Top

Thay đổi thuế và lệ phí cho bất động sản? (Phần 1)

Cập nhật 26/11/2007 16:00

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong nước phát triển thiếu lành mạnh và không bền vững.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng là chính sách về thuế sở hữu, sử dụng bất động sản; thuế giao dịch và lệ phí đăng ký bất động sản ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập.

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, ngoài những giải pháp nhằm tăng nguồn cung, tăng tính công khai, minh bạch của thị trường, hạ giá thành sản phẩm thì cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách tài chính, thuế và lệ phí liên quan đến thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng cũng vừa có báo cáo trình Chính phủ về vấn đề này.

Thuế sử dụng nhà, đất thấp

Pháp lệnh thuế nhà đất (1992) có quy định “tạm thời chưa quy định về thuế nhà và chưa thu thuế nhà”. Vì vậy, thực chất cho đến nay Nhà nước mới chỉ có quy định thu thuế sử dụng đất.

Hiện nay mức thuế sử dụng đất ở tại đô thị bằng 3 - 32 lần thuế sử dụng đất nông nghiệp, tuỳ thuộc vào vị trí và loại đô thị (đô thị càng lớn thì mức nộp thuế càng cao). Hệ thống pháp luật về thuế hiện hành không đánh thuế luỹ tiến đối với các hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng nhiều thửa đất cũng như các hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có diện tích lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tính toán cụ thể cho thấy: mức nộp thuế sử dụng đất đối với 1m2 đất đô thị ở vị trí đất có giá trị cao nhất hiện tại chỉ khoảng 40.000 đ/m2/năm. Với mức thuế này, một căn nhà 50 m2 ở vị trí đất có giá trị cao nhất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng chỉ phải nộp khoản tiền thuế sử dụng đất là 2.000.000 đồng/năm. Trong khi đó giá cho thuê nhà, đất tại đô thị ở vị trí tốt khoảng 25 – 30 USD/m2/tháng, tương đương gần 5.000.000 đ/m2/năm. Như vậy, thuế sử dụng đất mới chỉ chiếm 0,8% mức sinh lợi, nếu tài sản nhà, đất đó được đưa vào khai thác, kinh doanh.

Điều đó cho thấy mức thuế sử dụng nhà, đất, đặc biệt là tại khu vực đô thị còn quá thấp so với thực tế, sắc thuế này không có tác dụng điều tiết đối với quy mô diện tích, giá trị cụ thể của mỗi tài sản nhà, đất cũng như không điều tiết đối với người có nhiều bất động sản, đặc biệt là những người sở hữu nhiều bất động sản nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí cho xã hội.

Mặt khác, khoản thu về thuế nhà, đất hiện hành chưa bao gồm thuế đối với nhà và tài sản trên đất nên chưa có tác dụng điều chỉnh đối với các trường hợp mua, sở hữu nhiều căn hộ chung cư để đầu cơ. Nếu thực hiện việc bổ sung đánh thuế sở hữu nhà ở sẽ góp phần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng nhà ở, hạn chế tình trạng cơi nới, lấn chiếm.

Do đó Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành suất thuế sử dụng đất cơ bản theo khu vực, vị trí tính bằng đơn vị tiền tệ (đồng/m2) thay cho cách tính theo mức thuế nông nghiệp như quy định hiện hành. Thực hiện đánh thuế sở hữu nhà đối với các hộ gia đình, cá nhân vượt quá tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân trên cơ sở ban hành suất thuế sở hữu nhà ở cơ bản (tương tự như thuế suất sử dụng đất cơ bản đã đề cập ở phần trên).

Cụ thể là: hộ gia đình sở hữu một (01) nhà ở hoặc căn hộ có diện tích trên 100 m2 sàn thì phải nộp thuế theo nguyên tắc luỹ tiến.

Ví dụ, diện tích từ 101 – 150 m2 phải nộp 130% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với (x) phần diện tích chênh lệch tăng thêm; diện tích từ 151-200 m2 phải nộp 150% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với (x) phần diện tích tăng thêm; trên 200 m2 thì phải nộp 200% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với (x) phần diện tích tăng thêm. Như vậy, giả sử thuế suất nhà ở cơ bản là 30.000 đồng/m2sàn/năm thì người có sở hữu 150 m2 sàn nhà ở phải nộp thuế sở hữu hàng năm là: 1,3 x (150 m2 - 100 m2) x 30.000đồng/m2/năm = 1.950.000 đồng/năm.

>> Thay đổi thuế và lệ phí cho bất động sản? (Phần 2)

Theo VnEconomy