Top

Mễ Cốc - Ốc đảo giữa thành phố

Cập nhật 31/08/2009 09:10

"Lô cốt" bao vây, người dân Mễ Cốc phải bắc cầu... khỉ để đi lại.

Nỗi khốn khổ sống chung với triều cường hàng chục năm qua chưa được giải quyết, nay người dân Mễ Cốc (P.15, Q.8, TPHCM) lại đối mặt với cảnh bị "lô cốt" vây quanh, như một ốc đảo cô lập với bên ngoài.

Xe chữa cháy, cứu thương, taxi... "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người dân luôn phập phồng lo sợ khi chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ, ốm đau đột xuất. Khổ hơn cả, mỗi khi có đám tang, người dân phải hì hục vác quan tài người chết lội bộ cả cây số hoặc thuê đò chở sang bên kia sông...

Hàng nghìn hộ dân bị "lô cốt" cô lập

Nhìn trên bản đồ TPHCM, khu Mễ Cốc có hình hài trông giống như một con dao. Phần sống dao (đường Bến Mễ Cốc) giáp với kênh Lò Gốm, lưỡi dao (đường Lưu Hữu Phước) tiếp giáp với kênh Đôi, mũi dao tiếp giáp cả kênh Đôi lẫn Lò Gốm, còn phần chui giáp với cầu Kênh Ngang số 3.

Lâu nay, người dân thành phố biết đến Mễ Cốc như là một vùng trũng, quanh năm suốt tháng thường xuyên ngập lụt. Hiện, thành phố đang triển khai thi công gói thầu thầu B Cải tạo thoát nước bằng bơm tại khu Mễ Cốc thuộc Dự án Vệ sinh môi trường nước thành phố, với mục tiêu giải quyết hết tình trạng ngập lụt nơi đây dự kiến vào cuối năm 2009. Hiệu quả xoá ngập đâu chưa thấy, chỉ biết rằng, việc đào xới, dựng "lô cốt" - rào chắn - đang làm cuộc sống người dân thêm khốn khổ gấp bội lần.
 

Đường độc đạo vào Mễ Cốc biến thành hố sâu trước cửa nhà dân, hết sức nguy hiểm.


Muốn vào khu Mễ Cốc (rộng gần hơn 60ha, với hàng nghìn hộ dân sinh sống) bằng đường bộ không có lối nào khác ngoài hai con đường độc đạo: Bến Mễ Cốc và đường Lưu Hữu Phước. Song suốt nhiều tháng qua, việc đi lại trên hai tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Hàng rào "lô cốt" kéo dài vài cây số chiếm dụng gần như toàn bộ diện tích mặt đường trên suốt tuyến. Người dân đi xe gắn máy 2 bánh phải tự tìm cách len lỏi trên phần lề còn sót lại (rộng chừng nửa mét) nhầy nhụa sình, nước ngập hoặc chui vào những ngõ hẻm khu dân cư chỉ đủ rộng cho 1 xe gắn máy lưu thông, nhằm tìm lối thoát.

Không giấu được nỗi bức xúc, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ 371 Bến Mễ Cốc), dẫn PV đi quan sát dãy "lô cốt" chắn trước khoảng một chục ngôi nhà, bức xúc phản ánh: "Mấy ổng dựng rào chắn kiểu này, bít hết lối ra vào nhà dân, làm sao đi lại. Đi bộ còn khó huống hồ gì đi xe gắn máy, ôtô. Người dân nhiều lần đề nghị, nhưng chẳng thấy họ dẹp gọn, chừa lối đi cho dân".

Để giải quyết nhu cầu qua lại giữa hàng xóm với nhau, chồng của chị Nguyễn Thị Thanh Hà (379B Bến Mễ Cốc) phải đi góp nhặt từng cây cừ tràm, tấm ván, lót thành lối đi tạm. Nhìn cảnh người dân lắc lư trên những cây gỗ trơn trượt giữa một thành phố văn minh hiện đại nhất nước mà không khỏi xấu hổ.
 

Trong khi dân bức xúc không có đường đi lại, thì bên trong "lô cốt" không một bóng công nhân làm việc.


"Ở vùng quê các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bây giờ người ta đã thay thế gần hết những cây cầu khỉ bằng cầu bêtông, trong khi mình ở TPHCM việc đi lại vẫn như vầy, đúng là còn tệ hơn ở quê. Những tháng nay, người dân sinh sống ở Mễ Cốc chỉ ao ước sao có thêm một con đường khác để thoát thân" - chị Nguyễn Thị Thanh Hà thở dài ngao ngán.

Với cảnh ngập lụt do triều cường trước đây, dù sao xe ôtô vẫn có thể lưu thông vào khu Mễ Cốc, trong khi hiện nay, tất cả các xe ôtô đều "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Những xe taxi chở khách, xe ôtô tải nhỏ chở hàng hoá cố gắng lắm cũng chỉ bò đến khu vực cầu Kênh Ngang số 3, sau đó đành phải lựa chọn giải pháp trung chuyển người dân, hàng hoá bằng xe gắn máy vào khu Mễ Cốc.

Ông Trần Văn Kính (một cựu chiến binh, ngụ 237/1 Bến Mễ Cốc) cho biết: "Từ khi "lô cốt" mọc lên như nấm, người dân ở đây ăn ngủ không yên vì lo sợ xảy ra cháy nổ hay có người nhà ốm đau nặng đột xuất. Nếu chẳng may có xảy ra chuyện thì không biết phải làm sao, vì xe chữa cháy, cứu thương không thể vào tận nơi".

Thời gian qua, người dân Mễ Cốc đã chứng kiến không ít sự khốn khổ của một số gia đình có người thân qua đời trong lúc đường sá bị "lô cốt" cô lập với bên ngoài. Ông Trần Văn Kính nghẹn ngào nhớ lại đám tang của một người bạn già (tên Kh) cách đây chưa đầy một tháng:
 

Lối đi tạm bợ khi "lô cốt" chiếm hết mặt đường.


"Cả khu Mễ cốc chỉ có 2 tuyến đường độc đạo nối với bên ngoài, song đều bị "lô cốt" chiếm dụng nên không xe ôtô nào vào đến tận nơi để đưa linh cữu ông Kh đi an táng. Người dân trong xóm đành phải xắn quần, đi chân đất thay phiên nhau khuân vác quan tài ông Kh, chật vật lội bộ qua đoạn đường rào chắn dài gần 2 cây số, mới đến cầu Kênh Ngang số 3 - nơi xe tang đậu sẵn. Ở TPHCM mà vẫn còn chịu cảnh này thật không thể tin nổi".

Trường hợp như đám tang của ông Kh không phải là duy nhất, một số trường hợp đám tang khác thì được khiêng bộ đến bờ sông rồi thuê đò hoặc người dân tiếp tục hì hục khuân vác quan tài qua cầu Rạch Cát (cầu tạm), để sang bên kia sông mới có đường đủ rộng cho xe tang lưu thông.

Mặc cho người dân không có đường đi!

Trong khi đường sá gần như bị bít hết lối, người dân bị cô lập, thì bên trong các "lô cốt" việc thi công lắp đặt các công trình thoát nước, trạm bơm của Dự án Vệ sinh môi trường nước thành phố tại khu vực Mễ Cốc vẫn diễn ra một cách nhởn nhơ, với lèo tèo công nhân làm việc. Dọc suốt 2 tuyến đường Bến Mễ Cốc và Lưu Hữu Phước, nhiều đoạn "lô cốt" được dựng lên rồi bỏ trống, không bóng dáng của công nhân làm việc.

Chủ căn hộ 371B Bến Mễ Cốc chỉ tay về phía rào chắn nằm im lìm trước cửa nhà, phản ánh: "Rào chắn được dựng lên cách đây khoảng 3 tháng, nhưng chỉ thấy công nhân đào xới được vài ba hôm, rồi bỏ ngổn ngang cho đến hôm nay. Công trình không làm gì mà vẫn cứ nằm chình ình ra đó, mặc cho người dân không có lối đi lại".
 

Lối đi tạm bợ khi "lô cốt" chiếm hết mặt đường.


Không ít đoạn rào chắn, mỗi đoạn dài vài chục mét bỏ hoang nên người dân chiếm dụng làm nơi để phế liệu, ve chai trông rất nhếch nhác. Một số đoạn khác, đơn vị thi công đào xới tung lên thành những cái hố sâu trước nhà dân để trống huơ trống hoác, không rào chắn, rất nguy hiểm cho trẻ con.

"Dân bức xúc vì không có lối đi, còn công trình trọng điểm gì mà thấy công nhân chủ yếu ngồi chơi, uống nước trà tán chuyện, thi thoảng mới ra đẩy vài xe cát, xới vài xẻng đất. Thi công cà tịch cà tang như vậy biết đến năm nào mới xong" - ông Lê Phấn Đấu (Ban điều hành khu phố 8, P.15, Q.8), nói như trút giận.

Theo ông Lê Phấn Đấu, việc tổ chức rào chắn thi công như hiện nay thiếu khoa học, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Lẽ ra, Sở GTVT chỉ nên cấp phép cho nhà thầu rào chắn một đường, chừa đường còn lại cho dân đi, sau khi làm xong sẽ rào đường kia. Dù Sở GTVT biết rõ chỉ có 2 con đường chính dẫn vào khu Mễ Cốc, nhưng không hiểu sao lại cấp phép cho các đơn vị dựng "lô cốt", rào chắn hết cả 2 đường.

Dù người dân Mễ Cốc đã làm đơn gửi chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đề nghị nhà thầu trải tạm đá ở phần lề đường còn sót lại bên ngoài rào chắn, đồng thời tháo dỡ đối với những đoạn rào chắn dựng lên chưa thi công để người dân đi lại thuận tiện, nhưng nhiều tháng nay vẫn không thấy họ thực hiện.

Theo Ban QLDA đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM, việc triển khai dựng rào chắn thi công cả 2 tuyến đường (Bến Mễ Cốc và đường Lưu Hữu Phước), nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu cũng như dự án. Nhưng trên thực tế thi công lắp đặt cống thoát nước 800 - 1.500mm, công trình đã vướng phải nhiều công trình ngầm (điện thắp sáng, viễn thông), hơn nữa diện tích mặt đường chật hẹp nên việc tổ chức phân luồng giao thông khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

"Những đoạn "lô cốt" dựng lên vẫn nằm im lìm suốt mấy tháng nay; thật ra, chúng tôi đã ký hợp đồng với một số đơn vị để di dời công trình ngầm. Hiện, chúng tôi đang đôn đốc họ sớm thực hiện di dời, để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành lắp đặt cống, trả mặt bằng thông thoáng cho người dân" - ông Lương Minh Phúc - Phó GĐ Ban QLDA đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước - giải thích.

Ông Phúc cũng hứa, sẽ làm việc với các đơn vị liên quan tổng rà soát lại toàn bộ tiến độ thi công tại khu vực Mễ Cốc và tạo ra một trục đường tạm tránh cho người dân đi lại thuận tiện cũng như dự phòng cho xe chữa cháy, cứu thương có thể vào khu Mễ Cốc khi chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động