Top

Tăng sắc thuế để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất?

Cập nhật 22/02/2008 14:00

Trong quá trình đô thị hóa tại TP.HCM, giá trị gia tăng từ đất sau khi đầu tư hạ tầng và chỉnh trang đô thị chưa được phân bổ hợp lý giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân tại khu vực quy hoạch. Nguyên nhân là Nhà nước vẫn chưa tìm ra được phương thức điều tiết hợp lý và có hiệu quả trong việc tạo ra nguồn thu để tạo nguồn vốn đầu tư trong quá trình đô thị hóa.

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi báo cáo đề tài “Giải pháp điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất trong quá trình độ thị hóa tại TP.HCM” của Viện Kinh tế TP ngày 21-2.

Chưa được phân chia hợp lý

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát tại một số khu dân cư tại quận 2 và dự án Khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông B, quận Bình Tân và từ năm 1996 đến nay và đưa ra nhận định Nhà nước không được phân chia lợi ích đúng mức trong quá trình đô thị hóa.

Thạc sĩ Dư Phước Tân- Chủ nhiệm đề tài trên cho rằng, trong quá trình đô thị hóa tại TP.HCM, nhu cầu đầu tư hạ tầng phát triển các quận mới, chỉnh trang mở rộng hạ tầng giao thông các khu vực nội thành hiện hữu là rất lớn. Nghịch lý thường gặp là sau khi ngân sách TP (chủ yếu từ nguồn thu thuế) bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư nhưng những lợi ích mang lại từ các công trình hạ tầng vẫn chưa phân chia hợp lý.

Trong đó đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là các chủ đầu tư (doanh nghiệp - DN) và những người mua đất, những hộ dân bị thu hồi đất cũng không được lợi ích của giá trị gia tăng từ đất. Nguyên nhân là do Nhà nước chưa có công cụ để điều tiết phù hợp trong quá trình sử dụng đất.

Ngoài công cụ thuế thì Nhà nước chưa có chính sách hoặc mô hình nào phù hợp để thu lại khoản đầu tư này. Tuy nhiên, hầu hết nguồn thu thuế tập trung từ các khoản thu phí Nhà nước giao đất, thuê đất (khoảng 56%) và chuyển nhượng đất đai (25,8%) là chính. Trong khi đó, nguồn thu vào quá trình sử dụng đất lại không đáng kể (chỉ 18,2%). Mặc dù trong giai đoạn chuyển nhượng có thu thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng nhưng chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số nguồn thu.

Để điều tiết nguồn thu sau khi đầu tư mới hạ tầng, TP.HCM đã bước đầu thử nghiệm mô hình “Biên chỉnh trang”. Đó là thay vì giải tỏa theo diện tích ranh giới của con đường thì sẽ giải tỏa mở rộng thêm ranh đất ở hai bên đường mới, tạo ra quỹ đất dự trữ nhằm đấu giá, tái tạo lại nguồn vốn đã được đầu tư, bổ sung thêm ngân sách để hỗ trợ cho các hộ dân bị giải tỏa.

Hiện TP cũng đã áp dụng mô hình “Biên chỉnh trang” thành công tại đường Nguyễn Hữu Thọ và thu được kết quả nhất định: tổng kinh phí dự án đầu tư là 429 tỷ đồng, đến nay đã bán đấu giá thu về 466 tỷ đồng, trong khi đó còn một số khu đất tại hai bên đường vẫn chưa khai thác hết… Với mô hình này, nhóm tác giả cho rằng đây là một phương thức điều tiết giá trị gia tăng thêm từ đất rất khả thi nên cần nhân rộng.

Chỉ tính thuế lũy tiến theo thời gian

Nên tăng nguồn thuế từ các hộ dân, từ phía DN kinh doanh bất động sản hay cần có những biện pháp điều tiết nguồn thu từ đầu tư hạ tầng? Đó là các vấn đề được đưa ra thảo luận tại đây.

Theo đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường, thời gian qua Nhà nước cũng đã có những biện pháp điều tiết khoảng chênh lệch giá trị gia tăng của đất do phát triển hạ tầng thông qua việc điều chỉnh giá đất hàng năm, thu tiền sử dụng đất theo mục đích sau đầu tư…

Được sự đồng ý của Chính phủ, thời gian tới TP cũng sẽ nghiên cứu và áp dụng việc thu phí hạ tầng… Vấn đề là cần nghiên cứu các giải pháp làm tạo quỹ đất để chỉnh trang đô thị, đưa ra đấu giá các khu đất để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Mô hình “Biên chỉnh trang” là một bước đột phá nhưng để triển khai đại trà tại TP thì không phải đơn giản. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội Nhà nước đầu tư nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, nâng giá trị sử dụng đất, tạo ra phần giá trị tăng thêm từ đất rất lớn nhưng người hưởng lợi không chịu một nghĩa vụ tài chính nào.

Thực tế có một sự bất công là một số người có nhà đang ở trong hẻm được giải tỏa ra mặt tiền, khi đó giá đất và giá nhà tăng vọt, trong khi một số người bị giải tỏa với giá đền bù chưa hợp lý. Do đó, đa số đều đồng tình cần có một chính sách để điều tiết sự chênh lệch này để tránh sự bất công.

Có nên áp dụng các sắc thuế từ phía các DN kinh doanh hay không cần phải cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng, nên đánh thuế vào các chủ dự án hoặc nhà đầu tư riêng rẽ cố tình đầu cơ nền nhà trong các dự án và có các chính sách ưu tiên đối với những người dân bị ảnh hưởng từ dự án để họ đảm bảo cuộc sống.

Theo ông Vũ Quang Lãm, Trưởng phòng Ngân sách Sở Tài chính TP thì cần có những biện pháp điều tiết đối với những dự án lân cận được hưởng lợi từ việc đầu tư hạ tầng trong khu vực đó.

Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông-Công chính e ngại tăng thêm các sắc thuế để điều tiết đối với các DN tại TP.HCM thì các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh lân cận…

Theo tiến sĩ Võ Kim Cương - Trường ĐH Kiến trúc thì cần thiết phải có những biện pháp để chống đầu cơ, tuy nhiên theo ông không nên đánh thuế lũy tiến bất động sản về số lượng mà chỉ đánh thuế lũy tiến theo thời gian, tức là người nào giữ đất càng lâu thì thu thuế càng nhiều để chống đầu cơ, nhất là đối với các dự án đất.

Theo Sài Gòn Giải Phóng