121 trường hợp nhà mỏng, nhà méo trên tuyến đường Kim Mã đã từng được Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở QH-KT) rà soát, lên danh sách và kiến nghị thu hồi nhưng do một số khó khăn, chủ yếu là vấn đề tài chính nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
10năm đã trôi qua, nay trở lại với vấn đề làm thế nào để xóa bỏ tình trạng nhà "siêu mỏng", nhiều giải pháp đã được tính đến nhưng xem ra chưa thuyết phục về tính khả thi.
Những tưởng chỉ có ở mấy quận nội thành cũ, nhưng không, tại các quận mới, thậm chí các huyện ngoại thành cũng phát sinh và tồn tại những nhà mỏng, nhà méo, dù số lượng không nhiều.
Mới đây, tại cuộc họp lấy ý kiến của các quận, huyện về Quy định tạm thời về quản lý kiến trúc các công trình xây dựng cải tạo, chỉnh hai bên tuyến đường mới mở do Sở QH-KT chủ trì, đại diện của quận Cầu Giấy và Long Biên cho biết, tại địa bàn mình đã tổ chức thu hồi được một số trường hợp đất mỏng, đất méo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng "kinh nghiệm" của hai quận mới trong việc thu hồi đất mỏng, đất méo không thể áp dụng được ở các quận nội thành cũ như Đống Đa, Ba Đình vì không có đất tái định cư, quỹ nhà tái định cư tại các quận này cũng quá eo hẹp.
Cùng với việc đưa ra quy trình thu hồi đất đối với những trường hợp "siêu mỏng", sử dụng những diện tích này sau thu hồi thế nào, đã có những ý kiến tỏ ra lo ngại về tính khả thi. Theo đề nghị của Sở QH-KT, tới đây quận Ba Đình sẽ tiến hành rà soát để có được tổng số trường hợp đất "siêu mỏng" trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng XD-ĐT quận Ba Đình, con số này phải lên đến vài trăm, vì chỉ riêng tuyến Kim Mã đã có tới 121 trường hợp. Khả năng, nếu tiến hành rà soát trên toàn TP, số nhà mỏng, nhà méo tại các tuyến phố chính sẽ lên đến hàng nghìn trường hợp. Điều này tạo ra sự lo ngại vì kinh phí sẽ rất lớn, lại phải lo nhà tái định cư và triển khai cũng không đơn giản. Thậm chí sẽ còn phức tạp hơn cả GPMB phục vụ các dự án giao thông.
Để xóa nhà "siêu mỏng", giải pháp trọn vẹn nhất là các hộ dân tự thỏa thuận hợp khối. Nhưng như các địa phương phản ánh, việc dân tự hợp khối có xảy ra nhưng không nhiều, chủ yếu do không thống nhất về giá. Tuy nhiên thực tế từ trước đến nay, chính quyền địa phương mới chỉ "khuyến khích hợp khối" mà chưa áp dụng nghiêm ngặt các chế tài đã có.
Dự thảo của Sở QH-KT cũng đưa vào một số biện pháp xử lý vi phạm. Các biện pháp này không mới mà đều đã được quy định tại các văn bản pháp lý có liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong đó, bên cạnh biện pháp quản lý chặt để người dân không xây dựng trên các diện đất mỏng, méo còn có các biện pháp xử lý đối với các công trình cố tình xây dựng trên đất không đủ điều kiện cấp phép xây dựng như: không cấp GCN quyền sửdụng đất và sở hữu nhà; chính quyền địa phương không chấp thuận cho mua bán, chuyển dịch sở hữu; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ.
Nếu các địa phương áp dụng đúng, đủ, nghiêm túc các chế tài thì có lẽ số nhà mỏng, nhà méo sẽ không nhiều như hiện nay và cũng không còn phát sinh trên các tuyến đường mới đang GPMB, triển khai xây dựng. Như vậy, số lượng nhà mỏng, nhà méo mà chính quyền phải ra tay thu hồi sẽ chỉ là một phần nhỏ, có chăng là những trường hợp không thể hợp khối do ngăn cách bởi lối đi chung hay trường hợp hộ bên trong không có nhu cầu hợp khối hoặc thấy chính quyền quản lý chặt mà tính chuyện "ép giá" với hộ bên ngoài.
>> Ô đất siêu mỏng, méo: Không bán được thì trồng hoa!
>> Nhà siêu mỏng: “Xới” lên mới thấy khó
>> Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng
>> Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào ?
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: