Top

Nhà đất Hà Nội đứng giá

Cập nhật 05/03/2008 14:00

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường Hà Nội ít bị tác động hơn TP HCM trước các thông tin về thuế lũy tiến và thắt chặt tín dụng. Hai tuần qua, giá giữ ổn định, lượng giao dịch cũng chững lại.

Khác với dự đoán của nhiều người, không có các đợt bung hàng, tháo chạy của người đầu cơ trước thông tin về các giải pháp "hạ nhiệt" cơn sốt bất động sản. Người mua thận trọng hơn, nhất là người đầu cơ. Trong khoảng 2 tuần gần đây, các giao dịch thành công có xu hướng giảm nhẹ. Người bán chần chừ không muốn bán vì sợ có thể giá sẽ tăng thêm. Người mua lại kỳ vọng giá còn xuống, chần chừ không muốn mua.

Một căn hộ trên tầng 12, nhà 18 T1 khu Trung Hòa - Nhân Chính có giá 30 triệu đồng một m2. Cũng tại khu vực này, tòa nhà 34T, một căn hộ trên tầng 28 có giá giao dịch thành công 32 triệu đồng một m2. Lượng rao bán ít hơn nhưng tại khu Ciputra, The Manor, The Garden giá cả cũng không có biến động. Một căn hộ khu G3, tầng 8 tại khu Ciputra là 2.015 USD một m2.

Tuy nhiên cũng có một vài người trông chờ vào một đợt tăng giá mới. Theo một khách hàng của Công ty bất động sản B.D.S, khi mới có thông tin về việc đánh thuế lũy tiến và thắt chặt tín dụng, chị đã rao bán một căn hộ ở khu The Garden với giá 2.350 USD một m2. Nhưng ngay sau tuyên bố của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, vẫn khuyến khích cho vay đầu tư bất động sản, có người đã trả giá căn hộ này đến 2.450 USD một m2, chị vẫn cân nhắc chưa bán.

Trong khi nhà đất Hà Nội đứng giá, Hà Tây vẫn là điểm tìm đến của nhiều nhà đầu tư. Giá tăng nhẹ so với trước Tết, khoảng 1-2 triệu một m2 ở hầu hết các phân khúc, nhà chung cư, đất liền kề, biệt thự, nhưng lượng người mua vẫn tăng. Đây được đánh giá là khu "đất vàng" trong tương lai. Giá cả hiện nay lại tương đối mềm so với các khu vực nóng của Hà Nội nên được coi là "điểm nóng" mới. 

Ông Lê Xuân Trường, chuyên viên tư vấn Công ty bất động sản B.D.S. cho biết, lượng người rao bán không giảm và cũng không có biểu hiện tăng đột biến. Thị trường Hà Nội phản ứng không mạnh mẽ trước những động thái mới đây của Chính phủ.

Tại TP HCM, lượng người mua để đầu tư nhiều hơn Hà Nội, nhà đầu tư chạy đua, tạo nên mức cầu ảo lớn. Trong khi tại Hà Nội, lượng người mua để ở có tỷ lệ cao hơn. Những người này ít chịu tác động của chính sách đánh thuế lũy tiến và thắt chặt tín dụng.

Một lý do nữa là nguồn cung của Hà Nội thấp hơn so với TP HCM, nếu không kể khu vực mới nổi lên Hà Tây. "Nếu có hai bong bóng ở thị trường bất động sản Hà Nội và TP HCM, thì quả bóng của TP HCM phồng lớn hơn nên "xì" mạnh hơn", ông Trường nói.

Ông Trường nhận định, nếu thắt chặt tín dụng thì sẽ ảnh hưởng đến chủ đầu tư là chính. Trong 100 chủ đầu tư thì có đến 90 "ông" phải đi vay vốn ngân hàng. Nguồn cung hiện nay đã hạn hẹp, nếu thắt chặt tín dụng thì nguồn cung còn hạn hẹp hơn.

Trong khi nhóm đầu cơ và người mua nhà để ở lại không chịu tác động nhiều của chính sách này. Ở Hà Nội hiện nay, những người đầu cơ và người mua nhà để ở chủ yếu dựa vào vốn nhàn rỗi của họ, không mấy người đi vay ngân hàng để đầu cơ đất đai.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Trưởng đại diện văn phòng địa ốc ACB miền Bắc, tỷ lệ người mua nhà để ở tại Hà Nội khá cao. Họ mua vì nhu cầu thực sự chứ không phải vì mục đích kiếm lời, sự biến động về giá cả không tác động nhiều đến họ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nhà đất Việt Nam sẽ ngày càng chuyên nghiệp và đi vào ổn định hơn. Sẽ ít có những đợt sốt giá, tranh mua, cũng như không có hiện tượng "đóng băng" dài hạn. Việc quan trọng bây giờ là làm sao để nguồn cung tăng ổn định.

Theo Đô Thị