Top

Nóng trong tuần: Nhà đất còn xuống giá nữa không?

Cập nhật 26/10/2014 11:13

Mở cửa thị trường bất động sản với người nước ngoài, thị trường nhà đất có xuống giá, mòn mỏi chờ giao nhà ở Dự án chung cư Long Phụng Residence… là những tin tức nổi bật tuần qua.

Mở cửa thị trường bất động sản với người nước ngoài

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Hiện việc tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đang được thực hiện thí điểm từ năm 2008 theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này thì việc mở rộng đối tượng và điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển.


Theo đó, dự án Luật quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam như quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài); cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn trước khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Trong một báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để tránh hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản.

Dự án chung cư Long Phụng Residence: Mòn mỏi chờ giao nhà

Mặc dù theo hợp đồng (HĐ), chủ đầu tư cam kết bàn giao căn hộ (CH) cuối năm 2011, nhưng đến nay sau thời gian dài chờ đợi, những khách hàng đã mua CH tại dự án chung cư Long Phụng Residence (31 đường số 1, P.An Lạc A, Q.Bình Tân) vẫn phải mòn mỏi chờ chủ đầu tư (CĐT) giao nhà.

Từ sau thời điểm 31-12-2011 đến nay, CĐT đã ba lần xin gia hạn với nhiều lý do khác nhau. Ngày 12-12-2011, viện cớ đơn vị cung cấp thang máy tại Thái Lan bị ảnh hưởng lũ lụt dẫn đến chậm giao hàng, CĐT xin gia hạn tới 30-4-2012. Đến hẹn, KH tiếp tục thất vọng khi ngày 19-7-2012 nhận được văn bản xin dời thời hạn giao nhà tới 31-12-2012 vì CĐT gặp khó khăn về tài chính do chính sách siết chặt tín dụng bất động sản. Sau hai lần hứa cuội, ngày 22-4-2014 ông Huỳnh Văn Ánh - Tổng giám đốc Cty CP địa ốc Bình Tân - ra văn bản xin lỗi KH và cho biết đã tìm được nhà đầu tư thứ cấp giúp đỡ hoàn thiện DA, đồng thời nhấn mạnh DA bắt đầu thi công trở lại, xin lùi thời hạn giao nhà tới 30-3-2015.

Trong lúc KH tiếp tục hi vọng thì vừa qua nhiều người tìm đến công trường điều nghiên và hoàn toàn thất vọng vì tại thời điểm này vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy DA đang được thi công như lời của CĐT.

Ngao ngán, nhiều KH đành rao bán lỗ CH đã ký HĐ mua. Từ mức giá trên 20 triệu đồng/m2, hiện chỉ còn 7,5 - 8,5 triệu nhưng vẫn không tìm được khách. Nhiều người cho biết mức giá bán lại trên thị trường thứ cấp như vậy rất hấp dẫn nhưng bỏ tiền ra thì không biết đến bao giờ mới được nhận nhà?

Nhà đất còn xuống giá nữa không?

Nhiều ý kiến của các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) chuyên gia trong hội thảo về cơ hội phục hồi của thị trường BĐS ngày 21/10 tranh luận về câu hỏi này.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 5.700 căn hộ được bán, tăng 83% so với cùng kỳ, do các DN BĐS đã điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ yếu là các căn hộ có diện tích dưới 70m2 gồm cả hàng tồn kho lẫn hàng mới.

Hiện TP.HCM có 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 30,3% dự án đã hoàn thành với 426 căn, 49% dự án đang gặp khó khăn hoặc ngưng triển khai. Số lượng dự án đang thi công là 201 dự án, chiếm 15%.

Bên cạnh những dự án triển khai mới vẫn còn những tồn đọng của thị trường BĐS chưa giải quyết được. Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, năm 2009 có nhiều tập đoàn kinh tế, DN tay ngang nhảy vào thị trường BĐS nên đang muốn bán dự án để rút vốn về.

Thị trường BĐS năm tới tiếp tục sôi động tập trung ở phân khúc sản phẩm giá trung bình, thấp và có diện tích dưới 100m2. Nhưng thời gian thi công dự án đúng tiến độ cũng là yếu tố quan trọng để các giao dịch BĐS gia tăng.

Theo ông Vũ Đình Ánh giá BĐS sẽ khó giảm sâu nữa, vì nền kinh tế năm 2014 có nhiều dấu hiệu khả quan khi tăng trưởng GDP đạt kế hoạch, lạm phát tăng thấp hơn kỳ vọng và được kiềm chế ổn định, hàng loạt các gói cho vay BĐS được ngân hàng tung ra: gói 30.000 tỷ đồng, gói cho vay cán bộ công nhân viên tối đa 1,05 tỷ đồng để mua nhà, các gói ưu đãi lãi suất thấp cho vay mua, sửa chữa nhà của các ngân hàng thương mại… Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục gỡ khó cho thị trường BĐS như: sửa Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, tăng giá đất lên gấp đôi… nhằm giúp thị trường BĐS ấm hơn.

Còn theo một chuyên gia kinh tế muốn giải phóng hàng tồn kho BĐS thì đối với một số dự án DN BĐS phải chấp nhận lợi nhuận bằng không (0), bán giá vốn và thời gian tới phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành… mới mong bán được hàng. Vì giá BĐS vẫn còn quá cao với thu nhập của đa số người dân hiện nay.

Bất động sản “dội bom” tin nhắn: Chủ đầu tư cũng là nạn nhân?

Trong khi khách hàng bị "khủng bố" từ những tin nhắn rác rao bán, giới thiệu dự án bất động sản thì nhiều chủ đầu tư khẳng định họ không biết việc tên doanh nghiệp cũng như dự án của họ xuất hiện trên các tin nhắn.

ông Nguyễn Xuân Bằng – Chánh Văn phòng Cty Cổ phần may Hồ Gươm, chủ đầu tư dự án, ông Bằng cho biết: “Chủ đầu tư không biết vì chúng tôi không trực tiếp bán hàng. Chúng tôi có hợp đồng với 2 bên khác bán hàng là công ty Savills Việt Nam và Đất Xanh miền Bắc”.

Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án, chịu trách nhiệm kinh doanh, với sự hợp tác của Geleximco tại dự án Gemek Tower, ông Kiều Xuân Nam – Tổng giám đốc Mekong Land khẳng định, chắc chắn việc này không phải do chủ đầu tư làm. Đại đa số chủ đầu tư không phân phối. Mạng lưới phân phối là các sàn giao dịch đã được nhà nước công nhận. Doanh nghiệp không biết vì trong gói sản phẩm PR không có trả tiền cho việc gửi tin nhắn.

Vẫn được nhắc đến là thương hiệu gắn với những dự án siêu sang, cao cấp việc sử dụng tin nhắn để quảng cáo, rao bán sản phẩm của Tân Hoàng Minh được một cán bộ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thừa nhận nhân viên kinh doanh có gửi tin nhắn đến với khách hàng.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về tin nhắn rác bất động sản không ít chủ đầu tư từ chối nêu ý kiến.

Nhân viên truyền thông dự án của Tổng Cty Viglacera cho rằng: Những vấn đề liên quan đến thị trường như thế nên làm việc với bên phân phối.

Ghi nhận ý kiến của nhiều chủ đầu tư địa ốc cũng cho biết chuyện spam tin nhắn bán nhà đất không phải là chủ trương của họ, mà đa phần là của các đại lí môi giới, ở dưới là các nhân viên môi giới, và cấp “tự do” là các cộng tác viên môi giới.

Dù xuất hiện trên tin nhắn là thương hiệu và dự án của doanh nghiệp nhưng xem ra chủ đầu tư cũng chỉ là nạn nhân?


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet