Top

Kênh đầu tư vàng sẽ “đóng cửa”?

Cập nhật 09/04/2012 08:10

Nếu giá vàng thế giới giảm về vùng 1.450-1.500 USD/oz như dự báo thì giá vàng trong nước cũng sẽ tương đương 37-38 triệu đồng/lượng, thậm chí thấp hơn.

Từ giữa tháng 3, Ngân hàng Morgan Stanley và quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đã đưa ra một số dự báo về khả năng vàng có thể sắp rơi vào đợt giảm giá mạnh. Tại Việt Nam, vào đầu năm, giá vàng trong nước còn giữ được mức 45-45,5 triệu đồng/lượng, tiếp sau đó hình ảnh đường biểu diễn tuột dần của nó từ đó đến nay đủ làm nản lòng giới đầu tư và người dân có thói quen tích trữ vàng.

Thêm một “gáo nước lạnh”

Nghị định 24
về quản lý kinh doanh vàng vừa được ban hành đã dội thêm một gáo nước lạnh lên chút hy vọng nhỏ nhoi còn lại của kênh đầu tư vàng.

Theo quy định mới, sẽ có một phần lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số trong 12.000 cơ sở kinh doanh vàng phải dẹp tiệm. Sẽ chỉ có ít đơn vị đáp ứng được điều kiện kinh doanh vàng miếng của Nghị định 24.

Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp không văn bản là các đơn vị kinh doanh vàng có sáu tháng để chuyển đổi. Tuy nhiên, với thực tế khốn khó của vàng như hiện thời, thật ít người có thể kỳ vọng vào một sự xán lạn trở lại của kênh vàng, khi cả những thương hiệu vàng có tiếng như Rồng Vàng Thăng Long, Bảo Tín Minh Châu đều trở nên “bất hợp pháp” trong mối tương quan với vàng SJC. Lồng trong khung cảnh thế độc quyền về sản xuất và kinh doanh vàng miếng được chuyển dần vào tay Nhà nước, SJC sẽ gần như chắc chắn đóng vai trò độc tôn.

Tới đây, vàng có thể rớt xuống ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. Ảnh: HTD

Tạm gác lại những “bất cập” của Nghị định 24 mà giới kinh doanh vàng nhỏ lẻ luôn than phiền, văn bản này sẽ có tác dụng chi phối hầu hết các hạng mục trong thị trường vàng. Tính đầu cơ hoạt náo của nhiều nhóm đầu cơ làm giá vàng sẽ trở nên trầm lắng trong ít nhất vài năm tới. Việc gom hoạt động kinh doanh vàng miếng vào địa bàn chi phối của Công ty SJC và một số ngân hàng như ACB, Eximbank, DongAbank, Agribank… sẽ có tác dụng “khoanh vùng” hoạt động đầu cơ trôi nổi trên thị trường chợ đen. Sau đó, vàng miếng có thể được chuyển sang hình thức vàng tài khoản như một phương thức kinh doanh mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Vàng sẽ không còn được duy trì làm phương tiện thanh toán như thói quen lâu nay của người dân trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch về nhà đất.

Chuyển vàng đi đâu?

Giới đầu tư vàng đều hiểu ra một “chân lý”: Kể từ nay nguy cơ đối với vàng trong nước không chỉ là tuột giá mà “đau khổ” nhất sẽ là sự xuống dốc về thanh khoản. Thanh khoản càng giảm thì giá càng dễ lao dốc.

Tương quan giữa thị trường vàng với những thị trường đầu cơ khác cũng phản ánh khá nhiều hàm ý trong những ngày gần đây. Nếu lấy mốc thời điểm so sánh từ đầu năm 2012, rất dễ dàng nhận ra chứng khoán chính là thị trường khởi động trước, với biểu đồ thanh khoản gần như tỉ lệ nghịch với biểu đồ thanh khoản của thị trường vàng. Từ sau tết đến nay, nhiều chuyên gia và giới báo chí đã phải bày tỏ sự ngạc nhiên về một dòng tiền “khủng” đổ vào thị trường chứng khoán. Không chỉ tỉ lệ nghịch về thanh khoản, nguy cơ đối với thị trường vàng sau Nghị định 24 còn là mối quan hệ tỉ lệ nghịch về giá, giống như hiện trạng đang diễn ra trong hệ thống liên thị trường ở Mỹ, mặt bằng giá cổ phiếu càng cao thì mặt bằng giá vàng lại càng suy giảm tương đối. Cũng vì thế, gần đây đã xuất hiện một vài dự đoán bạo gan của giới phân tích trong nước về khả năng giá vàng có thể rớt xuống ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. Khả năng này hoàn toàn có thực vì nếu quy đổi giá vàng thế giới thì hiện nay giá vàng SJC chỉ vào khoảng 41 triệu đồng/lượng. Vì thế, nếu trong thời gian tới giá vàng thế giới giảm về vùng 1.450-1.500 USD/oz như dự báo thì giá vàng trong nước cũng sẽ tương đương 37-38 triệu đồng/lượng, thậm chí thấp hơn.

Xét về lợi thế so sánh giữa các thị trường đầu cơ, sau khi kênh vàng bị “đóng cửa”, sẽ chỉ còn lại chứng khoán và bất động sản. Không phải ngẫu nhiên mà những ngày gần đây nổi lên khá nhiều thông tin hỗ trợ cho hai thị trường này. Trong đó, đặc biệt là một dự thảo của NHNN dự kiến hạ hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản và chứng khoán từ 250% xuống 150%, đồng thời nâng tỉ lệ cho vay trên vốn huy động của các ngân hàng từ 80% lên 95% và công ty tài chính từ 85% lên 100% đối với hai lĩnh vực này.

Cũng đến thời điểm này, khi chứng khoán đã tăng được gần 40% và mặt bằng giá cổ phiếu tăng đến 50%-60%, cơ hội và rủi ro giữa chứng khoán và bất động sản đang gần tương đương nhau. Nhà đầu tư chuyển từ kênh vàng sang sẽ phải lựa chọn giữa một thị trường có lợi nhuận cao và nhanh nhưng nguy cơ mất giá cũng rất lớn, với kênh kia dù không mất giá mạnh trong ngắn hạn nhưng lại luôn bị đe dọa bởi đóng băng và chôn vốn ít ra trong trung hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP