào về khái niệm đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản?

Tôi nghĩ nên định nghĩa lại từ đầu cơ, nếu đầu cơ chỉ là mua không dùng mà bán lại thì đó là quy luật bình thường của thị trường.

Trước khi đầu cơ, nhà đầu cơ cũng là những người mua thông thường. Người bán rất cần kiểu người mua này, vì nhiều khi chưa có “người dùng” nhưng đã có rất nhiều người mua. Nhiều người vẫn cho rằng, đầu cơ là xấu, là kích giá nhà leo cao… Nhưng thị trường có quy luật cạnh tranh, thuận mua vừa bán, người mua nhà hoàn toàn có quyền chủ động khi lựa chọn mua của ai.

Những căn hộ cao cấp chỉ là của hiếm, nên giá tăng cao thì đổ tội đầu cơ. Vấn đề cần nhất là chống độc quyền chứ không phải chống đầu cơ mua đi bán lại, để phát triển tính cạnh tranh của thị trường, tăng cơ hội lựa chọn cho người mua. Do đó, nếu chúng ta hiểu sai khái niệm đầu cơ bất động sản thì rất dễ dẫn đến việc ban hành những chính sách bất lợi cho việc phát triển thị trường này trong tương lai.

*Vậy có nghĩa ông cho rằng, dự thảo chính sách đánh thuế chống đầu cơ của Nhà nước là không hợp lý?

Không những không hợp lý mà theo tôi thì nó còn khó có thể thực hiện được. Làm sao có thể xác định chính xác ai mua để bán, ai mua để dùng. Nếu tôi mua nhà cho con trai để đấy chờ nó lớn cũng là đầu cơ à? Các công ty Nhà nước thường bán lại nhà giá rẻ cho nhân viên, những người này bán lại để thu lời (tăng phúc lợi xã hội) họ cũng sẽ bị coi là đầu cơ?

>> Bất động sản: “Tôi không phản đối đầu cơ” (phần 2)

Theo VnEconomy