Top

KTS Nguyễn Trực Luyện góp ý mẫu Nhà Quốc hội mới

Cập nhật 05/03/2008 11:00

 "Xem phương án vừa chỉnh sửa thì ba nhược điểm lớn trước đây vẫn đang còn đó, có nhược điểm còn trở nên trầm trọng hơn"- KTS Nguyễn Trực Luyện.

Sau khi trưng bày mẫu Nhà Quốc hội lấy ý kiến đóng góp xây dựng của người dân và giới chuyên môn, những ý kiến này đã được đúc rút thành 3 vấn đề chính cần hiệu chỉnh rồi chuyển đến nhóm kiến trúc sư thiết kế mẫu đoạt giải A để họ chỉnh sửa lại. Sau khi chỉnh sửa, các nhà khoa học đầu ngành được mời đến xem xét kỹ, tiếp tục đóng góp ý kiến để bản thiết kế công trình mang tính biểu tượng quốc gia này trở nên hoàn hảo.

KTS Nguyễn Trực Luyện là một trong những nhà khoa học như vậy và ông đã lên tiếng góp ý. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến này với độc giả:

Một công trình kiến trúc tầm cỡ quốc gia phải đảm bảo hai yếu tố: hình thái - ngôn ngữ kiến trúc và sự hài hòa trong tổng thể không gian.

Phương án thiết kế Nhà Quốc hội (NQH) đạt giải A trong cuộc thi tuyển lần trước tuy là phương án khá nhất, nhưng vẫn có ba nhược điểm lớn về cả hai yếu tố trên: Kiến trúc thiếu sự trang trọng, bề thế và không gây xúc cảm. Thiếu vắng hoàn toàn yếu tố dân tộc, mà về tính hiện đại cũng chưa nổi rõ. Về quy mô thì công trình quá lớn, bị đẩy ra sát chỉ giới đất, không có độ lùi cần thiết nên không hài hòa trong tổng thể kiến trúc quảng trường Ba Đình.

Nay xem phương án chỉnh sửa thì ba nhược điểm lớn kia vẫn đang còn đó, có nhược điểm còn trở nên trầm trọng hơn.

Thứ nhất, kiến trúc không trang trọng thêm, vẫn vô cảm, không đáp ứng được mong muốn đối với công trình mang tầm quốc gia, mang tính đại diện. Ngôn ngữ kiến trúc chỉ như ở công trình công cộng thông thường, tuy là có to lớn.

Chưa kể về hình khối và xử lý kiến trúc còn xấu hơn trước. Bốn góc trước đây để khuyết nên nhìn công trình nhẹ nhõm, giờ lại lấp đặc kín, làm biến mất những "đầu hồi" nên trông chỉ như mặt nhà phẳng thông thường, khiến hình khối kiến trúc vừa cứng vừa tầm thường.

Thứ hai, việc đưa những yếu tố kiến trúc dân tộc (cổng tam quan, cửa gỗ thượng song hạ bản) là rất gượng ép và thô thiển. Nhóm tác giả có giới thiệu kiến trúc nhà quốc hội mang biểu tượng bông hoa sen, nhưng theo tôi, không ai có điều kiện để có thể nhận ra điều này, mà dễ liên tưởng nhất ấy là hình ảnh cái bếp dầu quen thuộc với người Việt Nam trong thời bao cấp.

Tôi thật sự băn khoăn khi nghe tác giả nói: Xin hãy chỉ cho chúng tôi một công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng của VN để chúng tôi đưa vào đồ án. Suy nghĩ đó là bế tắc, hời hợt, ít hứa hẹn. KTS nổi tiếng của Nhật Bản và thế giới Kenzo Tanghe đã nói đại ý "Hãy quên đi truyền thống, đâp nát nó đi, biến truyền thống vào máu thịt mình mà sáng tác". Nhật Bản là một trong những nước đã rất thành công trong khai thác đặc thù văn hóa dân tộc vào kiến trúc hiện đại. Ta nên và cần học hỏi họ.

Thứ ba, về quy mô của NQH. ở phương án sửa chữa, tác giả đã cố gắng thu nhỏ được từ 108m xuống còn 102m, nhưng 6m so với 100m hoàn toàn không có ý nghĩa. Tòa nhà có đẩy lùi vào được hơn 10m thì cũng vẫn là công trình không có độ lùi cần phải có.

Chưa kể để có độ lùi ấy, công trình đã phải lấn tới 11m vào khu di tich trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được xếp hạng di tích quốc gia, và đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới. Khu di tích ấy là di tích khảo cổ học, sẽ không thể có những công trình kiến trúc bề thế, nên lẽ ra phải có không gian chuyển tiếp để tách di tích ra khỏi nhịp sống đời thường, tạo cho người tham quan kịp điều chỉnh cảm xúc để có nhận thức. Giờ ta xây NQH to lớn sát bên cạnh thì di tích sẽ chẳng khác gì là sân sau của NQH.



Mẫu Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới dự thi lần đầu tiên.


Nhược điểm thứ ba này khiến giới kiến trúc băn khoăn nhiều. Chính tác giả tại buổi làm việc cũng thừa nhận nên thu nhỏ lại và bớt đi một tầng. Xem ra, quy mô chúng ta đòi hỏi cho công trình này quá lớn so với miếng đất dành cho nó.

Chưa kể, việc xây tòa nhà này tại đây, nếu không được cân nhắc tinh tường và thận trọng, sẽ kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nặng nề tới tổng thể kiến trúc của cả quảng trường.

Quảng trường Ba Đình với đặc thù là quảng trường mở, các công trình dù được hình thành qua nhiều giai đoạn nhưng với quy mô vừa phải, xen lẫn trong cây xanh, lại có độ lùi lớn. Quảng trường mang tỷ lệ giữa công trình và không gian rất đặc trưng của Hà Nội. Quần thể không gian ấy lấy Lăng Bác làm công trình chủ thể, nằm chính giữa và là trung tâm của bố cục. Nhiều năm qua chúng ta đã rất tôn trọng điều này và thận trọng khi xây dưng thêm công trình mới.

Khi làm bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình có quy mô lớn, với diện tích trưng bày trên 6000 m2, dù nằm sâu phía sau nhưng đã phải rất cân nhắc để không phá hỏng không gian, lấn át lăng Bác. Giải pháp được chọn cuối cùng vừa đẩy lui sâu, vừa xoay một góc 45 độ để giữ được tổng thể không gian đặc trưng của quảng trường.

Công trình sau đó là Đài liệt sĩ. Đã có một cuộc thi tuyển thiết kế và phương án đoạt giải nhất với kiến trúc vươn cao mang hình tượng ba ngọn súng. Nếu đặt nó vào đây sẽ làm hỏng tổng thể. Vì thế giới KTS đã đề nghị chọn phương án chỉ đạt giải II theo kiểu đền thờ truyền thống, hình khối nhỏ nhắn nên cùng tỷ lệ và tôn trọng được lăng Bác.

Có thể nói, nhiều năm qua chúng ta có cố gắng lớn để hoàn chỉnh quảng trường Ba Đình không còn bị lệch về phía Bắc. Nhưng giờ lại chất thêm NQH với quy mô lớn vào đây sẽ làm hỏng bố cục cả không gian này.

Như vậy, ba nhược điểm lớn của phương án vẫn không được giải quyết, dù nhóm thiết kế là một tổ chức tư vấn có uy tín quốc tế đã cố gắng hoàn chỉnh phương án của mình. Với những nhược điểm lớn cả về kiến trúc lẫn quy hoạch như thế, không thể coi phương án này là được chấp nhận để đi vào làm thiết kế xây dựng được.

Từ thực tế cuộc thi và quá trình nâng cấp phương án kiến trúc không mấy thành công, phải mạnh dạn và thẳng thắn nhìn nhận là do mâu thuẫn khó giải quyết giữa quy mô công trình và vị trí xây dựng. Nếu quyết chọn vị trí này thì chỉ còn cách giảm mạnh về quy mô công trình, chỉ còn phòng họp quốc hội, một vài phòng tiếp khách và phòng làm việc của lãnh đạo Quốc hộị. Tất cả các bộ phận khác phải chuyển ra các công trình xung quanh. Nghĩa là, quy mô chỉ lớn hơn một chút so với Hội trường Ba Đình đang bị phá dỡ.

Từ đây nhìn rộng ra thì những việc đã làm vừa qua chính là những thông tin thực tiễn và xác đáng để ta suy tính và cân nhắc các quyết định đã có trước đây.

Theo VietNamNet