Top

Loay hoay với nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Cập nhật 20/05/2015 15:42

Ngày 19/5, Thường trực HĐND tiếp tục giám sát về công tác quản lý trật tự xây dựng và xử lý công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa.

Trong đó, Đoàn giám sát nhận định, việc xử lý những vi phạm tồn tại không phải là “điều bất khả thi” nếu tìm ra cách làm hợp lý.

Kinh nghiệm hợp thửa

Quận Cầu Giấy và Đống Đa đều được các đoàn giám sát đánh giá là làm khá tích cực và hiệu quả việc xử lý các công trình không đủ điều kiện xây dựng. Như Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhận xét, trong khi nhiều địa phương vẫn còn “lừng chừng” trong triển khai, quận Cầu Giấy đã tập trung thống nhất, toàn diện trong chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ. Những “cách làm hay” đã mang lại kết quả khá tốt trong xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

Đường Hoàng Cầu Mới có nguy cơ xuất hiện nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Ảnh: Thanh Hải

Theo thống kê của quận, năm 2014, sau khi GPMB tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, để hạn chế thấp nhất các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, quận đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, vận động người dân hợp thửa, hợp khối. Trong số 25 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, 11 trường hợp đã thỏa thuận hợp thửa, hợp khối xong (6 trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng); 12 trường hợp quận đã đề xuất thu hồi để xây dựng các công trình công cộng... Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà cho biết: Đây đều là các trường hợp không thể tự thỏa thuận được hoặc không thể hợp thửa hoặc đứng độc lập tại các vị trí đầu ngõ. Quận đang quản lý chặt chẽ để giữ nguyên hiện trạng.

Một trong những kinh nghiệm của quận trong xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” được Đoàn giám sát đánh giá cao đó là các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xem xét, cấp sổ đỏ cho hộ dân đã hợp thửa, tạo thuận lợi cho người dân  xây dựng, sửa chữa. Với những trường hợp sau nhiều lần vận động chưa đi đến thống nhất về giá, quận “thẳng thắn” thông tin là nếu thu hồi, sẽ chỉ được đền bù theo giá nhà nước là 16 triệu đồng/m2 thay vì 32 triệu đồng/m2 nếu mua bán theo thị trường.

Tại quận Đống Đa, trong số 60 công trình “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh từ đầu năm 2014 đến nay, quận đã giải quyết được 50 trường hợp. Với 10 trường hợp còn lại, lãnh đạo quận cho biết từ đầu năm 2014, TP đã giao Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất dự án sử dụng phần đất này để xử lý thu hồi theo quy định.

Không dễ giải quyết

Từ những khó khăn mà lãnh đạo các quận đưa ra cho thấy, tình trạng công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ nhiều năm trước vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tại quận Cầu Giấy, có 43 công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ trước năm 2011, hiện còn 9 trường hợp phải thực hiện thu hồi đất và vẫn đang triển khai.

Tại quận Đống Đa có 19 trường hợp tồn tại từ trước 15/3/2005 (trước khi có Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật xây dựng có hiệu lực) thuộc dự án đường Vành đai I, đường Cát Linh - La Thành, đường La Thành - Thái Hà - Láng, quận đã giao các phường làm chủ đầu tư lập dự án thu hồi để sử dụng vào mục đích công cộng. Nhưng kinh phí dự kiến bố trí ngân sách để thu hồi tới 7,5 tỷ đồng.

Quá trình giám sát, lãnh đạo một số phường khẳng định, việc GPMB các tuyến đường dù đã khó khăn, nhưng giải quyết “siêu mỏng, siêu méo” còn vất vả hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn từ đầu. Bởi các tuyến đường mới mở đều đi qua các khu dân cư làng xóm cũ nên hình thành nhiều thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó, các phương án sử dụng đất sau khi thu hồi các thửa “siêu mỏng, siêu méo” cũng không hiệu quả, vì bảng tin không phải chỗ nào cũng có, cây xanh thì trước của nhà dân, bán thì không phải ai cũng mua.... Đó là những bài toán không dễ giải. Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật nhận định: Mặc dù quận đã quyết tâm, nhưng đúng là vẫn ở tình trạng “mày mò” để giải quyết từng hợp cụ thể. Nếu cứ tình trạng này, mỗi một tuyến đường mở ra, quận, phường lại loay hoay với xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Thực tế tại quận Đống Đa, dự án đường Vành đai II dù chưa thu hồi đất, di chuyển hộ dân, nhưng căn cứ trên quy hoạch có thể thấy sẽ có 29 trường hợp không đủ điều kiện xây dựng. Quận đã lên phương án và triển khai quản lý, trong đó 25 trường hợp thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng.

Để giải quyết triệt để vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo”, các quận đều đề nghị, việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án để quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng theo quy hoạch khi GPMB mở đường. Đối với các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng nằm ngoài chỉ giới đường đỏ hai bên tuyến đường, phải chỉ đạo chủ đầu tư bố trí kinh phí và thực hiện GPMB, thu hồi đất cùng với GPMB sự án.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT