Top

Dự luật quy hoạch đô thị: Phải bàn nhiều

Cập nhật 19/03/2009 17:10

Theo kế hoạch, tháng 5-2009, Dự Luật Quy hoạch Đô thị sẽ được trình bày trước Quốc hội, phóng viên Báo Người Đô Thị phỏng vấn ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN.

* Thưa, trong góp ý về Dự luật Quy hoạch Đô thị, ông quan tâm tới vấn đề gì?

- Ông Trần Ngọc Hùng: Tôi nhận thấy trong dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị trình Quốc hội lần này không có chương “Quy hoạch, cải tạo và chỉnh trang đô thị”. Tôi cho rằng đây là chương cực kỳ quan trọng cần được đưa vào. Bởi như Hà Nội chẳng hạn, có vô số làng gần như phi nông nghiệp, nằm trong vùng lõi TP, hoặc “xôi đỗ, da báo” trên địa bàn hành chính các quận nội, ngoại thành tạm gọi là phường làng (Hoàng Văn Thụ - quận Hoàng Mai, Ngọc Hà - quận Ba Đình, làng Tương Mai - quận Hai Bà, Hào Nam - quận Đống Đa...) hay ngay sau những mặt phố lớn như Khâm Thiên...

Nói chung, đó là những khu dân cư chen chúc, xây dựng một cách vô tổ chức, ngõ ngách hẹp, ô tô cứu hỏa, cứu thương không thể vào được, cấp thoát nước lộn xộn, phức tạp... Tình trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn và nếu không trở thành đối tượng của một chương trong dự luật, thì dù sau này TP có muốn cải tạo thì sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, thậm chí là khó có thể làm được.

Đô thị VN có nhiều khu vực hình thành từ những điểm dân cư nông thôn – mang đặc điểm quần cư nông thôn, nên nếu quy hoạch không xét đến đặc điểm này, có lẽ chúng ta chỉ làm mỗi việc đặt tên xã thành... phường, làng thành... phố. Chúng ta chưa có một quy hoạch nào chỉnh trang đô thị cho bài bản. Thực tế ấy đã phát sinh ra hàng loạt phố phường làng, ngõ ngách chật hẹp.

Về phạm vi điều chỉnh của luật: ở chương 2 “Quy hoạch xây dựng” trong Luật Xây dựng có đề cập đến 3 loại quy hoạch: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Nếu chúng ta chỉ ra luật quy hoạch đô thị tách quy hoạch đô thị ra khỏi 2 quy hoạch còn lại thì vấn đề sẽ không được làm triệt để. Nên nhớ, khác với nhiều nước trên thế giới, VN là nước nông nghiệp nên nếu trong quy hoạch đô thị lại không nói đến quy hoạch điểm dân cư nông thôn đang nằm xen kẽ trong các khu đô thị cũ và mới thì sẽ mất tính đồng bộ. Và gây hậu quả trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị sau này.

* Thưa ông, tình trạng xây lấn chiếm đất công như vườn hoa, công viên... vẫn tiếp diễn, quy hoạch chỉnh trang đô thị sẽ góp phần giải quyết vấn đề này thế nào?

- Gốc rễ của vấn đề là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Đất đô thị ngày càng trở nên chật hẹp, quá tải luôn phải gánh chịu sức ép gia tăng dân số, tình trạng nhập cư ồ ạt... Nhưng thực tế ấy lại đòi hỏi các nhà quản lý đô thị cần bảo vệ và hoạch định các quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống môi trường sinh thái như vườn hoa, công viên, quảng trường... Thậm chí phải mở rộng diện tích công cộng vốn đã rất thấp theo tỉ lệ diện tích.

Đời sống người dân càng nâng cao, con người càng đòi hỏi được sinh sống trong một không gian với môi trường xanh, diện tích cây xanh rộng rãi. Đối mặt với thực trạng lấn chiếm đất công viên, vườn hoa, vấn đề mấu chốt vẫn là tầm nhìn của người cấp phép xây dựng. Người làm công việc ấy cần có một tầm nhìn lâu dài cho tương lai, hướng đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Thậm chí trong quy định của Luật Quy hoạch Đô thị cần phải đưa vào việc nguyên cấp quy hoạch cho xây dựng các công trình trên các diện tích công cộng này (trừ dự án phục vụ lợi ích công cộng tạo môi trường sống khu đô thị cũ tốt hơn).

Tác dụng của cây xanh

+ Làm không khí thanh khiết vì có khả năng hấp thụ khí CO2 và cung cấp O2.

+ Làm giảm nhiệt độ không khí từ 3-5 độ C do nhiệt độ của bề mặt lá thấp hơn nhiệt độ của không khí 1-2 độ nhờ lá bốc hơi nhanh.

+ Làm tăng đối lưu không khí, tạo luồng gió mát từ vùng cây xanh tới vùng công trình, một khu trồng cây có diện tích khoảng 30 ha có khả năng tạo gió cục bộ.

+ Có tác dụng cản bụi, làm sạch không khí. Một cây bóng mát to có khả năng giữ được 10 kg bụi. Trong mùa đông lạnh giá, nó có thể giảm tốc độ gió từ 20-60% và làm giảm tiếng ồn tới 26%.

Bảo vệ đất công cộng bằng Luật Quy hoạch Đô thị


Các nhà quản lý đô thị cần bảo vệ và hoạch định quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống môi trường sinh thái như vườn hoa, công viên, quảng trường... Phải mở rộng diện tích công cộng (cây xanh, vườn hoa, đường giao thông, điểm sinh hoạt, vui chơi) vì chúng phục vụ cho đời sống của số đông dân cư.

Luật Quy hoạch Đô thị cần phải nghiêm cấm xây dựng công trình trên các diện tích công cộng, trừ dự án phục vụ lợi ích công cộng tạo môi trường sống khu đô thị cũ tốt hơn.
 

 

Người Đô Thị