Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép trích từ nguồn vốn ngân sách, bước đầu khoảng 2.500 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án này, là tạo lập quỹ nhà ở để giải quyết nhu cầu bức xúc của các đối tượng có thu nhập thấp, những người khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tài chính để tự lo chỗ ở. Những lợi ích của đề án này đã rõ, nhưng vấn đề là quản lý như thế nào để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Cạnh tranh cao ốc, thờ ơ nhà ở xã hội
Thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Chính phủ, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xin triển khai một số dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Trước mắt, thực hiện một số dự án với khoảng 10.000 căn hộ tại TP Hà Nội và TP HCM trị giá 2.500 tỷ đồng. Như thế, vướng mắc lớn nhất trong vấn đề nhà ở xã hội từ trước tới nay là nguồn vốn đầu tư đã được khai thông, nhưng yêu cầu đặt ra là làm thế nào để có quỹ nhà ở xã hội chất lượng, tránh thương mại hóa nhằm đạt mục tiêu kích cầu, tạo thêm việc làm, đảm bảo an sinh xã hội... theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong điều kiện kinh tế đất nước gặp khó khăn.
Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách, biện pháp đảm bảo quỹ nhà ở xã hội của người dân. Nhưng thực tế chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân nhất là khu vực đô thị với tốc độ dân số tăng nhanh. Sau khi Luật Nhà ở ban hành, Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế Nhà nước và các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư nhà ở xã hội để cho đối tượng có thu nhập thấp thuê, thuê mua.
Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Xây dựng đánh giá việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở tất cả các địa phương không có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực này vì nhiều lý do, trong khi đó khu vực đầu tư nhà ở thương mại thì "đắt như tôm tươi" vì lợi nhuận lớn mà nó đem lại.
Hàng loạt các cao ốc mọc lên như nấm khiến mật độ dân cư dày đặc, gây bức xúc cho giao thông đô thị như cao ốc trên đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Cầu Giấy... Giá mỗi mét vuông chung cư cao cấp từ 18 đến 30 triệu đồng, vẫn đắt khách.
Tính chất cạnh tranh cao đến mức đã nảy sinh nhiều phức tạp xung quanh các dự án nhà ở thương mại ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... như báo chí đã lên tiếng. Chính vì thế, việc đề xuất xây dựng khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách trích trong quyết sách 1 tỷ USD của Chính phủ để ổn định nền kinh tế được người dân đồng tình.
Điều dư luận quan tâm chính là chất lượng, đối tượng được hưởng... của không ít các dự án nhà ở được đầu tư dưới nhiều hình thức để cho thuê trước đây đã đi lệch mục tiêu đặt ra, trong khi chủ đầu tư vẫn hưởng ưu đãi của Nhà nước nhất là thuế đất.
Điển hình như dự án Làng sinh viên. Mục tiêu đặt ra là tạo quỹ nhà ở lớn phục vụ hàng chục ngàn sinh viên có nhu cầu học tập tại Hà Nội thuê với giá rẻ, thành phố Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là ưu đãi thuế đất để đề án sớm hoàn thành. Nhưng khi xây dựng xong, những căn phòng đẹp đẽ trên hoặc là để trống do giá cho thuê quá cao khiến sinh viên muốn cũng không thể vào, hoặc là không có chỗ do chủ đầu tư đã cho nhà hàng, khách sạn và những đối tượng khác vào thuê hoạt động.
Theo lẽ phải, những gia đình nhường đất ở cho các dự án để đến chung cư đương nhiên là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tiên. Vậy mà trên thực tế, hầu hết các chung cư dành cho người dân tái định cư chất lượng đều rất kém. Có thể kể ra hàng loạt địa chỉ nhà trong tình trạng này, như khu tái định cư Nhân Chính, khu tái định cư Định Công, cầu Diễn...Vì sao vậy? Dễ hiểu vì mức giá/m2 loại nhà này thấp, nhà đầu tư xây dựng vì nghĩa vụ để lấy đất làm dự án nên không khai thác được lợi nhuận từ quỹ nhà này!
Một hình thức đầu tư khác đó là chuỗi dự án nhà cho thuê, thuê mua dọc đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Ý tưởng ban đầu rất tốt, nhằm khai thác triệt để giá trị đất đai, đáp ứng nhu cầu thuê chỗ ở của nhiều tầng lớp người có thu nhập khác nhau. Nhưng bàn đi tính lại, thiếu những cơ chế cụ thể để quản lý, hàng chục hécta "đất vàng" trên rốt cuộc vẫn để cỏ mọc rất lãng phí trong nhiều năm qua.
Cần cơ chế quản lý sau đầu tư, tránh thương mại hóa
Nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta phát động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng nhiều năm qua các địa phương, các doanh nghiệp không mặn mà, vì kinh phí đầu tư nhà quá lớn và dài hạn. Các nhà đầu tư muốn tham gia thì phải vay vốn với lãi suất cao, trong khi lợi nhuận thu được khi cho thuê, thuê mua hầu như không có, thời gian thu hồi lại quá dài...
Trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư nay đã được khai thông khi Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép trích từ nguồn vốn ngân sách, bước đầu khoảng 2.500 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án này, là tạo lập quỹ nhà ở để giải quyết nhu cầu bức xúc của các đối tượng có thu nhập thấp, những người khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tài chính để tự lo chỗ ở.
Việc sớm triển khai xây dựng quỹ nhà ở xã hội là biện pháp quan trọng và cần thiết để góp phần đảm bảo an sinh xã hội; thông qua phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, góp phần kích cầu đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cơ sở đặt ra, là nếu xây dựng 500.00 m2 nhà ở sẽ tiêu thụ khoảng 120.000 tấn xi măng, 30.000 tấn sắt thép và nhiều tỷ đồng vật liệu xây dựng khác. Qua đó, sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động.
Kết thúc dự án xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách, chúng ta sẽ hình thành quỹ tài sản nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Bộ Xây dựng sẽ đứng ra lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực và có uy tín đảm bảo thực hiện từ 4 đến 6 dự án ở cả 2 thành phố trên. Sau đó, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các địa phương.
Những lợi ích của đề án này đã rõ, nhưng vấn đề là quản lý như thế nào để đạt được các mục tiêu đặt ra. Riêng về đối tượng được hưởng quỹ nhà ở xã hội. Điều nhìn thấy, là không ít các dự án nhà ở (kể cả nhà ở thương mại) đã triển khai khắp địa bàn TP Hà Nội, TP HCM... nhưng rất ít người có nhu cầu thực mua được giá gốc, mà phần lớn đều phải qua cò mồi với mức chênh lệch từ một đến vài trăm triệu đồng/căn hộ.
Trong khi giữa các doanh nghiệp đang cạnh tranh quyết liệt giành đất dự án xây dựng nhà ở, nhất là các cao ốc ở những vị trí đắc địa thì cách đặt vấn đề lựa chọn, chỉ định các đơn vị có đủ năng lực làm dự án nhà ở này có khách quan và công bằng hay không?
Chúng ta đều biết, lĩnh vực đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách được coi là chiếc bánh ngon còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong quản lý dễ dẫn đến thất thoát. Thiết nghĩ, việc sử dụng đồng vốn ngân sách thông qua dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn này cũng cần phải có cơ chế quản lý cụ thể tránh những sơ hở từng thấy qua các dự án trước đó.
Chuyện bán nhà theo Nghị định 61/CP đã cho các địa phương nhiều bài học trong quản lý, đánh giá xếp loại nhà, áp mức giá...Vậy sẽ có thêm kinh nghiệm gì khi bây giờ, qua các dự án nhà ở xã hội sẽ tạo thêm quỹ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không lập lại các sai lầm trước đó trong quản lý?
Mô hình quản lý, thu phí ra sao sau khi đầu tư loại nhà này cũng chưa rõ. Trong khi đó, dư luận chưa hết băn khoăn về cách lựa chọn đối tượng được hưởng quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách này. Nhưng cao nhất, vẫn là chuyện điều hành dự án không được phép lệch mục tiêu lớn do Chính phủ đặt ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: