Top

Đất “vàng” vẫn “ngủ”

Cập nhật 15/09/2010 10:40

20 khu đất tại trung tâm TP Hồ Chí Minh được đánh giá là "của hiếm" hiện nay trên thị trường bất động sản, là "con gà đẻ trứng vàng" nếu như doanh nghiệp nào sở hữu được. Thế nhưng đến nay chỉ mới có 3 khu đất có chủ, còn lại chúng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư.


Khu tam giác đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo vẫn chưa chọn được nhà đầu tư mới.

Việc quy hoạch 20 ô phố "vàng" với tổng diện tích khoảng 50ha đã được UBND TP Hồ Chí Minh công bố quy hoạch từ tháng 10-2007. Đây là những ô phố nằm trên địa bàn quận 1, chiếm một phần rất lớn của khu lõi trung tâm thành phố và được gọi là những khu "đất vàng". Bởi thế khi quy hoạch các ô phố được công bố công khai đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chẳng hạn như trụ sở của Sở VH-TT&DL nằm trên khu đất khá đẹp gần các công trình có giá trị kiến trúc bảo tồn như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố... trên trục đường có giá "đắt đỏ" nhất thành phố (đường Đồng Khởi), tuy có diện tích chưa đến 5.000m2 nhưng có đến 25 nhà đầu tư muốn xây dựng cao ốc với số vốn lên đến hàng trăm triệu USD.

Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP Hồ Chí Minh, việc quy hoạch 20 ô phố này là nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời thành phố không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án rất khó khăn, mới chỉ có 3 trong tổng số 20 ô phố đã có chủ, đó là khu tứ giác Eden, khu 66-68 Đồng Khởi và tứ giác Bến Thành.

Trong quá trình đấu thầu khu đất "vàng" đầu tiên đã phát sinh nhiều rắc rối. Đó là vụ đấu giá tại khu tam giác đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo. Giá trị khu đất này sau khi đấu giá lên đến 4.918 tỷ đồng, thế nhưng sau khi UBND TP công bố kết quả đơn vị trúng thầu thì một đơn vị không trúng thầu đã khiếu nại lên hội đồng đấu thầu và các cấp thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ kết luận quá trình đấu thầu có nhiều sai sót, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hủy kết quả đấu thầu. Đến nay khu đất trị giá ngàn tỷ này vẫn chưa có chủ mới! Một vấn đề quan trọng khác đó là lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết thật sự. Thực tế không ít nhà đầu tư, không có năng lực đã tìm mọi cách để có được dự án rồi bán sang tay kiếm lời. Bài học về dự án khu Thanh Đa - Bình Quới mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa rút giấy phép là một ví dụ điển hình. Đây là một vị trí lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, khách sạn nghỉ dưỡng... Thế nhưng đã 17 năm trôi qua, dự án này đã "treo" hơn 3.000 hộ dân tại đây trong tâm trạng bất an!

Vướng mắc lớn nhất theo các chuyên gia vẫn là cơ chế, chính sách, trong đó có việc xác định tiêu chí đấu thầu chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, việc đấu thầu các khu đất là chủ trương xã hội hóa giúp khai thác tối đa tiềm năng của nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thay đổi bộ mặt về cơ sở hạ tầng cho thành phố. Việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các khu đất vàng là nhằm chỉnh trang, nâng cấp đô thị; thu hút đầu tư; góp phần thực hiện tính công bằng đối với môi trường đầu tư, tạo động lực cho phát triển, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để phát triển hạ tầng đô thị.

Chỉ tính riêng phát triển giao thông, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần khoảng 38.000 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng giao thông đô thị - một con số quá lớn và vượt ra ngoài tầm huy động của thành phố. Vì hằng năm tổng nguồn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông chỉ là 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng chục ngàn tỷ đồng từ các khu đất "vàng" vẫn đang "ngủ yên". Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, việc khai thác các khu đất có ý nghĩa quan trọng, vì thế sắp tới thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế để thực hiện đấu thầu một cách công khai, đúng pháp luật nhằm chọn nhà đầu tư có năng lực nhất khai thác các khu đất này để tạo động lực phát triển kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới