Top

Cấp phép xây dựng: Nhiều thủ tục không cần thiết

Cập nhật 19/09/2007 10:00

Qua kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng cho thấy Hà Nội là một trong những địa phương vi phạm nhiều nhất các qui định của Luật xây dựng và nghị định hướng dẫn thi hành. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nói:

- Tôi rất bất ngờ khi biết tại thủ đô, có nơi quản lý cả chỉ giới đường đỏ. Cái này chỉ là ranh giới vùng qui hoạch. Đã có bản đồ qui hoạch thì đương nhiên phải có  mép qui hoạch (chỉ giới đường đỏ - PV) nhưng lại bắt dân phải đi xin. Như thế rất vô lý, gây phiền hà để có thể tùy tiện đặt ra cái này, đặt ra cái kia.

Thưa ông, hiện trong cấp phép xây dựng có tình trạng cán bộ xây dựng muốn chỉ đạo thế nào cũng được?

- Với các doanh nghiệp, trước khi xin phép xây dựng, họ đã trình dự án tiền khả thi rồi dự án khả thi cho cơ quan quản lý xây dựng. Trong báo cáo khả thi, yếu tố diện tích, độ cao, số tầng đã có cả rồi. Giấy phép xây dựng (GPXD) chỉ để kiểm tra xem làm công trình có phù hợp với nhiệm vụ ban đầu đặt ra của chủ đầu tư không; các yêu cầu về môi trường, phòng cháy, cứu hỏa có đảm bảo không, độ chịu nhiệt của tường là bao nhiêu... Khi cấp phép chỉ là kiểm tra chứ không phải dạy chủ đầu tư phải làm thế nào.

Một điều không đúng nữa ở nước ta là do chỉ quan tâm đến cấp GPXD, xin phép cực khó, nhưng xong rồi thì rất ít người quan tâm có thực hiện đúng không. Nên có công trình khi xin phép nói vỉa hè 3m, nhưng xây xong vỉa hè chỉ còn 1m. Không ai nghiệm thu qui hoạch cả.

Qua báo cáo thanh tra của Bộ Xây dựng cho thấy nhiều thủ tục đã được phức tạp hóa lên đến mức không cần thiết?

- Có nhiều qui định như vậy, và không chỉ ở Hà Nội. Một ví dụ là chủ đầu tư thường bị yêu cầu bổ sung hồ sơ thiết kế cơ sở quá chi tiết như thiết kế đài cọc, thiết kế điện, giải pháp chống mối... Điều này trái với qui định về nội dung thẩm định thiết kế cơ sở nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải làm.

Do các qui định tại Luật phòng cháy chữa cháy không rõ công an tham gia thẩm định phòng cháy chữa cháy ở giai đoạn nào nên thực tế chủ đầu tư phải xin thẩm định từ khâu lập dự án đến thiết kế, thi công, đưa vào sử dụng rất phức tạp và không cần thiết.

Sự phức tạp này thường liên quan đến yếu tố "xin cho" dễ dẫn đến tiêu cực?

- Theo tôi, tham nhũng trong cấp GPXD có hai cấp độ. Loại thứ nhất là đòi hối lộ thẳng thừng. Đã có người nói với tôi rằng để xây được cái nhà ở địa điểm ấy, với chín tầng thôi, chủ đầu tư phải chi đến cả tỉ đồng mới xong việc. Loại thứ hai là "bôi trơn". Khi xin phép, họ nói: "Khu này không được xây quá năm tầng, anh xin 12 tầng à? Để chúng tôi nghiên cứu". Họ không từ chối, nhưng cứ "tay bo" xin thì không bao giờ được. Tham nhũng bây giờ vừa tinh vi lại vừa lộ liễu trước mắt người dân. Việc "bôi trơn" rất phổ biến, nhiều nơi phải "bôi trơn" từ cô văn thư trở đi. Nhưng anh tham nhũng này rất không muốn có văn bản pháp qui về cấp phép xây dựng rõ ràng rành mạch. Nên hiện tại có nhiều thủ tục trong cấp GPXD không cần thiết.

Theo ông, có phải ngay tư duy quản lý xây dựng cũng phải thay đổi vì nó chưa xuất phát từ quyền xây dựng của người dân?



Ông Phạm Sĩ Liêm

  - Tại các nước người ta công khai qui hoạch, anh lên xem nếu công trình của mình không vi phạm thì đi xin phép. Đến cơ quan cấp phép, cán bộ chỉ việc giở bản đồ qui hoạch ra, thấy đúng là kiểu này được xây thì tiến hành thẩm tra hồ sơ. Trên bản vẽ thiết kế đã có đủ các thông số về chiều cao, phòng cháy, kiến trúc... Nếu chỗ nào chưa thông, cán bộ phải tự liên hệ với các cơ quan khác để xem chỗ ấy được chưa. Xong việc là đóng dấu. Tại sao các nước họ thông thoáng mà kiến trúc của họ vẫn đẹp. Dân ta khổ vì GPXD nhưng kiến trúc lại lô nhô như chẳng có qui hoạch nào cả. Vừa khó cho dân vừa không đẹp thì qui hoạch để làm gì. Phải đặt yêu cầu qui hoạch đẹp trước, chứ chỉ bắt người dân mấy tầng là không ổn.

Các văn bản quản lý xây dựng hiện nay có thể thấy mới đề cao nhu cầu quản lý của nhà nước mà chưa thật trân trọng quyền được xây dựng của người dân.

Vậy có cách nào để GPXD không còn là nỗi khổ của dân nhưng Nhà nước vẫn quản lý được?

- Đầu tiên phải công khai qui hoạch. Cái tôi rất tiếc là công khai qui hoạch ở ta lại chỉ là treo cái bản đồ trong văn phòng một vài cơ quan. Một cái qui hoạch hàng tỉ đồng, vậy mà xong rồi sao không in được lấy nghìn bản? Cái công khai ấy không chỉ giúp người dân bớt đi lại mà còn khiến người làm qui hoạch phải chịu trách nhiệm cao hơn. Nếu không, chỉ mấy người ngồi gật gù với nhau, qui hoạch nào cũng tốt, cuối cùng qui hoạch chất lượng thế nào không ai biết, rồi điều chỉnh đi điều chỉnh lại rất tốn kém.

Giải quyết thế nào để Nhà nước vẫn quản lý được mà dân không khổ? Câu trả lời rất đơn giản. Cấp GPXD phải một cửa. Hiện cái khổ nhất là chưa một cửa. Muốn làm cống thì nơi cấp phép bảo đi hỏi ông thoát nước, muốn làm trụ sở thì phải đi hỏi ông phòng cháy, hỏi điện, hỏi nước, hỏi cơ quan văn hóa, thậm chí phải hỏi Bộ Quốc phòng. Như vậy chức năng của anh cấp phép là gì? Anh cứ ngồi một chỗ, đợi tất cả các nơi đóng dấu vào rồi anh mới đóng dấu, vậy thì người mù chữ cũng có thể làm cấp phép xây dựng được.


Theo Tuổi Trẻ