Top

Thót tim mua đất xây nhà

Cập nhật 08/06/2010 11:40

Giá đất thổ cư tại các huyện ngoại thành Hà Nội tăng vèo vèo khiến hành trình tìm mua miếng đất cắm dùi của nhiều công chức trở thành đoạn trường "cười ra nước mắt".

Cơ hội trôi như... lá bay


Chồng là trưởng đại diện kinh doanh của một công ty lớn ở Sơn La, vợ công tác tại một đài truyền hình, thu nhập của đôi Tuấn - Oanh thường trên 30 triệu đồng/tháng. Lấy nhau được hơn hai năm, mỗi tháng tiền thuê nhà mất 2,5 triệu, nhưng từ đầu năm 2010, giá thuê vọt lên 4 triệu đồng/tháng, họ tức tốc tính chuyện vay tiền ngân hàng để mua đất xây nhà riêng.


Ăn theo đô thị, giá đất thổ cư tại các huyện ven đô không ngừng đắt lên - Ảnh: N.N

Song mọi việc không đơn giản như vậy. Oanh cho biết, động thái tìm mua đất của họ thực ra đã có từ 4 năm nay. Ngày đó tiền ít, không muốn vay mượn lại cứ đắn đo khoảng cách gần xa, hai vợ chồng đã bỏ qua rất nhiều cơ hội ngon ăn mà sau này tiếc mãi. Trong đó kể đến mảnh 70m2 thuộc khu An Khánh, giá năm ngoái chỉ 7 triệu đồng/m2, chỉ vì ngại xa không mua, mấy tháng sau nó tăng giá gấp đôi; hoặc mảnh ở Pháp Vân giá đầu tiên cũng là 7 triệu đồng, trong khi vợ rất háo hức thì chồng chần chừ, lúc chí mua thì chủ đất đã bán ở mức 17-18 triệu đồng/m2.

“Do không quyết đoán mà nhiều lần vợ chồng sinh ra hục hặc nhau” - Oanh kể và cho hay, lượng tiền vay mượn có hạn trong khi mua đất xây nhà vừa khó, vừa mất thời gian, cuối cùng hai vợ chồng đành gác lại giấc mơ một căn nhà riêng, mà thay vào đó là một căn hộ chung cư tại Văn Khê với lời hẹn tháng 6 này sẽ được giao nhà.

Quê gốc ở một huyện của Hà Nội nhưng Hoàng Hải - ông chủ trẻ của một công ty tin học tại quận Hai Bà Trưng xem ra cũng không nhiều lợi thế trong việc tìm đất xây nhà. Nhu cầu của Hải là mảnh vừa phải, cách các quận trung tâm Hà Nội bán kính chừng 15km nhưng huy động người thân làm trong ngành xây dựng tìm kiếm cả năm nay vẫn chưa được mảnh nào.

Đáng tiếc hơn, mới đây một người quen rao bán cho anh mảnh 40m2 tại khu Yên Viên, Gia Lâm với giá 15 triệu đồng/m2, vậy mà chưa kịp đặt cọc tiền, hôm trước hôm sau, Hải đã mất cơ hội sở hữu chỉ bởi có người đã nhanh tay trả giá 17 triệu đồng.

Song, bi hài nhất phải kể đến trường hợp của anh Thành quê gốc Nam Định - chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp tại một cơ quan trên đường Hoàng Quốc Việt. Ngót 20 năm lao động cần mẫn ở đất Hà Nội, tích cóp được ít vốn lận lưng, cách đây 5 năm, vợ chồng anh bắt đầu tìm mua đất vùng ven tất cả vì mục đích cho con cái lớn lên có mái nhà yên ấm. Vậy mà cũng từng ấy thời gian lùng sục, điều khó khăn nhất anh rút ra không phải vấn đề đắt - rẻ mà là tìm được mảnh diện tích nhỏ, từ 40-60m2.

“Trước đây tôi suy nghĩ đơn thuần rằng với 400 triệu đồng thì chỉ cần một miếng 40m2 giá 10 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế không thể tìm ra được miếng như vậy. Nông thôn đất đai rộng, lại rẻ, nếu chia nhỏ ra họ càng khó bán vì phụ thuộc mặt đường, mặt ngõ. Đơn cử miếng đất mặt ngõ chỉ có 4m, chiều dài tới 40m, với tầm tiền như mình thì không đủ, nhưng yêu cầu mua nhỏ hơn thì chẳng người nào dám cắt bán một nửa” - anh nói.

Mua đất đừng như mua máy giặt!


“Đoạn trường” gian nan mua đất được anh Thành lấy mốc từ tháng 6/2009. Lúc đó một nhà ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh có 150m2 đất cần bán với giá 1,7 triệu đồng/m2. Đã cảm thấy ưng ý, anh Thành hẹn Chủ nhật tới sẽ đến làm hợp đồng (vì trong tuần bận đi làm).

Đúng hẹn đem tiền đến thì anh nổi khùng và tự ái cao độ sau khi nghe chủ nhà hét lên giá 2,8 triệu/m2 mới bán. Bị nuốt lời, không thèm đàm phán một câu, anh bỏ về luôn. Nhưng sau bình tâm lại, tìm đến hỏi mua thì anh mới vỡ lẽ nhà này đã bán cho khách khác với giá 3,5 triệu đồng. Anh càng ngẩn ngơ hơn khi được biết hiện tại miếng đó đã lên đến mười mấy triệu đồng/m2.

Lần tiếp theo đến xã Vân Côn, anh được giới thiệu ngay vào một nhà có miếng đất khoảng 90m2, phát giá 3,5 triệu đồng/m2. Vẫn như những lần trước đi xem đất mà không cầm tiền, anh hẹn sáng hôm sau sẽ đến đặt cọc và làm hợp đồng. Nhưng vận rủi đeo bám, hôm sau khi đến nơi, chủ nhà đã thông báo, tối hôm trước có người khác đến hỏi mua và trả tiền ngay rồi!


Mua đất ngõ ngách trong làng cũng phải tranh cướp - Ảnh: N.N

Sau tam tứ phen mua hụt, về nhà vợ anh quyết bán vàng, gom hết tiền mặt cầm trong tay, cùng chiều họ quay lại xóm đó để tiếp tục săn lùng, cuối cùng họ vào mắt một mảnh 88m2 giá 5 triệu đồng/m2. Mặc dù chủ nhà bình thản khuyên: “cứ tính đi rồi hôm nào thoải mái thấy ưng thì xuống làm hợp đồng”, rút bài học sương máu, anh Thành chốt ngay: “chẳng cần suy nghĩ gì cả, ông đã đồng ý giá đó thì tôi trả tiền ngay bây giờ”.

Chưa hết, hôm sau xuống xã làm thủ tục giấy tờ, anh gặp ngay một người khách ngồi than trách chủ lô đất của anh đã không bán cho họ giá 4,5 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, họ đề nghị Thành sang tay với giá 5,5 triệu đồng; rồi 6,5 triệu đồng/m2, và mới đây có khách trả mười mấy triệu đồng/m2 nhưng anh đều kiên quyết từ chối chỉ bởi lo ngại bán đi lúc này chắc chắn về sau không thể mua lại được miếng tương tự.

Đi mua đất trong bối cảnh hiện nay, phải quan niệm như đi mua rau, chứ đừng như đi mua máy giặt. Vì mua máy giặt, mình phải chọn lựa hàng tốt, đi lại vài vòng mặc cả, tham khảo, so sánh giá các nơi, còn mua đất thì phải quyết luôn như mớ rau, đã ưng là mua bằng được dù bất kể giá nào” - anh ví von.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây Dựng - Nguyễn Trần Nam, giá cả hàng hoá bất động sản ở nước ta vẫn tăng ở mức cao, diễn biến phức tạp khó kiểm soát chính là một hạn chế cơ bản. Riêng Hà Nội, giá bất động sản trước nay không hề giảm. Hệ luỵ của nó là số đông người có nhu cầu về nhà ở rất khó tiếp cận với nhà cửa, đất đai.

Vị Thứ trưởng cũng chỉ ra một vài con số giật mình: so mức thu nhập quốc dân giữa các nước trên thế giới, Việt Nam hiện đứng ở số thứ tự trên 100, vậy mà giá bất động sản lại nằm trong TOP 20 nước cao nhất. Ở một số nước phát triển, chi phí mua nhà của cá nhân trung bình chiếm 1/3 tổng thu nhập của họ, thì ở Việt Nam, con số này lớn gấp nhiều lần. Nói cách khác, nếu tại các nước phát triển, người đi làm không tiêu một xu nào trong 6 năm, họ có thể mua được căn nhà giá trung bình, thì ở Việt Nam, con số này là 20 năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet