Top

“Khu đất vàng” Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học: Bất thường trong đấu thầu

Cập nhật 17/04/2008 09:00

Kết quả đấu thầu khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, quận 1 vừa được UBND TPHCM chính thức công bố. Theo đó, liên danh Thái Sơn (gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư Chí Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Ánh Dương - Công ty Cổ phần Bất động sản BIDV Land...) đã trở thành nhà đầu tư “khu đất vàng”.

Kết quả này làm cho những nhà đầu tư còn lại tham gia đấu thầu cảm thấy bất bình bởi ngay từ đầu họ đã trở thành “quân xanh” trong một cuộc chơi mà tiêu chí được đưa ra là công khai, minh bạch và công bằng.

Phạm quy vẫn được dự thầu!

Dù liên danh Thái Sơn đã thắng nhưng không thực sự thuyết phục các đơn vị tham gia đấu thầu khác bởi trong đó có nhiều điều bất ổn, thậm chí là cách hành xử chưa thật chuyên nghiệp của hội đồng đấu thầu.

Điều đầu tiên là tính pháp lý của các nhà đầu tư trong liên danh Thái Sơn. Theo quy định trong hồ sơ mời thầu, một trong những tiêu chí để được tham gia là các công ty phải có 3 năm hoạt động kinh doanh và kiểm toán 2 năm liên tục. Thế nhưng, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, hầu hết các công ty trong liên doanh Thái Sơn đều còn “non trẻ”. Cụ thể, Công ty Đầu tư Xây dựng Thái Sơn thành lập tháng 8-2007; Công ty Cổ phần Đầu tư Chí Thành thành lập vào tháng 6-2007; còn Công ty BIDV Land thành lập ngày 11- 12-2007, sáu ngày trước khi mở thầu.

Thậm chí Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Ánh Dương mới được “đẻ” ra vào ngày 10-3-2008, tức sau hơn 3 tháng khi đã tổ chức... đấu thầu. Thế nhưng không hiểu vì sao Hội đồng Đấu thầu dự án vẫn ưu ái cho liên danh này tham gia đấu thầu?

Bất ổn kế tiếp là khả năng chứng minh nguồn tài chính của đơn vị trúng thầu. Theo khiếu nại của liên danh Khánh Gia - một trong những đơn vị tham gia đấu thầu, liên danh Thái Sơn đã dùng bản “cam kết tín dụng” của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh TPHCM phát hành với cam kết cung cấp vốn lên đến 4.200 tỉ đồng (thời hạn 6 năm) để chứng minh khả năng thực hiện dự án là phạm luật.

Lý giải điều này, liên danh Khánh Gia cho rằng theo quy định của pháp luật, tỉ lệ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là không quá 15% vốn tự có. Như vậy, với số vốn tự có của mình khoảng 15.000 tỉ đồng, BIDV chỉ có thể cam kết cho vay không quá 2.250 tỉ đồng. Về điều này, ngày 14-3, chính ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM, đã ký văn bản số 394 “thổi còi” cách làm này do không đúng quy định của pháp luật. Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM cũng đã chính thức khẳng định cam kết tín dụng nêu trên là không phù hợp.

Bao giờ có trường Tenlơman mới?

Một trong những tiêu chí quan trọng khác trong hồ sơ mời thầu khu đất vàng Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học là nhà đầu tư phải di dời Trường Trung học Tenlơman đang hiện hữu trong khu đất và có địa điểm xây dựng mới có quy mô lớn và chất lượng tốt hơn. Địa điểm xây dựng trường phải ở tại phường Cô Giang hoặc phường Cầu Kho, quận 1. Đồng thời, phương án đưa ra phải đạt được tính khả thi về thời gian hoàn thành công trình.

Liên danh Thái Sơn đề xuất địa điểm xây dựng trường Tenlơman mới là khu đất nằm tại phường Cô Giang giáp ranh đường Trần Đình Xu. Khu đất này có diện tích gần 10.000 m2 với gần 200 hộ dân đang cư ngụ. Chính vì đây là khu dân cư hiện hữu nên nhiều người ngại về tính khả thi của việc di dời trường Tenlơman theo đúng thời hạn cam kết bởi việc giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với khu dân cư hiện hữu trên sẽ vô cùng khó khăn.

Trong khi liên danh Thái Sơn còn đang khó khăn trong mặt bằng thì liên danh Khánh Gia đã thương thảo với Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương để chuẩn bị sẵn mặt bằng số 379 Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1 nhằm bảo đảm hoàn thành việc xây dựng trường Tenlơman mới trong thời gian sớm nhất. Hiện liên danh này cũng đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty SWA Việt Nam thực hiện việc thiết kế trường.

Trong khi đó, theo quy định trong hồ sơ mời thầu (mục 27, chương II), nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng tiêu chí nêu trên và phương án xây trường không khả thi thì hồ sơ của nhà đầu tư đó xem như không đáp ứng yêu cầu cơ bản và bị loại. Thế nhưng liên danh Thái Sơn vẫn được tham gia đấu thầu và kết quả là... trúng thầu!?

Dự kiến chiều nay, 17-4, Hội đồng Đấu thầu khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học sẽ có buổi họp nhằm công bố các vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chủ trương của TP trong việc thực hiện thí điểm hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP. Hy vọng những thắc mắc xung quanh việc đấu thầu này sẽ được làm rõ.

Công ty Khánh Gia đòi khởi kiện

Ngày 16-4, ông Lâm Trúc Nhỏ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Gia, đại diện liên danh Khánh Gia, cho biết công ty đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý để khởi kiện Hội đồng đấu thầu ra TAND TPHCM. Theo ông Nhỏ, việc trả lời khiếu nại của UBND TPHCM cho Khánh Gia xung quanh kết quả đấu thầu là chưa rõ ràng và không thuyết phục trong khi những nội dung khiếu nại đưa ra là rất cụ thể. Cũng theo ông Nhỏ, hai nhà đầu tư phía Hàn Quốc (cùng liên danh với Khánh Gia) là Ssangyong, Doosan & Pungkyung cũng đang mời luật sư Hàn Quốc sang Việt Nam để tham gia khởi kiện.


Theo Người Lao Động