Dự án trong khu đô thị mới được phép huy động vốn sớm hơn dự án nhà ở thông thường.
Ngày 8-6, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản trả lời Bộ Tư pháp xung quanh việc huy động vốn của khách hàng trong khu đô thị mới. Trước đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến về “tính hợp pháp” của Công văn 03/2010 (hướng dẫn thực hiện Thông tư 04/2006 của Bộ Xây dựng) do Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng ban hành.
Vẫn phải xong phần móng
Theo Bộ Xây dựng, về việc huy động vốn, Thông tư 04/2006 hướng dẫn: thời điểm đầu tiên chủ đầu tư dự án khu đô thị mới được phép huy động vốn là khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong quyết định cho phép đầu tư. Hướng dẫn này phù hợp với Nghị định 02/2006 nhằm ngăn ngừa chủ đầu tư khi chưa đầu tư dự án đã huy động vốn của khách hàng, đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).
Cạnh đó, Nghị định 02 và Thông tư 04 chỉ điều chỉnh việc huy động vốn của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới (chủ đầu tư cấp 1), không điều chỉnh việc huy động vốn của các chủ đầu tư thứ phát. Đối với dự án nhà ở, việc huy động vốn của chủ đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở (chỉ được huy động vốn sau khi đã xây xong móng của tòa nhà). Mặt khác, do dự án khu đô thị mới cũng có sản phẩm là nhà ở và có nhiều trường hợp chủ đầu tư cấp 1 trực tiếp đầu tư kinh doanh nhà ở nên dẫn đến sự hiểu lầm về việc huy động vốn của chủ đầu tư cấp 1 và chủ đầu tư thứ phát.
Thi công xây dựng phần móng một dự án nhà tại quận 7, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD |
Ngày 26-3, Cục Phát triển đô thị ra Công văn 03 hướng dẫn Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thực hiện Thông tư 04/2006. Ngày 12-4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng xem lại tính hợp pháp của công văn này. Lý do: Công văn 03 sử dụng Thông tư 04 làm căn cứ pháp lý. Thông tư 04 ban hành ngày 18-8-2006 là thời điểm Luật Nhà ở đã có hiệu lực. Điều 39 Luật Nhà ở năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2006) quy định: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng”. Trong khi đó, Thông tư 04 đã cho phép chủ đầu tư được huy động vốn từ khi “chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư” là không đảm bảo tính hợp pháp.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: