Top

Chuyên nghiệp hóa “cò” nhà đất (phần 1)

Cập nhật 22/02/2008 11:00

 “Cò” tay ngang quậy tưng!

“Cò” nhà đất tuyên bố liên kết với cán bộ địa phương để “bảo kê” mua bán đất giấy tay, xây nhà trái phép.

Theo tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cần phải nhanh chóng thiết lập dịch vụ môi giới bất động sản chuyên nghiệp và trật tự; có chính sách thuế bất động sản phù hợp.

Từ phản ánh của bạn đọc, trong vai người có nhà bị giải tỏa, chúng tôi đã tìm đến các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và các quận, huyện Bình Tân, Củ Chi.... để ghi nhận những hoạt động bát nháo của các “cò” nhà, đất tay ngang.

Dọc các con đường tỉnh lộ 80, Quách Điêu, Liên ấp 6.2 và đi sâu vào một số con đường đất... có đến vài trăm bảng hiệu của các “cò nhà đất”. Ngoài dòng chữ “chuyên mua bán nhà đất”, các “cò” còn tương lên đó chi tiết của vài lô đất với giá thật rẻ để thu hút khách hàng.

Bán đất bao luôn xây nhà

Tôi ghé vào một điểm giới thiệu mua bán nhà, đất nằm trên đường Liên ấp thuộc tổ 2, xã Vĩnh Lộc A để hỏi thăm. Một người đàn ông xấp xỉ tuổi 60 ra tiếp tôi. Ông giới thiệu mình tên Ba, là chủ của khu đất khá rộng phía sau căn nhà này.

Ông cho biết có nhiều nền nhà từ 4x10 m đến 4x25 m với giá từ 1,5 triệu đồng đến trên hai triệu đồng/m2, tùy theo vị trí và độ lớn nhỏ của đường vào. Rồi ông mời tôi đi xem một lô đất đẹp, có đường vào rộng khoảng 6 m, cách đường lớn chưa đầy 20 m. Đứng từ ngoài đường lớn đã có thể nhìn thấy rõ các trụ xi-măng cắm làm ranh giới của lô đất.

Thấy tôi chê lô đất này bị ngập nước vì quá thấp, phải tốn nhiều tiền san lấp mà bán giá 2 triệu đồng/m2 quá “cứng”, ông Ba liền kéo tôi đi sâu vào con hẻm này độ vài chục mét nữa. Sau khi vượt qua bốn, năm căn nhà mới vừa xây xong đã có người ở, ông chỉ lô đất cạnh một căn nhà đang cất, có diện tích 4x20 m với giá “mềm” hơn chút đỉnh. Ông nói lô đất này có “giấy đỏ” đàng hoàng, khi mua bán sẽ làm giấy tay rồi ông sẽ giao bản sao “giấy đỏ” cho người mua. “Không cần ra UBND xã ký vì sẽ tăng thêm chi phí, đợi có đợt kê khai làm giấy tờ nhà, đất tập thể cho cả xã thì làm luôn cho đỡ tốn kém” (?!) - ông giải thích.

Tôi hỏi thăm: “Liệu cất nhà được không, nghe nói quản lý đô thị đập nhà không phép dữ lắm...”. Ông Ba tự tin lên giọng ngay: “Mua ai thì chú không dám bảo đảm, chứ mua đất của chú mà cất nhà lên thì chẳng việc gì. Miễn chịu chi 15-20 triệu đồng cho “mấy ổng” là cất thoải mái!”.

Một tay “cò” tên Hải có bảng hiệu giao dịch tại quán cà phê trên đường Quách Điêu (thuộc ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) chạy ra đón tôi lại. Sau khi hỏi qua yêu cầu của tôi, tay “cò” này liền giới thiệu một mạch toàn những nền đất hấp dẫn cả về giá lẫn vị trí. Hải mạnh miệng khẳng định “không “cò” nào có những nền nhà giá phải chăng mà đẹp như vậy đâu!” rồi dẫn tôi vào một con hẻm rộng chừng ba mét ở tổ 4.

Đó là một khu ruộng rộng gần cả ngàn mét vuông mới được san lấp cẩu thả, chừa đường đi rộng độ hai mét có trải đá xanh. Cạnh đó là một dãy ba, bốn trụ điện đã kéo dây và hàng chục ngôi mộ. Cắm ranh giới cho từng lô đất là những cành cây vừa mới chặt. Vài căn nhà đang được xây cất vội vàng tại khu đất ruộng còn trống kế bên.

Lúc đó đã hơn bảy giờ tối nhưng các thợ xây vẫn không có dấu hiệu nghỉ ngơi, vẫn hối hả thi công dưới ánh đèn điện. “Cò” Hải cho biết những lô đất này chỉ vừa mới bán xong tuần trước (cũng với giấy tay kèm theo bản sao “giấy đỏ”), người mua nhờ chủ đất kêu luôn thợ cất nhà và “chạy” giùm quản lý đô thị xã với giá 12 triệu đồng/căn (?).

Dụ mua nhà cất trái phép

Một cựu “cò” đất ở huyện Củ Chi bật mí phần lớn “cò” đất ở đây thường kiêm luôn vai trò đầu nậu, họ mua đất ruộng rồi san lấp, phân lô bán nền. Các “cò” này đã cố gắng móc nối tạo nên mối quen biết “có trước có sau” với một số cán bộ xã và huyện để họ làm ngơ cho việc xây nhà trái phép.

Các thủ thuật xây nhà vào ban đêm, vào thứ Bảy, Chủ nhật hoặc cất nhà bằng cây lợp lá, rồi âm thầm xây bên trong để sau đó tháo dỡ bên ngoài thì lộ ra căn nhà tường... đều là những biện pháp đối phó do các cán bộ này hướng dẫn.

Vượt qua cầu An Hạ, bắt đầu vào địa bàn huyện Củ Chi, các “cò” và đầu nậu nơi đây làm ăn khá xôm tụ. Dọc theo hai bên quốc lộ, cứ cách khoảng 30 m đến 50 m là có bảng hiệu giới thiệu mua bán nhà, đất. Ghé vào điểm giới thiệu tại ngã ba hương lộ 2 và quốc lộ 22, thuộc ấp chợ, xã Tân Phú Trung, tôi được một “cò” đất giới thiệu một số lô đất nông nghiệp kèm theo lời hứa sẽ “lo” với quản lý đô thị cho cất nhà lá với số tiền từ ba đến năm triệu đồng.

Sau khi vào ở vài tháng cho có “tùng” thì xin sửa chữa nhà, rồi xây tường để ở (dĩ nhiên phải chi thêm tiền để lo lót). Chỉ cho tôi xem mấy căn nhà bằng cây lá bên kia đường, “cò” này cho biết cách đối phó trên đang rất phổ biến vì nó vừa... hiệu quả cao lại ít tốn kém, phù hợp với những người chưa có nhu cầu ở ngay.

Một số “cò” kiêm đầu nậu khi mua đất nông nghiệp xong, san lấp rồi phân lô bán, chừa lại vài nền cất nhà lên để chiêu dụ người mua. Khách đến mua đất thấy nhà - chứng tỏ có người ở càng tin tưởng hơn, vì thế đất càng dễ bán và được giá. Tại tổ 6, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, có một cụm dân cư do đầu nậu “tự quy hoạch” với hơn 10 căn nhà vừa mới quét vôi khang trang và vài căn đang xây dang dở.

Một “cò nữ” cho biết khu này chỉ còn một lô đất 4x10 m giá 120 triệu đồng và hai căn nhà giá từ 350 đến 400 triệu đồng/căn. Theo bà, hồ sơ mua bán sẽ ra xã ký nhưng hiện nay xã đang tạm ngưng để “chờ nhiều hồ sơ giải quyết luôn một lượt (?). Nếu không quyết định sớm thì người khác mua mất đó!”.

Đa số “cò” khi nghe hỏi có cất nhà được không đều khẳng định rằng: Nhà đã được “lo” trước, khi xây sẽ được cán bộ quản lý trật tự đô thị xã cho thời hạn xây dựng từ bảy đến 10 ngày, nếu quá thời gian trên thì phải “chi” thêm. Những nhà này khi xây xong thì được mặc nhiên tồn tại, sau đó muốn ra chủ quyền còn phải qua nhiều khâu “lót tay” tốn kém nữa.

Cò “salon” cũng chưa chắc!

Ngại cò “gốc cây”, ông V., giám đốc một công ty viễn thông lớn ở VN cũng suýt bị dính “chưởng” của một công ty môi giới. Được giới thiệu một căn nhà mặt tiền ở phường 26, quận Bình Thạnh vừa đẹp, giá cả phải chăng, ông vui vẻ nghe theo điều kiện bên môi giới đưa ra là ký hợp đồng có công chứng xong thì trả hết tiền.

Hợp đồng được ký rẹt rẹt nhưng sau đó, nhiều chuyện xảy ra khiến ông đâm nghi ngờ. Thì ra bên bán chỉ là người đứng tên trên sổ hồng giùm, còn chủ nhà là một người khác, không hề hay biết gì về việc mua bán này. Trước mặt các bên, bên bán phải thú nhận và cam kết trả tiền cho người chủ. Ông V. vẫn mua được căn nhà trên. Riêng công ty môi giới một phen xanh mặt do ông V. dọa “đưa ra tòa cả bọn vì thông đồng nhau”.

Theo Pháp luật TP.HCM