Top

Loạn dự báo giá bất động sản

Cập nhật 27/10/2014 08:52

Lâu nay, giới đầu tư chứng khoán thường than phiền về tình trạng loạn dự báo về xu hướng TTCK hay giá cổ phiếu vì cho rằng, nó chỉ phục vụ cho lợi ích tự doanh của CTCK. Tình trạng trên không chỉ còn là “đặc sản” của TTCK, mà đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản.


Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2014 của Công ty CBRE, chỉ riêng trong quý III/2014, đã có khoảng 2.200 căn hộ được mở bán mới ra thị trường. Lũy kế 9 tháng, số căn hộ chào bán lên đến 6.829 căn hộ, nhiều hơn con số 6.745 căn hộ được chào bán trong cả năm 2013.

Không chỉ đẩy mạnh việc mở bán sản phẩm ra thị trường, theo CBRE thị trường sơ cấp căn hộ tại Hà Nội trong quý III còn chứng kiến hàng loạt chủ đầu tư tăng giá bán căn hộ, với mức tăng từ 2 - 5%. Tại thị trường thứ cấp, sự tăng giá cũng duy trì quý thứ 3 liên tiếp, với mức tăng trung bình khoảng 1%. Riêng phân khúc hạng trung, mức tăng đến 1,8%.

Cũng theo công ty tư vấn nghiên cứu thị trường này, sự tăng giá ổn định tại thị trường thứ cấp chứng tỏ thị trường đã ra khỏi đáy.

Với nhiều mỹ từ như “nhà đầu tư đã quay trở lại”, hay “nhiều dự án đã có tiền chênh”…, Savills Việt Nam, Cushman & Wakefield Việt Nam cũng đưa ra một tương lai tươi sáng của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Trái ngược với những nhận định, dự báo đầy màu hồng trên của các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, giá của bất động sản sẽ tiếp tục giảm.

“Tôi tin là không có biến động nào về giá bất động sản trong năm nay, thậm chí kể cả giai đoạn đầu năm sau nữa. Giá bất động sản sẽ vẫn tiếp tục giảm, bất kể Chính phủ hay các bộ ngành có ra quyết định gì”, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường địa ốc nói và cho rằng, các chủ đầu tư bắt buộc phải dần đưa giá bất động sản về giá trị thực.

Thận trọng cũng là tâm lý của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi cho rằng, tuy có những tín hiệu khả quan trong giao dịch, nhưng thị trường vẫn chưa thoát ra khỏi khó khăn. Chuyện thị trường sốt trở lại là không thể, bởi người mua nhà hiện nay tỉnh táo hơn trước nhiều.

Không chỉ những người có nhiều kinh nghiệm như ông Võ, hay đang quản lý thị trường như ông Nam, mà nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù bất động sản sẽ hút dòng tiền trở lại, nhưng để sốt như trước đây thì chưa đủ độ.

Trong khi đó, là người trải nghiệm thực tiễn với thị trường, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hải Phát và nhiều đại diện sàn giao dịch khác lại chỉ mong giá ổn định, chứ cứ mỗi ngày một giá thì “rất nguy hiểm”.

Một khoảng đen khá lớn khác của thị trường là hiện cả nước có khoảng 1.700 dự án “chết”. Đây là bật mí của một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực M&A dự án bất động sản và dĩ nhiên, con số này chưa hề xuất hiện trong báo cáo đầy màu hồng của các công ty nghiên cứu. Theo vị chuyên gia này, tận dụng cơ hội thị trường có dấu hiệu hồi phuc, hàng loạt dự án đã được “đưa lên sạp” để bán với giá “bèo”. Và dĩ nhiên, trong một cái chợ mà vạn người bán, chục người mua, thì chỉ những dự án nào thực sự tốt mới được để ý, còn lại phải chịu chung số phận “đắp chiếu” dài dài.

Dĩ nhiên, để đưa ra các báo cáo, nhận định về thị trường, các công ty nghiên cứu, hay các chuyên gia đều đã điều tra, có số liệu, tìm hiểu thị trường khá kỹ, nên những đánh giá, dự báo đưa ra của họ không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, thị trường cũng không khỏi nghi ngờ, vì giống như CTCK có mảng tự doanh, các công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường cũng làm nhà phân phối, đại lý bán hàng, nên khó tránh khỏi việc tranh thủ quảng cáo cho sản phẩm nhà.

Với một thị trường mà sự minh bạch chưa cao như thị trường bất động sản Việt Nam, những nhận định trái chiều, hay loạn số liệu có thể vẫn tiếp diễn. Vì vậy, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người mua nhà phải học cách chắt lọc thông tin để đưa ra cho mình quyết định đúng đắn nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán