Cầu Quảng Hải đã nối liền đôi bờ sông Gianh, niềm mơ ước của hàng ngàn người dân đã thành hiện thực. Ảnh: Nguyên Linh. |
Những người dân vùng quê nghèo từng chịu nỗi đau mất người thân bên bờ sông Gianh dịp Tết Kỷ Sửu sẽ hết nỗi lo qua sông sợ đắm đò...
Sau năm năm thi công, 8 giờ sáng ngày 29-8, hệ thống cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh được thông cầu kỹ thuật. Niềm mơ ước ngàn đời của người dân chín xã phía nam huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã thành hiện thực. Dự kiến nửa tháng sau, lễ khánh thành cầu sẽ được tổ chức.
Thi công ba ca để sớm thông cầu
Có mặt trên công trường trưa 28-8, chúng tôi tận mắt chứng kiến cây cầu vươn dài nối hai bờ sông Gianh thuộc địa phận xã Quảng Hải, Quảng Thanh đã cơ bản hoàn thành. Dưới cái nắng như đổ lửa giữa trưa hè miền Trung nắng cháy, các công nhân vẫn miệt mài làm việc để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.
Anh Phan Văn Niêm, chỉ huy trưởng công trình cầu Quảng Hải (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại miền Trung), cho biết: “Đến nay, công trình đã hoàn thiện đến 99,9% khối lượng công việc, chỉ còn lại vài công đoạn nhỏ như tô màu, trang trí mỹ thuật nữa là khánh thành. Để hoàn thành đúng tiến độ, công ty đã phải huy động tối đa nhân lực, mỗi ngày có đến 150 công nhân làm việc ba ca, bất kể nắng mưa, mỗi công nhân làm việc liên tục từ 14 đến 16 giờ mới được nghỉ”.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết dự toán cầu Quảng Hải cách đây năm năm chỉ có 82 tỷ đồng, nay đã lên 174 tỷ đồng. “Trong phòng làm việc của tôi, sơ đồ cầu Quảng Hải được treo ở vị trí tâm điểm, tiến độ được tôi đánh dấu từng ngày. Bằng mọi giá phải thông cầu trước mùa mưa bão, đã hứa với dân thì phải thực hiện” - ông Long tâm sự.
Không còn nỗi lo qua sông lụy đò
Sáng nay, cầu Quảng Hải mới làm lễ thông cầu kỹ thuật nhưng xã Quảng Hải đã đề nghị ban quản lý cầu cho phép người dân được đi qua cầu để đến dự phiên tòa lưu động ở xã Quảng Phong. Bà Cao Thị Háo (75 tuổi) có người thân mất trong vụ chìm đò rưng rưng: “Sáng ni mệ được đi qua cầu Quảng Hải. Thấy cầu đẹp và rất hiện đại, trong người phấn khởi, sung sướng lắm. Từ nay không phải lo âu mỗi khi qua đò nữa”.
Ông Cao Xuân Cử lại có lý do khác để vui mừng. Ông hiện ở thị trấn Ba Đồn nhưng quê cha đất tổ ở vùng ốc đảo Quảng Hải. Nhìn chiếc cầu vắt ngang sông Gianh, giọng ông vui vẻ: “Có cây cầu bắc ngang sông Gianh là mong ước ngàn đời của của người dân chín xã phía nam huyện Quảng Trạch, nhất là người dân ốc đảo Quảng Hải. Trước đây, mỗi lần muốn về thăm mẹ cha tôi phải qua đò khó khăn, ngồi trên đò mà lòng thấp thỏm lo sợ. Những ngày Tết mà trời mưa gió, muốn về quê thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên cũng đành bất lực nhìn con sóng dữ...”
Ông Cao Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, cũng không giấu được niềm vui sướng: “Bữa ni dân muốn đi lúc mô cũng được, cấp cứu người bệnh cũng nhanh, học sinh cũng dễ dàng đến trường”.
Ông Cao Ngọc Xin cứ lặng lẽ đi bên hành lang cây cầu Quảng Hải, mắt đăm chiêu hướng về phía bến đò nơi 42 người thiệt mạng. Vợ ông mất trong vụ chìm đò ngày ấy. Ông thủ thỉ: “Cây cầu này là mơ ước của không chỉ người dân Quảng Hải mà là mong ước chung của người dân Quảng Bình. Chỉ tiếc vợ tui đã không còn để được đi qua cây cầu này... Nhưng tui mừng cho người quê mình từ đây không còn phải thấp thỏm âu lo mỗi khi qua đò nữa”.
Hệ thống cầu Quảng Hải gồm hai cầu chính bắc qua hai nhánh của sông Gianh, nối liền xã Quảng Thanh với ốc đảo Quảng Hải và xã Quảng Lộc. Trong đó, cầu Quảng Hải 1 dài 376 m và cầu Quảng Hải 2 dài 285 m.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: